Cuộc đua giữa vaccine COVID-19 và khoảng 4.000 biến thể SARS-CoV-2

BAN THỜI SỰ |

Theo Bộ trưởng phụ trách chương trình triển khai vaccine của Anh, hiện có khoảng 4.000 biến thể của SARS-CoV-2 trên khắp thế giới.

Điều này lại đặt thế giới đứng trước cuộc đua với COVID-19 và các biến thể mới, cuộc đua với thời gian để kiểm soát tình hình.

Vaccine COVID-19 đã có nhưng nỗi lo vẫn còn vẹn nguyên khi thế giới phải quay trở về trạng thái đóng cửa biên giới, siết chặt hạn chế đi lại như hồi mới bùng phát dịch. Nguyên nhân là do xuất hiện những biến thể mới với nhiều đặc điểm lo ngại.

Phổ biến nhất là biến thể có nguồn gốc từ Anh, được phát hiện lần đầu vào tháng 12/2020 và đã lan tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể này có độ lây nhiễm cao hơn từ 50 - 70% và có mức độ chết người cao hơn 30% so với chủng nguyên bản.

Cuộc đua giữa vaccine COVID-19 và khoảng 4.000 biến thể SARS-CoV-2 - Ảnh 1.

Khoảng 4.000 biến thể SARS-CoV-2 đang tồn tại (Ảnh: AP)

Trong khi đó, biến thể có từ Nam Phi lại đáng lo ngại hơn, hiện lây lan ra hơn 31 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thí nghiệm cho thấy, vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna tạo ra phản ứng miễn dịch yếu hơn với biến thể Nam Phi.

Một biến thể khác có nguồn gốc từ Brazil cũng đã xuất hiện tại 8 nước. Biến thể virus xuất hiện giữa lúc tỷ lệ phổ cập vaccine còn đang rất thấp. Tại EU, mới chỉ 2,8% dân số được chủng ngừa. Bên cạnh cuộc chiến ngăn dịch COVID-19 lây lan, thế giới giờ đang bước vào cuộc chiến khác, một cuộc chạy đua phát triển vaccine đối phó với biến thể của SARS-CoV-2.

Dù đã có vaccine nhưng những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã và đang làm chậm lại nỗ lực toàn cầu ứng phó đại dịch. Các hãng dược phẩm, nhiều chuyên gia và chính phủ các nước đang tăng tốc nghiên cứu, thử nghiệm về hiệu quả của vaccine với các biến thể.

Cuộc đua giữa vaccine COVID-19 và khoảng 4.000 biến thể SARS-CoV-2 - Ảnh 2.

Việc nghiên cứu, phát triển vaccine ngăn ngừa biến thể mới cần được tiến hành với "tốc độ ánh sáng" (Ảnh: AP)

Ngày 5/2, Anh đã đạt thỏa thuận với hãng dược phẩm CureVac của Đức để hợp tác phát triển vaccine ngăn ngừa biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Hãng Pfizer của Mỹ đặt mục tiêu hoàn thành các nghiên cứu về vấn đề này trong 100 ngày, thậm chí tiến hành với "tốc độ ánh sáng" nếu cần thiết.

Với những nỗ lực trên, các loại vaccine ngừa COVID-19 mới được kỳ vọng sớm được đưa vào sử dụng. GlaxoSmithKline và CureVac hy vọng, những vaccine ngừa các biến thể mà họ nghiên cứu có thể sẽ sẵn sàng đưa vào sử dụng vào năm 2022. Còn AstraZeneca đưa ra triển vọng tích cực hơn với việc ra mắt các vaccine ngừa biến thể mới ngay trong mùa thu tới.

Vẫn chưa thể khẳng định khi nào đại dịch kết thúc hay có một loại vaccine nào đủ sức bảo vệ vĩnh viễn trước các biến thể của virus. 

Tuy nhiên, với những nỗ lực hiện tại, các nhà khoa học hy vọng, trong tương lai, vaccine ngừa COVID-19 mới sẽ đóng vai trò như những mũi tiêm nhắc lại, đủ sức ngăn ngừa các biến thể, bảo vệ người dân trước đại dịch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại