Đa số bệnh nhi ung thư đến viện khi đã muộn: BS cảnh báo các dấu hiệu không thể bỏ qua

Thảo Nguyên |

Theo các chuyên gia, số lượng bệnh nhân ung thư ngày càng tăng trong đó ung thư trẻ em không ngoại lệ. Có những em bé mới 2 – 3 tháng tuổi đã bị ung thư.

Cầu cúng thay vì tìm bác sĩ

Theo Tiến sĩ Phạm Thị Việt Hương – Cán bộ Khoa Nhi, Bệnh viện K trung ương, hầu như ngày nào bác sĩ cũng tiếp nhận các trường hợp bệnh nhi bị ung thư giai đoạn muộn vào bệnh viện với muôn vàn lý do trong đó đa số các bé bố mẹ không phát hiện ra.

Có những bé, gia đình khi phát hiện bệnh của con từ lúc sớm lại về cho con uống thuốc nam, thuốc bắc đủ các loại lá lẻo dẫn đến suy gan, suy thận và khối u to mới cho con vào viện.

Gần đây nhất là trường hợp của một bệnh nhi bị u nguyên bào thần kinh khi vào viện hai mắt của cháu sưng đẫn lên, tím đen như quả mận còn bụng cháu to căng như cái trống.

Ban đầu cháu bé đi khám, bác sĩ thấy có u sau phúc mạc 5 x 10 cm. Cháu bị đau, kêu khóc ngày đêm nhưng bố mẹ vẫn mê muội làm phép (đốt ngải), cúng bái.

Đến khi khối u quá lớn, di căn toàn bộ gan, lách, tụy, liệt hai chi dưới, u xâm lấn toàn bộ xoang sọ đẩy lồi nhãn cầu ra trước...thì mới đưa trẻ đến bệnh viện. Lúc này bác sĩ đành bỏ tay vì không thể cứu chữa được cho cháu dù kéo dài thêm sự sống.

Thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cho thấy, thế giới có khoảng 250.000 trẻ em đang bị mắc bệnh ung thư, trong đó 50.000 trẻ được chẩn đoán có tỷ lệ sống sót là 80% và 200.000 trẻ còn lại chỉ có khoảng 25% sống sót.

Số ca ung thư nhi mắc mới ước tính trong một năm ở trẻ dưới 19 tuổi khoảng 4.200 trường hợp. Trong số này, có 2.000 trẻ ung thư máu, 900 trẻ u não, còn lại là u nguyên bào thần kinh, u thận, u xương, u phần mềm...

Bạch cầu là căn bệnh ung thư gặp nhiều nhất ở trẻ em, chủ yếu ở lứa tuổi từ 3-4 tuổi, ngoài ra, có tới 23% tỷ lệ ung thư được chẩn đoán ở trẻ dưới 15 tuổi.

Đa số bệnh nhi ung thư đến viện khi đã muộn: BS cảnh báo các dấu hiệu không thể bỏ qua - Ảnh 1.

Những dấu hiệu không thể bỏ qua

Ung thư gây tử vong rất lớn nhưng có tới 40% trường hợp mắc ung thư có thể phòng ngừa được và chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Nhưng đa số trẻ nhập viện đã ở trong giai đoạn muộn nên tỷ lệ tử vong do ung thư ở trẻ em vẫn còn cao.

Vì thế việc nhận biết các triệu chứng của bệnh để đưa con đến bệnh viện điều trị sớm nhất là một điều cực kỳ quan trọng. Trong các bệnh ung thư nhi, u nguyên bào thần kinh chính là loại ung thư ở những tế bào thần kinh đặc biệt – tế bào mào thần kinh.

Những tế bào này có sự liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của hệ thống thần kinh và những mô khác xung quanh. U nguyên bào thần kinh chủ yếu gặp ở những trẻ em dưới 5 tuổi.

Tiến sĩ Hương cho biết u nguyên bào thần kinh là một bệnh ung thư phát triển từ các tế bào thần kinh được tìm thấy trong một số khu vực của cơ thể. U nguyên bào thần kinh phổ biến nhất là phát sinh trong và xung quanh các tuyến thượng thận, có nguồn gốc tương tự như tế bào thần kinh và ngồi trên đỉnh thận.

Tuy nhiên, u nguyên bào thần kinh cũng có thể phát triển trong các phần khác khác của bụng, cổ, ngực và xương chậu.

U nguyên bào thần kinh phổ biến nhất ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi. Nhưng u nguyên bào thần kinh nhạy cả với hóa trị.

Trường hợp giai đoạn muộn vẫn có thể truyền hóa chất giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài được cuộc sống cho trẻ.

Các triệu chứng, các dấu hiệu của u nguyên bào thần kinh khác nhau tùy thuộc vào phần của cơ thể bị ảnh hưởng.

1. Tiến sĩ Hương nhấn mạnh u nguyên bào thần kinh ở vùng bụng, đây là hình thức phổ biến nhất, có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như:

- Đau bụng.

- Khối dưới da không mềm khi chạm vào.

- Thay đổi thói quen đi tiêu, chẳng hạn như tiêu chảy.

- Sưng phù ở chân.

2. U nguyên bào thần kinh trong lồng ngực

Có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như:

- Thở khò khè.

- Đau ngực.

- Thay đổi mắt, bao gồm cả mí mắt sụp và kích thước con ngươi không đồng đều.

Những dấu hiệu và triệu chứng có thể chỉ ra u nguyên bào thần kinh bao gồm:

- Cục u mô dưới da.

- Nhãn cầu dường như nhô ra từ hốc mắt (propxosis).

- Vòng tròn tối, tương tự như vết bầm tím quanh mắt (mắt gấu trúc).

- Đau lưng.

- Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân.

- Giảm cân không giải thích được.

- Đau xương, đặc biệt là các xương dài.

Khi phát hiện con bị u nguyên bào thần kinh cần đưa con đến cơ sở y tế chuyên khoa điều trị thay vì cúng bái, chữa theo các biện pháp thuốc nam, thuốc lá. Đến nay, ung thư nhi vẫn nhạy cảm với hoá, xạ trị nên việc phát hiện sớm giúp trẻ có cơ hội khỏi bệnh cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại