Đại biểu Quốc hội: Cơ chế tốt thì bác sĩ đâu phải "chân trong chân ngoài"

Ngọc Thành |

Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh điều này khi thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, sáng 24/10.

Cơ chế còn trói buộc

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) dẫn ý kiến của nhiều người cho rằng, việc các cán bộ y tế xin nghỉ việc tại các bệnh viên công; việc các bệnh viện lớn, có danh tiếng luôn luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn, nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với các bệnh viện công lập.

Đại biểu Quốc hội: Cơ chế tốt thì bác sĩ đâu phải chân trong chân ngoài - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Văn Cường góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Vị đại biểu này cũng nhấn mạnh, phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư y tế đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất, không bị giới hạn bởi các ràng buộc, khống chế về chi phí và danh mục các loại thuốc và thiết bị vật tư thay thế.

Trong điều kiện làm việc đó, nếu họ được hưởng mức thù lao tương xứng với công sức bỏ ra và hiệu quả đóng góp của mình, thì họ sẽ toàn tâm toàn ý dành hết năng lực của bản thân cho công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện, mà không cần phải chân trong chân ngoài, tất bật với phòng khám tư.

Đông đảo các bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng trả phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công, nhưng không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi điều trị ở nước ngoài hoặc sang khám và điều trị tại các bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế chỉ vì có trang thiết bị hiện đại và tiện nghi.

“Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là: cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện công khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình” – đại biểu đoàn Hà Nội nêu quan điểm và bày tỏ hy vọng rằng, những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật khám chữa bệnh lần này, tuy nhiên, thực tế vẫn đang là một khoảng trống!

Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung đưa vào Luật khám chữa bệnh sửa đổi lần này vấn đề tự chủ của bệnh viện công, trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định các hoạt động khám chữa bệnh; được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám chữa bệnh; tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện, kể cả nguồn thu từ ngân sách.

Bên cạnh đó, quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ; rõ cơ chế quản lý tài chính đối với bệnh viện tự chủ. Cần rõ cơ chế quản lý tài sản, để các bệnh viện chủ động trong việc lựa chọn phương thức đầu tư: mua sắm, đi thuê,, liên doanh liên kết các máy móc, trang bị và sử dụng có hiệu quả nhất cho yêu cầu khám chữa bệnh.

Đồng thời, cần quy định cơ chế quản lý, giám sát hoạt động đối với bệnh viện tự chủ.

Mối quan hệ 3 cấp khám chữa bệnh thế nào?

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam)- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội đánh giá cao dự thảo luật trình ra Quốc hội lần này cơ bản tiếp thu ý kiến đại biểu tại kỳ họp thứ 3. Tuy nhiên, ông cho rằng, một số nội dung cần nghiên cứu thêm, làm sao quy định rõ hơn nhằm thực hiện mục tiêu đề ra là xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; nền y học dân tộc phát triển.

Đại biểu Quốc hội: Cơ chế tốt thì bác sĩ đâu phải chân trong chân ngoài - Ảnh 2.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội

Nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu thấy rằng, nhiều điểm còn chưa cụ thể, như vấn đề tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh công lập, xã hội hoá, giá dịch vụ, rồi phân cấp chuyên môn, cấp giấy phép hành nghề, khám chữa bệnh từ xa..., dù có những nội dung mới hoàn toàn.

Dẫn ví dụ phân cấp chuyên môn, trước đây chia theo tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, xã, nhưng lần này theo chuyên môn kỹ thuật với 3 cấp là ban đầu, cơ bản và chuyên sâu. Ủng hộ quy định mới này phù hợp chủ trương của Đảng, thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, song ông Hạ băn khoăn mối quan hệ của các cấp bệnh viện như thế nào, giữa công và tư cũng như chính sách của Nhà nước với từng cấp ra sao!

“Trong một cơ sở khám chữa bệnh liệu có cả 3 cấp này không, hay từng cấp riêng biệt”. Nhà tôi gần bệnh viện ở tuyến chuyên sâu nhưng khám thông thường phải ra cuối tỉnh – nơi có cơ sở tuyến cơ bản để khám rồi mới chuyển dần lên hay như thế nào?” – ông Tạ Văn Hạ nêu câu hỏi.

Đề cập nội dung khuyến khích xã hội hoá, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục đề nghị làm rõ chính sách ưu tiên, nhà đầu tư được những gì chứ không phải chỉ nói "không vì lợi nhuận" là xong./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại