Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, đến 15h chiều 14/3, các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh đã ghi nhận 222 trường hợp nghi bị ngộ độc sau khi ăn cơm gà tại quán Cơm gà Trâm Anh (đường Bà Triệu, TP Nha Trang).
Trong số đó, 155 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế có dấu hiệu sinh tồn ổn định, một số bệnh nhân còn triệu chứng buồn nôn, đi cầu phân lỏng nhiều lần, đau quặn bụng từng cơn. Các ca bệnh trong tầm kiểm soát về chuyên môn của các cơ sở y tế. Số bệnh nhân còn lại đã xuất viện, cho về theo dõi ngoại trú.
Đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, chị H.A (19 tuổi, trú tỉnh Lâm Đồng) cho biết, gia đình chị có chuyến du lịch 5 ngày tại Nha Trang.
Trưa 11/3, gia đình chị chọn quán cơm gà T.A để dùng bữa. Tại đây, 7 thành viên trong gia đình chị đã gọi 3 suất gà chiên, 3 suất gà luộc gồm có cơm, thịt gà, rau chua, sốt bơ trứng và nước súp.
Sau đó, cả gia đình tiếp tục đi tham quan, tối đến dùng món bò. Đêm cùng ngày, khi trở về khách sạn, cả gia đình chị H.A có biểu hiện nôn mửa, tiêu chảy. Ngày 12/3, cả gia đình đều có biểu hiện mệt lả, sốt cao nên nhập viện điều trị.
Nhận xét về món ăn, chị H.A nói, món ăn ngon, không có gì bất thường, là quán nổi tiếng ở Nha Trang.
Ngày 14/3, ông Trịnh Ngọc Hiệp - Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa tới các bệnh viện để kiểm tra và thăm hỏi các bệnh nhân điều trị nghi ngộ độc. Ông Hiệp thông tin, tới nay việc xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, mẫu thức ăn vẫn chưa có kết quả, nên chưa thể xác định nguyên nhân sự việc.
Sau khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng đã tới quán ăn kiểm tra, lấy các mẫu thực phẩm của quán cơm gà này đưa đi xét nghiệm. Quán ăn này cũng bị tạm đình chỉ kinh doanh để phục vụ công tác điều tra.
Trước đó, VTC News đưa tin, ngày 13/3, các bệnh viện tại TP Nha Trang tiếp nhận 60 bệnh nhân với các biểu hiệu nôn, sốt, đau bụng.... Người bệnh cho biết, các triệu chứng trên xuất hiện sau khi ăn cơm tại quán cơm gà Trâm Anh.
Cùng ngày, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh sẵn sàng tiếp nhận, thu dung bệnh nhân, không được chậm trễ cấp cứu cho người bệnh.
Trong đó, yêu cầu người bệnh bị ngộ độc có triệu chứng nặng, trẻ em và người già ưu tiên chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Các cơ sở y tế kịp thời hội chẩn với Bệnh viện Đa khoa tỉnh về mặt chuyên môn khi có ca bệnh diễn biến bất thường, phức tạp hay xấu hơn, khó tiên lượng, tránh trường hợp bệnh diễn biến nặng, vượt quá khả năng thu dung điều trị của đơn vị.
Khi tiếp nhận bệnh nhân, phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, lưu mẫu bệnh phẩm; phối hợp cung cấp mẫu bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm…
“Sở Y tế chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm TP. Nha Trang trong suốt quá trình điều tra; thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến vụ ngộ độc thực phẩm để tham mưu Sở Y tế triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời… Sở Y tế sẽ thông tin nguyên nhân gây ngộ thực phẩm sớm nhất khi có kết quả điều tra và các mẫu xét nghiệm”, Bác sĩ Lê Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hoà.