Theo thống kê của Hội khoa học Tiêu hóa, tại Việt Nam trong những năm gần đây, có tới 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, 70% dân số nước ta có nguy cơ mắc bệnh dạ dày.
Các chuyên gia cho rằng các bệnh lý tiêu hoá gia tăng là do thói quen ăn uống không điều độ như: lúc ăn quá ít; lúc ăn quá nhiều; ăn quá nhanh, đặc biệt là khi tranh thủ ăn vào giờ nghỉ trưa, ăn khuya hoặc bỏ bữa, nhất là bữa sáng.
Dạ dày sẽ hoạt động vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Do đó, trong khoảng thời gian này axit dạ dày và các men tiêu hóa (enzym) trong dịch vị vẫn tiết ra ngay cả khi bạn bỏ bữa, ăn uống không đúng bữa hoặc để bụng đói. Đây cũng chính là nguyên nhân gây tổn hại niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm, loét dạ dày mạn tính. Vì vậy, một chế độ ăn khoa học sẽ giúp nuôi dưỡng dạ dày khoẻ mạnh.
Ngoài chế độ ăn uống không điều độ, dạ dày cũng có 3 "nỗi sợ" khác, chúng cũng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của dạ dày.
"Nỗi sợ" thứ nhất: Sợ lạnh
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, dạ dày là cơ quan nhạy cảm với những kích thích nóng và lạnh. Thức ăn quá lạnh hoặc quá nóng cũng có thể gây ra kích thích, khiến dạ dày phải co bóp nhiều hơn. Dạ dày phải co bóp nhiều dẫn đến dịch axit tiết ra nhiều, có thể gây ra các tổn thương đối với dạ dày.
Đồ ăn lạnh khiến cho dạ dày phải làm việc nhiều (ảnh minh hoạ)
Đặc biệt, với người đang mắc viêm dạ dày, ăn đồ ăn lạnh sẽ làm cho bệnh nhân bị đau nhiều hơn. Theo bác sĩ Hưng, khi mắc viêm dạ dày, bác sĩ luôn khuyên bệnh nhân ăn đồ ăn ấm để giúp dạ dày giảm đau.
Do đó, để giữ cho dạ dày của luôn khỏe mạnh, mọi người cần lưu ý tránh ăn đồ ăn lạnh và giữ ấm vùng bụng khi thời tiết trở lạnh.
"Nỗi sợ" thứ 2: Đồ ăn sống
Bác sĩ Hưng cho rằng đồ ăn sống có thể tăng nguy cơ mắc viêm dạ dày do vi khuẩn và các tác nhân khác gây ra. Các thực phẩm sống thường khó tiêu hoá hơn so với thức ăn được ninh nhừ, nấu chín. Thức ăn sống thường dai, sẽ tác động trực tiếp vào niêm mạc dạ dày và gây ra những tổn thương cho dạ dày.
Đặc biệt, các loại thịt, cá, rau chưa được nấu chín cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn, khi ăn vào sẽ gây hại cho dạ dày. Do đó, mọi người nên hạn chế ăn đồ sống quá thường xuyên, nếu ăn cần lựa chọn sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, mọi người nên nấu chín thức ăn để thức ăn được làm mềm, giúp cơ thể dễ dàng tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng, giúp bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa.
Đồ ăn sống gây khó khăn cho tiêu hoá (ảnh minh hoạ)
"Nỗi sợ" thứ 3: Sợ quá đói và quá no
Ngoài đồ ăn lạnh, đồ ăn sống, dạ dày còn rất "nhạy cảm" với việc ăn quá no hoặc để bụng quá đói. Do khi bụng đói axit dịch vị vẫn tiết ra gây ra tổn thương cho lớp niêm mạc dạ dày. Đối với trường hợp ăn quá no, dịch vị axit tiết ra không đủ sẽ gây ra tình trạng chướng bụng, tăng axit dịch vị.
Bác sĩ Hưng cho biết, cách tốt nhất để bảo vệ dạ dày là ăn đúng bữa. Khi ăn nên ăn vừa đủ no, không để bụng đói.
Theo các chuyên gia, để bảo vệ dạ dày cách đơn giản nhất nên tuân thủ theo nguyên tắc 2 đúng – 2 tránh – 2 chăm:
- 2 đúng bao gồm: Ăn đúng giờ, ăn đúng bữa và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm;
- 2 tránh là: Tránh dùng nhiều chất kích thích dạ dày như thường xuyên ăn đồ cay nóng, uống rượu bia hay ăn các món nhiều dầu mỡ… Tránh căng thẳng vì căng thẳng sẽ làm axit dạ dày tiết ra nhiều hơn, có thể bào mòn lớp niêm mạc dạ dày và gây viêm dạ dày;
- 2 chăm: Chăm tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể và chăm thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm.