Phẫu thuật điều trị cho bé sơ sinh. Ảnh:: BVCC
Sản phụ N.T.H. (39 tuổi, trú tại Yên Thành, Nghệ An) vượt cạn sinh thường lần 4 tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Từ huyện Yên Thành, gia đình đưa sản phụ tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An với tâm thế sẵn sàng cứu con ngay khi rời dạ mẹ, bởi từ tháng 1/2023, khi mang bầu ở tháng thứ 7, thai nhi trong bụng chị đã phát hiện có sự bất thường.
Ngay khi vừa chào đời, em bé liên tục nôn ra dịch trong nhiều, nên được chuyển ngay sang Khoa Sơ sinh theo dõi, điều trị. Tại đây, qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, bé được phát hiện mắc hàng loạt dị tật bẩm sinh : Hẹp eo động mạch chủ nặng (bệnh lý tim bẩm sinh), teo thực quản, tắc tá tràng. Với những dị tật này, nguy cơ tử vong luôn hiện hữu.
"Khi bác sĩ tư vấn về những cuộc phẫu thuật cấp cứu thì mới có thể có hy vọng cho sự sống của con, tôi đã hoang mang tột độ. 1% sự sống, khác nào cái chết đã cận kề đến với con. Tôi đau đớn không kể xiết khi nhìn con thoi thóp thở mà ngỡ như đã chắc chắn tử vong rồi. Có những ý kiến góp ý từ người thân rằng hãy để con được nằm xuống nguyên vẹn vậy, đừng đặt dao mổ lên người con nữa, gia đình lo hậu sự đi. Nhưng, tình thương của người mẹ không cho phép tôi đầu hàng số phận. Tôi giao phó tính mạng con, cùng niềm hy vọng mong manh nhất cho các y, bác sĩ" - mẹ bé chia sẻ.
Ngày 13/3 là ngày đánh dấu của cuộc chạy đua cùng thời gian. Một mặt, các y, bác sĩ gấp rút chuẩn bị cho ca phẫu thuật xử lý hẹp eo động mạch chủ nặng, kết hợp xử lý teo thực quản. Đồng thời, gấp rút chuẩn bị hồ sơ, liên hệ mạnh thường quân, xin hỗ trợ chi phí điều trị gấp để gia đình và ê-kíp phẫu thuật hồi sức sẵn sàng những điều kiện tốt nhất cứu bé.
Những ngày hồi sức sau mổ, bé rơi vào tình trạng nặng nề: Rối loạn toan kiềm và điện giải nặng, rối loạn đông máu, ứ khí CO2 nặng, duy trì nhiều loại vận mạch phức tạp. Có thời điểm bé không đáp ứng máy thở.
Ngày 20/3, bé phải tiến hành ca mổ lần 2 để xử lý dị tật tắc tá tràng - ca phẫu thuật bắt buộc phải thực hiện để bé có thể tiêu hóa. Và ngày 23/3, một lần nữa, bé lại phải lên bàn phẫu thuật để đặt dẫn lưu xử lý vấn đề tràn khí, tràn dịch màng phổi.
Nhận định đây là ca bệnh đa dị tật khó nhất từ trước nay từng gặp, các bác sĩ liên chuyên khoa thường xuyên hội chẩn và xin ý kiến từ ban lãnh đạo bệnh viện và chuyên gia tuyến trên. Từng bước điều trị cẩn trọng. Dần dần, bé qua được giai đoạn khó khăn nhất.
Việc tập ăn độc lập cho em bé khi đã qua được giai đoạn nguy kịch cũng là bài toán không hề dễ. Với quyết tâm nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, bởi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ, các bác sĩ đã tiến hành cho bé ăn sữa mẹ qua sonde, song song nuôi dưỡng tĩnh mạch.
20 ngày sau khi chào đời, bé đã có thể ghép mẹ, ấp Kangaroo và dần dần tự tìm vú bú mẹ, sức khỏe phục hồi tốt.