Đại Thần (40 tuổi, Chiết Giang, Trung Quốc). Anh cao 1m86, nặng 78kg trước khi mắc bệnh ung thư phổi. Anh không hút thuốc, thi thoảng uống rượu bia với bạn bè. Trước đây, anh từng là vận động viên nhảy xa, anh có thể nhảy hơn 10m một cách dễ dàng. Sau khi giải thể, anh vẫn duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày.
Đầu năm 2022, Đại Thần bắt đầu bị đau âm ỉ ở lưng. Lúc đầu, anh tưởng là do đông cứng các cơ ở vai nên đã đến gặp bác sĩ chuyên sâu về châm cứu, xoa bóp và các phương pháp trị liệu vật lý khác. Thế nhưng sau một thời gian điều trị, cơn đau vẫn kéo dài. Vì thế, anh quyết định đến nhiều bệnh viện khác nhau nhưng không thể chữa khỏi. Các triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn và người bệnh sụt mất hơn 6kg.
Tháng 11 năm đó, Đại Thần nhớ ra phổi trái của mình có một nốt 0,7 cm nên chủ động yêu cầu chụp CT ngực. Bác sĩ phát hiện một khối u 4,5cmX2,7cm ở phổi trái với nhiều di căn hạch.
Sau đó, Đại Thần vội vã đến phòng khám chuyên khoa của Giáo sư Chu Jianya - Giám đốc khoa Hô hấp tại Bệnh viện Số 1 của Đại học Chiết Giang. Sau khi hoàn thành các xét nghiệm, chụp chiếu, anh được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô tuyến phổi giai đoạn IIIC (tiến triển cục bộ)! Cơ hội quý giá để phẫu thuật thậm chí đã bị bỏ lỡ.
Khi biết hung tin, Đại Thần suy sụp, thậm chí đã khóc nức nở: “Từ trước đến nay, sức khỏe của tôi rất tốt, nhiều năm liền thậm chí không động đến thẻ bảo hiểm y tế. Làm sao tôi có thể mắc bệnh ung thư? Bây giờ đã là giai đoạn muộn rồi!”.
Đại Thần chìm trong đau khổ khi 3 con của anh còn quá nhỏ và còn bố mẹ già phải chăm sóc. Anh sợ thời gian còn lại của mình không còn nhiều. Đại Thần cảm thấy khó hiểu khi anh chưa từng hút thuốc và gia đình không có ai bị mắc ung thư. Hơn nữa, anh còn chăm chỉ vận động mỗi ngày.
Nguyên nhân của ung thư phổi
Giới y học cũng chưa hiểu biết một cách rõ ràng nguyên nhân của bệnh ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng là do đâu. Có khoảng 90% trường hợp xuất phát từ những gì con người tiếp xúc với môi trường sống và có khoảng 5%-10% còn lại là liên quan đến di truyền.
1. Hút thuốc lá:
Thủ phạm gây ung thư phổi được nhắc tới nhiều nhất là hút thuốc lá, ngoài ra hút các loại khác như thuốc rê, thuốc lào, xì gà… cũng dễ mắc ung thư phổi nhưng tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn. Bên trong làn khói thuốc lá mỏng manh là vậy nhưng lại có chứa đến hơn 50 loại chất độc có khả năng gây ung thư. Chính các chất này làm tổn thương các tế bào phổi gây ra các đột biến gen dẫn đến ung thư.
Tuy nhiên không phải ai hút thuốc lá cũng đều mắc ung thư phổi cả đâu. Một người hút thuốc lá càng nhiều mỗi ngày và số năm hút càng lâu thì càng dễ bị ung thư phổi hơn. Nhưng nếu người này nhận ra sự tác hại của thuốc lá và đã cai thuốc được ít nhất 15 năm thì khả năng bị ung thư phổi hầu như không còn.
2. Hút thuốc lá thụ động:
Đó là làn khói từ điếu thuốc và từ miệng mũi của người hút thuốc thở ra bay vào không khí khiến cho những người xung quanh hít vào. Mặc dù bản thân không hút thuốc nhưng hít khói thuốc ‘bị động’ thường xuyên, kéo dài từ người hút thuốc lá khác cũng khiến cho mình dễ bị mắc ung thư phổi hơn (nhưng tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn nhiều so với người hút thuốc lá thật sự).
Vì vậy, đàn ông khi hút thuốc cũng nên lưu ý đừng để cho vợ con, người thân trong gia đình bị hít phải thường xuyên khói thuốc phả ra bên ngoài.
3. Ô nhiễm môi trường & ô nhiễm nghề nghiệp:
Bên cạnh thuốc lá vốn là thủ phạm gây ung thư phổi dễ nhận biết nhất, các nhà khoa học cũng nhận thấy nếu tiếp xúc thường xuyên với một số hóa chất như radon (một chất khí phóng xạ), amiăng (vật liệu cách điện, tấm lợp), asen (thạch tín), crôm, niken (khói động cơ diesel) cũng dễ mắc bệnh ung thư phổi.
Một số nghề nghiệp có môi trường làm việc khiến cho người lao động phải tiếp xúc thường xuyên với ô nhiễm không khí hay ô nhiễm trong môi trường làm việc như công nhân nhà máy hóa chất, nhà máy sản xuất vật liệu cách điện, sản xuất tấm lợp, thợ mỏ, công nhân xây dựng, cảnh sát giao thông, đầu bếp,…
Mức độ tiếp xúc nhiều hay ít như thế nào để có thể gây ra ung thư phổi chưa được hiểu biết rõ ràng. Người trung niên, người cao tuổi thường dễ bị ung thư phổi hơn, có lẽ vì họ có thời gian phơi trải, tiếp xúc với môi trường xung quanh lâu dài hơn so với người trẻ tuổi.
4. Yếu tố di truyền:
Khoảng 8 -10% trường hợp ung thư phổi có liên quan đến yếu tố di truyền. Nếu người đó thân thuộc với mình càng nhiều (như cha mẹ, anh chị em ruột) thì khả năng mình bị ung thư phổi sẽ cao hơn so với nếu người đó quan hệ họ hàng xa (như ông bà, cô dì, chú bác…).
5. Hệ miễn dịch yếu:
Trong cơ thể con người luôn xuất hiện các tế bào bị đột biến, từ các tế bào này có thể diễn tiến thành tế bào ung thư. Nếu hệ miễn dịch của chúng ta khỏe mạnh, nó sẽ tìm kiếm và loại bỏ các tế bào ‘không bình thường’ (bao gồm cả tế bào ung thư) ngay từ sớm để giữ cho cơ thể phát triển khỏe mạnh.
Ngược lại, người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ dễ mắc nhiều loại bệnh do nhiễm vi khuẩn từ bên ngoài, cũng như dễ mắc ung thư phổi hơn.
Nguồn: Tổng hợp, Toutiao