Cứu sống bệnh nhi đã ngừng tim trước khi vào viện

PV |

Sáng 2/10/2019 tin từ Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ vừa cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhi ngưng tim ngoài bệnh viện do rối loạn nhịp tim nặng.

Bệnh nhi là Trương Đại Vỹ 15 tuổi, Bình Thủy, TP Cần Thơ. Bệnh nhi có bệnh tim bẩm sinh tứ chứng Fallot đã phẫu thuật 10 năm.

Chiều ngày 30/9/2019, bệnh nhi đột ngột ngưng tim, ngưng thở ngoài bệnh viện, nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng: mê man, môi tím, mạch =0, huyết áp =0, bệnh nhi chẩn đoán: ngưng tim/Block AV độ III/ tứ chứng Fallot đã phẫu thuật.

Bệnh nhi được xử trí hỗ trợ hô hấp: thở máy, sử dụng vận mạch. Nhận thấy bệnh nhi có chỉ định đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu, ngay lập tức các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ liên hệ gấp với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để phối hợp cấp cứu bệnh nhân.

Nhận cuộc gọi, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ liền bố trí ê kip đặt máy tạo nhịp và kích hoạt êkip trong tư thế sẳn sàng.

Đến 19 giờ bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng: hôn mê, khó tiếp xúc, mạch rất chậm, điện tâm đồ Block nhĩ thất độ III-Block 2 nhánh- hội chứng QT dài và được tức tốc chuyển sang phòng can thiệp DSA.

Cứu sống bệnh nhi đã ngừng tim trước khi vào viện - Ảnh 1.

Em Trương Đại Vỹ đã hồi sinh ngoạn mục nhờ sự tài tình của các bác sĩ

Ê kip can thiệp do Ths- Bs Thân Hoàng Minh đã thực hiện đặt máy tạo nhịp tạm thời cho bệnh nhi, thời gian thực hiện thủ thuật là 30 phút. Sau đặt máy tạo nhịp tạm thời, các dấu hiệu sinh tồn cải thiện, nhịp máy 80 lần/phút, huyết áp ổn định (đã ngưng thuốc vận mạch).

Chiều 1/10/2019, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện được các y lệnh, sinh tồn ổn định, nhịp của máy là 80 lần/phút. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tiếp tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc.

Sự hồi sinh kỳ diệu của bệnh nhi ngưng tim ngoài bệnh viện được các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơkhông chỉ mang lại niềm vui cho gia đình cháu bé mà còn đem đến rất nhiều cảm xúc cho những ai quan tâm đến sức khỏe của cháu bé.

Đó là sự trân trọng, cảm phục trước những nỗ lực của các y bác sĩ hai bệnh viện này. Sự thành công của trường hợp cấp cứu bệnh nhi cho thấy vai trò của báo động đỏ liên viện.

Theo BS CK II Phạm Thanh Phong -PGĐ phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ: Khi quy trình được khởi động, nhiều lằn ranh giữa các đơn vị y tế sẽ tạm dỡ bỏ, nhiều thủ tục được đơn giản hóa, nhân viên y tế sẽ có cơ hội tiếp cận bệnh nhân trong vài phút.

“Báo động đỏ liên viện” được áp dụng ở những ca đa chấn thương nguy hiểm đến tính mạng, tai biến sản khoa nghiêm trọng, các trường hợp cần sự tham gia khẩn cấp của nhiều chuyên khoa.

Lực lượng chủ yếu của quy trình là các bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm, phẫu thuật viên giỏi. Quy trình báo động đỏ giúp hồi sinh nhiều bệnh nhân nguy kịch.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại