Tuy nhiên khi trao đổi với tờ Times, ông ta phủ nhận mình chịu trách nhiệm trực tiếp cho vụ tai nạn. Girkin nói rằng lực lượng phiến quân của ông "không hạ được máy bay này".
Girkin không nói rõ liệu ông có đổ lỗi cho quân đội Nga về vụ tai nạn hay không, mà chỉ nói rằng: "Mọi người có thể diễn giải điều này theo ý họ".
Các nhà điều tra do Hà Lan dẫn đầu cho biết Girkin là cựu đại tá trong Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB), trước khi gia nhập phe ly khai trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Vào mùa hè năm 2014, nghi phạm Girkin từng là "Bộ trưởng Quốc phòng" của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng được Nga hậu thuẫn.
Phiên tòa xét xử vụ máy bay MH17 bị bắn rơi trên lãnh thổ Ukraine dự kiến bắt đầu ở Hà Lan vào tháng 3 mặc dù không có nghi phạm nào tham dự. Phiên tòa diễn ra tại một phòng xử án có độ bảo mật cao gần sân bay Schiphol của TP Amsterdam - Hà Lan, tuy nhiên vào giờ chót lại tạm dừng vì dịch Covid-19.
Hà Lan dẫn đầu cuộc điều tra vì phần lớn những người thiệt mạng là công dân của nước này. Đồng thời, Hà Lan cũng ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với 4 nghi phạm nhưng Nga không dẫn độ các đối tượng của mình.
Cùng với Girkin, 2 nghi phạm khác là người Nga, gồm Richard Dubinsky và Oleg Pulatov. Duy nhất có một người Ukraine là Leonid Kharchenko.
Bộ phận động cơ của máy bay MH17 sau tai nạn. Ảnh: Reuters
Các công tố viên tuyên bố 4 nghi phạm trên đã tham gia vào việc sắp xếp và cung cấp hệ thống tên lửa bắn rơi máy bay.
Các nhà điều tra cho biết tên lửa có nguồn gốc từ Lữ đoàn phòng không 53 của Nga, có trụ sở tại TP Kursk.
Nga phủ nhận điều này và Bộ Quốc phòng Nga vào thời điểm đó khẳng định: "Không một bệ phóng tên lửa phòng không nào của Lực lượng Vũ trang Nga từng vượt qua biên giới Nga-Ukraine".
Máy bay MH17 của Malaysia Airlines đã bị bắn rơi tại Ukraine trên đường từ TP Amsterdam đến TP Kuala Lumpur vào ngày 17-7-2014. Vụ tai nạn đã làm chết 196 người quốc tịch Hà Lan, 43 người Malaysia, 27 người Úc và 10 người Anh.