Cựu phi công bắn rơi máy bay Mỹ đầu tiên: Chuyện ngày ấy, bây giờ

Dương Hưng |

Những ngày cuối tháng 7, trong căn nhà nhỏ ven sông Hồng, chúng tôi bắt gặp người đàn ông giọng nói sang sảng, cơ bắp cuồn cuộn như thanh niên tuổi đôi mươi đang ngồi kể chuyện với lớp trẻ về những ngày tháng chiến đấu oanh liệt trên bầu trời Tổ quốc. Hỏi ra mới biết, ông chính là phi công Việt bắn rơi máy bay Mỹ đầu tiên trong cuộc chiến năm 1972.

Phi công tài ba, quả cảm

Ông Nguyễn Hồng Mỹ (sinh năm 1943, quê ở Nghệ An), cựu phi công thuộc Trung đoàn không quân tiêm kích 921 là cái tên không còn xa lạ trong lực lượng không quân Việt Nam và Mỹ.

Ông thuộc thế hệ phi công đầu tiên của Việt Nam được tuyển chọn sang Liên Xô (cũ) học lái máy bay chiến đấu MIG-21, cùng lứa với các phi công Vũ Xuân Thiều, Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Tiến Sâm, Lê Thanh Đạo, Phạm Phú Thái...

Cách đây 10 năm, khi tổng kết cuộc chiến tại Việt Nam, mong muốn lớn nhất của không quân Mỹ là tìm được người phi công đã bắn hạ chiếc máy bay F4 đầu tiên - máy bay tiêm kích hiện đại và đáng sợ nhất của không quân Mỹ thuở đó trong chiến dịch không kích năm 1972.

Bởi chính sự kiện này đã "dội một gáo nước lạnh" vào những thứ vũ khí vốn tối tân, được coi là bất khả xâm phạm, biểu tượng sức mạnh của nước Mỹ.

Cựu phi công bắn rơi máy bay Mỹ đầu tiên: Chuyện ngày ấy, bây giờ - Ảnh 1.

Phi công Nguyễn Hồng Mỹ bên chiếc tiêm kích MIG 21 bắn rơi máy bay Mỹ

Trong căn phòng với nhiều kỷ niệm dịp cả nước kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ 22/7, cựu phi công Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Hồng Mỹ không khỏi bồi hồi kể lại sự kiện ngày khoảnh khắc nhớ nhất trong đời lính phi công.

Ngày 19/1/1972, anh cùng Thượng úy Lê Minh Dương xuất kích. Vừa lên tới độ cao 3.000m, Sở chỉ huy thông báo có địch. Đến vùng trời Hòa Bình, Nguyễn Hồng Mỹ phát hiện một tốp 8 chiếc F4 bên trái cách xa 18km, lập tức anh báo Thượng úy Dương tiếp cận mục tiêu rồi nhanh chóng tăng tốc.

“Bất ngờ phát hiện thêm một chiếc F4 đang ở phía trên, tôi lao vào công kích. Sau một loạt động tác, chiếc F4 rướn lấy độ cao bay về hướng Thanh Hóa nhưng tôi không lấy độ cao bám đuổi mà tăng tốc rượt theo.

Đến lúc cách mục tiêu khoảng 8km, đèn báo dầu trong buồng lái nhấp nháy báo sắp hết nhiên liệu. Lúc này, Sở chỉ huy lệnh quay về. Nhưng, tôi nghĩ đã bay mấy chục lần vẫn không bắn hạ được chiếc F4 nào nên xin sở chỉ huy cố theo một đoạn.

Khi khoảng cách còn 4km, tôi tăng độ cao máy bay lên theo mục tiêu. Lúc cự ly chỉ còn 2.000m, nhận thấy thời cơ tốt, tôi nhanh chóng ấn cò phóng liền hai quả tên lửa lao thẳng vào chiếc F4. Một quầng sáng lớn bùng ngay trước mắt, chiếc F4 bùng cháy dữ dội, đứt làm đôi đầu máy bay lao xuống bên phải, phần đuôi rơi sang trái.

Tôi biết đã trúng mục tiêu nhưng cự ly quá gần nên không thể tránh được. Máy bay tôi chui luôn vào đám cháy đó và động cơ bị tắt. Sở chỉ huy ra lệnh nhảy dù, nhưng tôi cố lượn vòng lại và hạ thấp độ cao. Sau đó, tôi khởi động lại thì động cơ nổ và hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa. Vừa hạ cánh cũng là lúc nhiên liệu hết sạch”, cựu phi công kể lại.

Cựu phi công bắn rơi máy bay Mỹ đầu tiên: Chuyện ngày ấy, bây giờ - Ảnh 2.

Nguyễn Hồng Mỹ gặp lại cựu phi công Hoa Kỳ Dan Cherry, từ kẻ thù nay đã trở thành bạn bè thân thiết

Sau sự kiện này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nguyên soái Bachisky, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô đã tới thăm Trung đoàn Tiêm kích 921, khen ngợi và động viên. Phi công Nguyễn Hồng Mỹ được gắn Huy hiệu Bác Hồ.

Báo giới Mỹ cũng tốn không ít giấy mực để phân tích, bình luận về trận không chiến có một không hai này. Họ nói đó là trận đánh của một phi công tài ba, quả cảm và đầy sự táo bạo để bảo vệ bầu trời Tổ quốc của mình.

Tướng Dan Cherry (Không quân Hoa Kỳ), người đã bắn hạ chiếc MIG 21 do phi công Nguyễn Hồng Mỹ điều khiển vào một trận không kích sau đó cũng không khỏi thán phục trước kỹ năng điêu luyện của ông.

Đó là trận không kích vào ngày 16/4/1972, mở đầu chiến dịch Linebacker ném bom toàn miền Bắc sau 4 năm máy bay Mỹ vắng bóng trên bầu trời này.

10h sáng hôm đó, hai chiếc MIG 21 do phi công Nguyễn Hồng Mỹ và Lê Khương điều khiển đã dũng cảm chiến đấu với 24 chiếc F4 và F 105 của Mỹ. Hai bên quần thảo suốt nhiều giờ đồng hồ.

Tuy lực lượng đông, nhưng phải mất tới 6 phát tên lửa, Tướng Dan Cherry (người có kinh nghiệm bay gấp 20 lần phi công Nguyễn Hồng Mỹ) mới hạ được chiếc MIG 21. Trận chiến này cũng đã được một kênh truyền hình Mỹ mô phỏng lại, là một trong những trận không kích gay cấn nhất trên bầu trời miền Bắc năm 1972.

“Sau này chúng tôi vẫn thắc mắc không hiểu bằng cách nào phi công Nguyễn Hồng Mỹ lúc đó có thể tránh được đến 5 quả tên lửa. Chúng tôi mời ông sang giảng lớp Chỉ huy bay không quân Mỹ thì mới vỡ lẽ”, Dan Cherry thuật lại.

Cựu phi công bắn rơi máy bay Mỹ đầu tiên: Chuyện ngày ấy, bây giờ - Ảnh 3.

Ở tuổi 76, cựu phi công Nguyễn Hồng Mỹ vẫn cường tráng, ngang tàng, tếu táo như hồi tuổi đôi mươi

Theo giải thích của cựu phi công Nguyễn Hồng Mỹ, lý do nằm ở chỗ, tên lửa được lập trình theo quỹ đạo nên không thể bám theo những vòng bay sáng tạo của con người. Do vậy, trong vòng vây của máy bay địch, ông luôn tìm cách tạo ra những đường bay bất ngờ để tránh đòn từ các phía.

Sau trận chiến ngày 16/4, Nguyễn Hồng Mỹ may mắn sống sót nhưng hai tay bị gãy, và chấn thương 3 đốt sống không thể tiếp tục bay. Mang thương tật 4/4, ông khép lại 9 năm binh nghiệp với nhiều huân, huy chương do Nhà nước trao tặng. Đó cũng là thời khắc nuối tiếc nhất của cuộc đời trai trẻ mang màu áo phi công của ông.

Còn mãi chất lính...

Chiến tranh qua đi, ông Nguyễn Hồng Mỹ sống một cách rất đặc biệt. Ông sống cảnh gà trống nuôi con suốt 24 năm, kể từ lúc con gái đầu của ông chỉ mới 4 tuổi, con gái sau 2 tuổi. Đến nay, cả hai người con đều lập gia đình và có cuộc sống riêng. Thế nhưng, phong cách đậm chất lính phi công vẫn luôn được ông giữ gìn từ công việc đến cách dạy con.

Nói về người bố, anh Nguyễn Hồng Quân cho biết: “Ông luôn dạy chúng tôi về lòng chính trực, lòng quả cảm và phong cách kỷ luật. Ông chỉ bảo tận tình về cách đối nhân xử thế với đồng nghiệp, bạn bè, láng giềng. Trong công việc, dứt khoát phải chuyên nghiệp và có tinh thần trách nhiệm".

Cựu phi công bắn rơi máy bay Mỹ đầu tiên: Chuyện ngày ấy, bây giờ - Ảnh 4.

Những kỷ niệm về đời lính phi công và chiếc MIG 21 vẫn luôn in dấu trong tâm trí của cựu phi công Nguyễn Hồng Mỹ

Sau khi rời quân ngũ, Nguyễn Hồng Mỹ làm việc tại Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bộ Tài chính). Sau khi về hưu 2006, ông vẫn không nghỉ mà tham gia các hoạt động xã hội và tiếp tục công việc khác.

Vào năm 2008, thông qua chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, ông Nguyễn Hồng Mỹ không thể nghĩ rằng, một ngày nào đó sẽ được gặp lại cả 2 viên phi công Mỹ từng có duyên nợ với ông: Đó là Dan Cherry (người đã bắn hạ ông) và John Stiles (người đã bị ông bắn hạ). Từ kẻ thù của nhau, họ trở thành những người bạn thân thiết, hàn gắn mối quan hệ giữa cựu binh hai nước.

Nhắc lại kỉ niệm, ông John Stiles cũng không thể tin được vào sự liều lĩnh, sáng tạo của Nguyễn Hồng Mỹ khi không bật ra đa, mà chỉ bằng mắt thường và kinh nghiệm nhưng có thể bắn rơi chiếc “bóng ma” F4 của Không quân Mỹ.

Những điều mà không bao giờ có trong sách huấn luyện. Cựu phi công Nguyễn Hồng Mỹ cũng được Bộ Quốc phòng Mỹ trao quyết định bổ nhiệm Đại tá danh dự Kentucky.

Hiện nay, Nguyễn Hồng Mỹ vẫn tiếp tục cống hiến sức mình. Ông giữ cương vị Tổng giám đốc Cty cổ phần bảo vệ CHC với gần 1.300 nhân viên trên khắp cả nước. Nhiệm vụ chính của ông là rèn luyện tác phong cho hàng nghìn nhân viên.

Cựu phi công bắn rơi máy bay Mỹ đầu tiên: Chuyện ngày ấy, bây giờ - Ảnh 5.

Ở tuổi 76, cựu phi công Nguyễn Hồng Mỹ giữ cương vị Tổng giám đốc Cty cổ phần bảo vệ CHC với gần 1.300 nhân viên trên khắp cả nước

Mỗi buổi huấn luyện, ông đều dành nhiều thời gian để rèn luyện nhân viên về tính chuyên nghiệp và kỷ luật. Sau giờ luyện tập, ông lại "hóa thân" thành một người khác, gần gũi, hài hước. Ông ngồi với những thanh niên trẻ để kể về những câu chuyện lịch sử của thời kỳ kháng chiến, về cuộc đời của những người phi công tiêm kích một thời tung hoành trên bầu trời.

“Anh hiểu trời hơn mọi người. Trời gắn với anh ngay từ những buổi đầu như thuở nào chúng ta đến với nhau bằng tất cả nỗi buồn vui thương nhớ. Em ơi em máu bọn anh đã đổ. Để giữ cho vòm cao mãi trong lành”, câu hát ông thường nghêu ngao khi nói về đời lính phi công.

Nhìn Nguyễn Hồng Mỹ, khó ai có thể đoán năm nay ông đã bước sang tuổi 76. Dáng người ông đậm, trông rất cường tráng, đúng phong cách "ngang tàng” của người lính phi công.

Hàng ngày, ông vẫn dành 2 tiếng tập gym, đọc sách và giao lưu với các bạn trẻ không khác gì một thanh niên đang tuổi yêu. "Cử tạ, xà đơn, cái gì cũng chơi được hết. Nhìn thế này chứ vẫn có nhiều cô “thả thính” lắm đấy nha”, ông nói một cách tếu táo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại