Ở đỉnh cao sự nghiệp chính trị, ông Mạnh Hoành Vĩ được báo chí Trung Quốc "tâng lên mây xanh", mô tả ông là minh chứng cho sự "công nhận đầy đủ" của cộng đồng quốc tế về năng lực thực thi pháp luật của Trung Quốc và một quốc gia dựa trên luật pháp.
Chưa đầy 1 năm sau khi giữ chức Chủ tịch Interpol , ông Mạnh Hoành Vĩ đã tổ chức hội nghị toàn cầu của Đại hội đồng Interpol ở Bắc Kinh - lần thứ 2 trong lịch sử Trung Quốc.
Tại lễ khai mạc, ông Mạnh được trao đặc quyền hiếm hoi ngồi cạnh người đàn ông quyền lực nhất Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình.
Nhằm bày tỏ sự ủng hộ với ông Mạnh và cả Interpol, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu đề dẫn quan trọng, cam kết tăng cường sự hỗ trợ của Trung Quốc cho cơ quan này và giúp nâng cao hình ảnh của Trung Quốc.
Một năm sau đó, ông Mạnh Hoành Vĩ, cũng là Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, một lần nữa lại "khuấy đảo" ánh đèn sân khấu toàn cầu, nhưng lần này với một lý do rất khác. Người đàn ông 64 tuổi được vợ báo cáo mất tích sau khi từ Pháp trở về Trung Quốc.
Và cũng chỉ 2 ngày sau, thông tin ông Mạnh bị cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc bắt giữ đã lan truyền trên khắp thế giới.
Giới chức Trung Quốc không tiết lộ ông Mạnh làm gì sai trái, nhưng tuyên bố của Bộ Công an Trung Quốc cáo buộc ông này tội nhận hối lộ.
Ông Mạnh Hoành Vĩ - cựu quan chức công an kỳ cựu, người đã có hàng chục năm làm việc trong lĩnh vực thực thi pháp luật - nắm giữ một loạt vị trí quan trọng, bao gồm trong các lĩnh vực nhạy cảm chính trị như chống khủng bố và bảo vệ bờ biển.
Mặc dù kinh qua các các chức vụ như Phó Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc gia (NNCC), Giám đốc cơ quan chống khủng bố quốc gia, Tổng Cục trưởng lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc… song sơ yếu lý lịch công khai của ông Mạnh trên Internet Trung Quốc chỉ ngắn ngọn rằng ông tốt nghiệp ngành luật của Đại học danh tiếng Bắc Kinh, là người gốc Hắc Long Giang, bắt đầu làm việc vào năm 1972 và trở thành Thứ trưởng Công an năm 2004.
Sơ yếu lý lịch của ông Mạnh trên trang web của Interpol chi tiết hơn, chẳng hạn có chi tiết 40 năm kinh nghiệm trong ngành công an và xét xử hình sự, giám sát các vấn đề liên quan đến thể chế pháp lý, chống khủng bố, kiểm soát biên giới, nhập cư và hợp tác quốc tế…
Tháng 3.2013, Trung Quốc cải tổ chính phủ, hợp nhất 4 tổ chức chấp pháp biển Trung Quốc gồm Cục Hải giám, Cục Ngư chính, Cảnh sát biển, và Cục Phòng chống buôn lậu biển thuộc Tổng cục Hải quan thành tổ chức mới có tên "Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc". Ông Hoành được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng đầu tiên của cơ quan này.
Tháng 11.2016, ông Mạnh Hoành Vĩ chính thức trở thành Chủ tịch Interpol quốc tế, trong khi vẫn kiêm nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Công an và Cục trưởng Interpol Trung Quốc.
Đến tháng 4.2018, theo trang web chính thức của Bộ Công an Trung Quốc, ông Mạnh không còn là Ủy viên Đảng ủy Bộ Công an nước này.
Theo tờ SCMP, sự biến mất đột ngột của ông Mạnh Hoành Vĩ, việc ông này từ chức và bị bắt giữ, làm dấy lên những lo ngại về vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế hàng đầu.
Cú "ngã ngựa" kịch tính của ông Mạnh Hoành Vĩ được nhiều nhà phân tích nhìn nhận như một lời cảnh tỉnh rằng đôi khi Trung Quốc có thể đặt chính trị trong nước lên trên hình ảnh của nước này trên toàn cầu và theo đuổi vai trò lãnh đạo trong các cơ quan quốc tế.