Tiếp nối tuyến bài LÀM GÌ ĐỂ KHỎE MẠNH cùng người nổi tiếng ở các lĩnh vực khác nhau, chúng tôi mong muốn gửi tặng độc giả một cách nhìn mới và toàn diện về lối sống, cách chăm sóc sức khỏe của một nhân vật cụ thể, từ đó, mỗi người có thể rút ra được những bài học cho riêng mình.
Chúng ta cùng trò chuyện với Đại đức Thích Quảng Tịnh về bí quyết sống khỏe mạnh theo góc nhìn của một tu sĩ. Chúng tôi mong muốn những kiến thức quý báu này sẽ góp phần vào quá trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mỗi chúng ta được tốt hơn.
BTV Vân Hồng: Xin chào Đại Đức Thích Quảng Tịnh, chủ đề chúng ta trao đổi trong bài viết này là về Sức khỏe, bí quyết sống vui vẻ, hạnh phúc và giảm bớt khổ đau. Đầu tiên, thầy có đồng ý với câu nói "sức khỏe là cội nguồn của mọi ước mơ"?
Đại đức Thích Quảng Tịnh: Xin chào chị Vân Hồng và xin chào quý độc giả. Người ta thường nói: Khi có sức khỏe, bạn có thể mơ ước cả ngàn thứ khác nhau, nhưng khi không có sức khỏe, điều bạn mong ước duy nhất là có sức khỏe. Do vậy, tôi rất tán thành quan điểm, sức khỏe là cội nguồn của mọi ước mơ, là khởi đầu của mọi hy vọng.
Đức Phật ngày xưa nhờ ngộ ra 1 điều tối quan trọng, đã giúp Ngài từ bỏ con đường khổ hạnh, ép xác, nhờ đó mới tu tập đạt đến giác ngộ, đó là "Thân thể là ngôi đền cho tâm linh ngự trị, không thể có một trí tuệ sáng suốt trong một thân thể ốm đau, què quặt".
Sức khỏe là một thứ vốn liếng, thứ tài sản mà ta phải nỗ lực xây dựng và bảo vệ mới có được. Xây dựng nghĩa là rèn luyện những kỹ năng có sẵn trong mình. Mỗi người đều có hạt giống của một sức khỏe cường tráng, (các môn thể thao chạy bộ, bơi lội, thể thao…) quá trình rèn luyện nghĩa là bún bón, tưới tẩm cho những hạt giống ấy phát triển.
Bảo vệ nghĩa là giúp thân thể này chống lại bệnh tật, vượt qua bệnh tật đang tấn công mỗi ngày, qua nhiều phương diện: Thói quen ăn uống, ngủ nghỉ, thói quen làm việc, môi trường sống…
BTV Vân Hồng: Dùng điện thoại thì cần ốp bảo vệ, dùng xe cộ thì cần dán bọc khỏi xước sơn... Con người chúng ta có cái "áo" nào để chống lại rủi ro bệnh tật không, thưa thầy?
Đại đức Thích Quảng Tịnh: Điện thoại dù có ốp bảo vệ, xe dù có dán keo xe, chúng vẫn hoàn toàn có thể bị tổn thương nếu gặp những biến cố. Sức khỏe con người cũng vậy, để hoàn toàn chống lại bệnh tật là điều không thể.
Sinh già bệnh chết (sinh lão bệnh tử) là 4 giai đoạn cuộc đời hiển nhiên mà con người phải đối mặt. Tuy nhiên mức độ bị bệnh thế nào, bị bao nhiêu bệnh, bị bệnh ở giai đoạn nào trong cuộc đời mình, lại là do chính chúng ta có thể góp phần quyết định.
Ngoại trừ những người sinh ra đã mang sẵn bệnh tật (Nhà Phật quan niệm đó là nghiệp nhân – nghiệp quả không may mà họ phải mang lấy trong đời này); tất cả mọi người có thể sống khỏe mạnh, sống yên ổn nếu biết cách rèn luyện sức khỏe, bảo vệ sức khỏe trong ít nhất là hơn một nửa cuộc đời mình.
BTV Vân Hồng: Chúng ta thường chúc nhau vui vẻ, nhưng để đạt được điều này, ai cũng nghĩ rằng nó rất khó khăn. Thầy có bí quyết nào để giúp mọi người tự cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc dễ hơn không?
Đại đức Thích Quảng Tịnh: Ngay cảm bản thân tôi cũng có lúc gặp khó khăn, phiền não, tuyệt vọng, nhưng tôi luôn biết cách vượt qua nó nhờ hiểu và ứng dụng những lời Phật dạy.
Phật dạy rằng, cuộc sống này có vô vàn điều mầu nhiệm, diệu kỳ; Ngày thường vì ta sống quá vội vàng, hối hả nên bỏ quên, không cảm nhận được đấy thôi.
Mỗi buổi sáng khi thức dậy, ta ý thức rằng mình còn có thể bắt đầu một ngày mới với những kế hoạch vì chúng ta vẫn còn sống khỏe mạnh, đó là diễm phúc thật lớn nếu ta hiểu rằng, sáng nay, có hàng ngàn người trên thế giới vừa mới tắt thở, hàng ngàn người khác đang thở ôxy…
Ta bước vào nhà vệ sinh, đánh răng rửa mặt, vừa nhấn nút, nước từ đâu đâu tuôn trào mát lạnh, ta sẽ thấy hạnh phúc khi hiểu rằng ở châu Phi, có những nơi người ta phải đi vài chục cây số để có được một ít nước đục ngầu.
Đánh răng, ta nhìn vào gương mỉm cười thấy mình còn nguyên hàm răng để đánh, để chăm sóc và tỏa sáng với nụ cười, rồi ta hiểu ra rằng có hàng triệu người ước có được hàm răng như thế…!
Ta đi bộ ngoài công viên, hít thở khí trời tự do thoải mái, ta đâu biết có hàng triệu người bị mất tự do, bị giam giữ trong các nhà tù mong ước điều ấy.
Nhìn những đóa hoa ngọn cỏ bên đường, ta phát sinh niềm vui khi biết rằng, trên hàng ngàn cây số vuông của sa mạc nóng bức, những vùng bán sa mạc, đó là điều không bao giờ xảy ra…, có rất nhiều điều tương tự như thế. Vui vẻ và hạnh phúc luôn luôn ở bên cạnh và thuộc về bạn.
Ngoài ra, để cuộc sống không già nua, chúng ta có thể:
Sống đến đâu học hỏi đến đó, người thích học hỏi sẽ không bao giờ già.
Sống đến đâu, đọc sách đến đó, người thích đọc sách sẽ không bao giờ già.
Sống đến đâu vận động đến đó, người thích vận động sẽ không bao giờ già.
Sống đến đâu chăm chỉ đến đó, người thích sự chăm chỉ sẽ không bao giờ già.
Sống đến đâu mơ ước đến đó, người thích ước mơ sẽ không bao giờ già.
Sống đến đâu mỉm cười đến đó, người thích mỉm cười sẽ không bao giờ già.
Sống đến đâu vui vẻ đến đó, người thích sự vui vẻ sẽ không bao giờ già.
Sống đến đâu yêu thương đến đó, người có lòng yêu thương sẽ không bao giờ già...
Chánh niệm, tỉnh giác, ý thức những điều may mắn mình đang có, là cách tự mình chế tác hạnh phúc, để tự hưởng thụ, tự vui sống mỗi ngày.
BTV Vân Hồng: Thiền sư Khippapanno Kim Triệu có nói, "Khi tham, sân, si có mặt thì tâm bị xao động, suy nghĩ lung tung do so sánh đánh giá, tâm ở trong tình trạng bất an mất thăng bằng. Chính lúc đó chúng ta đang sống với phiền não". Để loại bỏ buồn phiền, chúng ta nên làm gì?
Đại đức Thích Quảng Tịnh: Phiền não là nguồn gốc của đau khổ luân hồi, mục tiêu của con đường tu Phật là chấm dứt phiền não, đốt cháy phiền não. Làm được điều này, tức là đạt đến mục tiêu tối hậu, giải thoát hoàn toàn (khỏi phiền não), còn gọi là Niết Bàn.
Ở mức độ thấp hơn, trong cuộc sống thường nhật, ta không dám mong chấm dứt hoàn toàn phiền não, mà chỉ là hạn chế, giảm thiểu phiền não.
Phật dạy, vì không nhận thức được bản chất của cuộc sống như nó đang là, nên ta dính mắc vào nó, lệ thuộc nó, và vì thế phiền não phát khởi. Bản chất cuộc sống là vô thường, nghĩa là luôn biến đổi. Quả đất luôn chuyển động từng giờ từng phút, thời gian, không gian cũng thay đổi liên tục, cho đến bản thân ta, người quanh ta cũng luôn thay đổi.
Khi không chấp nhận được thực tế đó, chẳng hạn bản thân ta hôm nay bỗng dưng đổ bệnh, người thương ta hôm nay qua đời, công việc ta trở nên khó khăn, đối tác của ta hôm nay trở mặt… ta đau khổ, ta không chấp nhận thực tại đó. Ta không thể bệnh lúc này (Ta chỉ được phép mãi hoài khỏe mạnh!); người ta thương không thể bỏ ta đi như thế (Phải sống mãi bên ta!); công việc lâu nay tốt lành, bây giờ không thể khó khăn như vậy…!
Tóm lại, vì không hiểu rõ và thực chứng vô thường nên ta rơi vào đau khổ, ta phiền não.
Kế nữa, ta không hiểu đến bản chất của vạn vật trên cuộc đời là không chắc chắn, nương vào nhau để hiện hữu, không có cái gì là thật có, nên ta khổ đau khi sự duyên hợp kia không còn.
Ví dụ, sau show ca nhạc, MC, ca sĩ, nhạc công ai về nhà nấy, đó là lẽ đương nhiên, nhưng ta không chịu! Họ phải mãi hoài có mặt đó, đứng trên sân khấu cho ta tận hưởng! Đó là không hiểu rõ về bản chất vô ngã của vạn vật.
Có thể nói ngắn gọn thế này: Để giảm thiểu, vượt qua phiền não đau khổ, ta phải đủ khả năng để chấp nhận – thứ tha - thay đổi và buông bỏ. Không làm được 4 điều này, khổ đau, phiền não sẽ theo ta dài dài.
Thực ra, buông bỏ là điều mà tu học cả đời chưa chắc đã đạt được. Trí tuệ cao nhất trong nhà Phật là trí tuệ vô ngã (không bám chấp); và thái độ cao tột của cảnh giới tu hành là buông bỏ.
Con người, nắm thì dễ mà buông thì khó vô cùng. Thực ra, khi không còn duyên nợ, nếu không buông, nó cũng sẽ bỏ ta mà đi. Chấp nhận buông hay bất lực nhìn nó vụt khỏi tay mình trong đau khổ, thuộc về cách chọn lựa của mỗi người.
BTV Vân Hồng: Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, ngồi thiền sẽ tốt cho tâm trí, thư giãn đầu óc và giảm những mệt mỏi, bệnh tật. Ở góc nhìn rộng hơn, thiền còn có thể phát sinh trí tuệ?
Đại đức Thích Quảng Tịnh: Tọa thiền là một phép thể dục tâm trí, giúp cho tâm bình an, trí tuệ sáng suốt, và xa hơn, có thể khai mở những trí tuệ đặc biệt, khả năng đặc biệt, và đỉnh cao nhất là giác ngộ tuyệt đối những nguyên lý muôn đời của vũ trụ nhân sinh.
Ở góc độ sức khỏe, tọa thiền đúng cách, sẽ có hiệu quả trong việc chữa lành một số bệnh tật, thông qua việc hấp thu năng lượng từ vũ trụ.
Những giấc ngủ mỗi ngày là một dạng thiền định ở mức độ thấp, nó đã giúp thân tâm ta tái tạo năng lượng thế nào sau một ngày lao động mệt nhoài; thiền tập, nhập được trạng thái thiền định, công dụng sẽ gấp hàng trăm, hàng ngàn lần những giấc ngủ sâu như thế.
BTV Vân Hồng: Vận động giống như một viên thuốc bổ, tốt cho tất cả mọi người. Thầy thường vận động như thế nào?
Đại đức Thích Quảng Tịnh: Trong hầu hết các ngày trong tuần, tôi luôn dành 30 phút đi bộ vào buổi sáng sớm và 30 phút đi bộ vào buổi chiều, hôm nào có thời gian thì tăng cường lên 45 hoặc 60 phút.
Đi bộ là một cách vận động toàn thân hiệu quả, không tốn tiền. Có thể kết hợp nghe nhạc, nghe thuyết giảng, hay nhạc thiền bằng tai phone từ điện thoại, sẽ giúp cho thời gian vận động thực sự là những phút giây thú vị nhất.
Ngoài ra, nếu mỗi người đều theo đuổi một môn thể thao ưa thích, duy trì chơi đều đặn 2-3 lần/1 tuần cũng là một lợi ích rất lớn cho thân thể cường tráng, tránh xa bệnh tật.
BTV Vân Hồng: Khó ngủ, mất ngủ đang là một "căn bệnh của thời đại" bởi những áp lực cuộc sống đang không ngừng gia tăng. Thầy có cách nào để ngủ nhanh và sâu hơn không?
Đại đức Thích Quảng Tịnh: Ngoài áp lực công việc, các chất kích thích (trà, cà phê, thuốc lá…) cũng là những nguyên nhân gây ra khó ngủ.
Theo tôi, tuyệt đối không nên dùng các chất kích thích này từ sau buổi trưa; tập thói quen ngủ đúng giờ; thông thường phải tắt máy tính, các phương tiện điện tử trước 22h30 mỗi buổi tối, đánh răng và tự thưởng mình thêm vài chục trang sách, đúng 23h là tắt đèn và đi ngủ.
Có thể ta không quen, nhưng thân thể sẽ thích nghi nếu ta áp dụng nghiêm túc 2-3 hôm như vậy.
Trong nhà Phật, có dạy phương pháp thiền ngủ (Thiền buông thư) giúp ta nhanh chóng chìm vào giấc ngủ bằng việc thả lỏng toàn thân, thả lỏng tâm hồn, theo dõi hơi thở vào ra, quán tưởng rằng bao nhiêu mệt nhọc, áp lực sẽ theo hơi thở tống ra bên ngoài; những điều an lành, năng lượng tích cực sẽ theo oxy đi vào thân thể để nuôi dưỡng và tái tạo.
Bạn thử thực hành bằng cách nằm thoải mái, thả lỏng thân tâm và thở như vậy, thông thường chưa tới 10 phút là ta đã chìm vào giấc ngủ. Thuật thôi miên, cũng áp dụng phương pháp gần như thế.
Thiền Buông thư (Nguồn: youtube)
Tôi đã từng tự hỏi, trước khi ngủ, chúng ta cần làm gì? Và lời đáp rằng:
Trước khi ngủ, hãy bỏ qua tất cả, quên đi sự mệt mỏi khó nhọc của một ngày. Lên giường nằm, nhắm mắt lại và cảm nhận sự yên tĩnh của phút giây hiện tại.
Hôm nay dù phát sinh bao nhiêu thất vọng, bao nhiêu hiểu lầm cũng đều đã xảy ra, đều đã là quá khứ. Chỉ cần tiếp nhận thôi, đừng dằn vặt thêm.
Ai cũng có con đường cần phải đi, công việc cần phải làm và những người cần phải gặp. Có hội họp ắt sẽ có phân ly, không buổi tiệc nào mà không tàn, nên học cách tiếp nhận sự vô thường, đừng níu kéo người khác và cũng nên tha thứ cho chính mình.
Đừng mãi nhớ những lỗi lầm, thất tín của kẻ khác. Cũng đừng làm thùng rác tâm trạng cho bất kỳ ai. Đừng bao giờ dùng năng lượng tiêu cực làm xuất phát điểm cho hành động và giữ sự cố chấp quá lâu trong lòng.
Khi đặt lưng xuống giường, có thể bạn sẽ hồi tưởng rất nhiều chuyện đã qua - dù tốt hay xấu. Khi nhận ra thì nên bỏ đi, dọn lòng thanh thản thì mới có những khởi đầu mới mẻ.
Ngày mai khi mặt trời lên, ánh sáng sẽ chiếu khắp căn phòng và tâm hồn bạn. Mong bạn tỉnh dậy, mở mắt đón nhận một ngày với nụ cười và những điều mới mẻ.
Khi chúng ta thực hành tốt việc vận động, thiền định tốt sẽ có được giấc ngủ ngon. Nó quan trọng như chiếc kiềng 3 chân vậy.
BTV Vân Hồng: Xin trân trọng cảm ơn Đại đức.