Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ bị bắt: Tóm được "hổ lớn", Trung Quốc cũng mất uy

Minh Khôi |

Số phận của người đứng đầu Interpol dấy lên lo ngại rằng, việc lãnh đạo của các tổ chức quốc tế sẽ bị xem nhẹ so với các ưu tiên trong nước của Trung Quốc.

Việc Chủ tịch Interpol bất ngờ mất tích và bị Trung Quốc bắt giữ như một phần thuộc chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh là một động thái chưa từng có và sẽ làm lung lay lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với sự lãnh đạo Trung Quốc tại các tổ chức toàn cầu.

Ông Mạnh Hoành Vĩ, Chủ tịch Interpol và cũng là Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đã bị bắt giữ để điều tra vì bị cáo buộc hối lộ và "gây nguy hiểm nghiêm trọng" cho đảng và lực lượng cảnh sát.

Trong một cuộc họp hôm 8/10, các quan chức cho biết cuộc điều tra các hoạt động bất hợp pháp của ông Mạnh và các cộng sự sẽ được thực hiện công bằng, hoàn toàn không có đặc quyền hoặc ngoại lệ trước pháp luật.

Các nhà phân tích nhận định, cuộc điều tra nhắm vào ông Mạnh, người Trung Quốc đầu tiên giữ chức Chủ tịch Interpol vào năm 2016, cho thấy không ai được miễn trừ trong cuộc chiến chống tham nhũng của Bắc Kinh.

Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu toàn cầu Carnegie-Tsinghua tại Bắc Kinh cho biết, sự biến mất đột ngột của ông Mạnh Hoành Vĩ đã khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ và cho rằng Trung Quốc chưa sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo quan trọng.

"Hiện giờ thật khó để bất kỳ tổ chức quốc tế nào khác chấp nhận một người Trung Quốc làm lãnh đạo. Không ai dám chắc việc tương tự như này sẽ không xảy ra lần nữa", ông nói.

Zhu Mengnan, giáo sư tại Đại học Hồng Kông cho biết, cách đây không lâu, việc ông Mạnh Hoành Vĩ được bầu vào ghế Chủ tịch Interpol là một vinh dự của Trung Quốc, và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách chống tham nhũng của Trung Quốc.

Nhưng với động lực chống tham nhũng mạnh mẽ, mọi người không nên ngạc nhiên khi có bất cứ ai bị bắt giữ, ông Zhu nói thêm.

Marc Lanteigne, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Massey, New Zealand cho rằng, sự cố này chưa từng có và điều này cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường giải quyết vấn nạn tham nhũng ở các quan chức cấp cao, còn được gọi là "hổ lớn".

Bắc Kinh trong những năm gần đây ngày càng tỏ ra quan tâm đến việc tham gia vào các cơ quan đa phương như Interpol, với ngày càng nhiều công dân Trung Quốc tham gia vào các vị trí cao cấp trong các cơ quan như Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới.

Trung Quốc sẽ sớm trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai cho Liên Hợp Quốc và hiện đang cung cấp số lượng binh sĩ gìn giữ hòa bình lớn nhất cho tổ chức này.

Nhưng Abigail Grace, nhà nghiên cứu của chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Trung tâm an ninh New America nhận định, việc xảy ra với ông Mạnh Hoành Vĩ có thể dấy lên lo ngại rằng các quan chức Trung Quốc không thể hành động độc lập trong các tổ chức này.

Vụ việc cũng cho thấy rằng, Bắc Kinh ưu tiên chống tham nhũng trong nước hơn áp lực từ quốc tế. Rõ ràng, cách hành xử của Bắc Kinh trong vụ việc này cho thấy, họ xem đây là vấn đề nội bộ, bà Grace nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại