Đặc trưng rõ ràng nhất của cuộc chiến đã được thể hiện qua các cảnh quay máy bay không người lái tấn công các phương tiện chiến đấu bọc thép, bao gồm cả xe tăng chiến đấu chủ lực, và bộ binh không được bảo vệ, với hiệu ứng tàn khốc.
Dù không được biết đến rộng rãi ở phương Tây, nhưng cuộc xung đột này có khả năng leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn, kéo Thổ Nhĩ Kỳ và có khả năng là Nga công khai hơn vào cuộc giao tranh.
Tất nhiên, việc sử dụng máy bay không người lái có vũ trang không phải là điều mới mẻ. Máy bay không người lái Predator và Reaper (UAV) trang bị tên lửa Hellfire đã được Mỹ sử dụng rộng rãi ở Afghanistan và các nơi khác.
Theo The Strategist, điều khác biệt trong cuộc xung đột hiện tại ở khu vực Kavkaz là việc sử dụng các hệ thống bom, đạn "lảng vảng" (một cách gọi các drone cảm tử) chi phí thấp mua từ các đồng minh.
Mỗi máy bay không người lái có giá thấp hơn nhiều so với một nền tảng vũ khí có người điều khiển hoặc một UAV có thể tái sử dụng. Trong tương lai, các công nghệ sản xuất nhanh chóng sẽ cho phép các nước có được chúng với chi phí thấp và được sử dụng theo kiểu bầy đàn. Đó là một nhân tố có thể thay đổi diện mạo chiến tranh trên bộ.
Điều này đã tạo ra cuộc tranh luận về việc liệu các phương tiện bọc thép đắt tiền và có công nghệ phức tạp có thể tồn tại trong các trận chiến trong tương lai trước hàng loạt “máy bay không người lái cảm tử” giá rẻ hay không. Phải chăng những chiếc xe tăng, xuất hiện lần đầu trên chiến trường vào năm 1917, giờ đã đến gần những năm xế chiều?
Với việc các nước đang mua sắm xe tăng, ví dụ Australia đang tiến hành mua các phương tiện bọc thép mới theo chương trình LAND 400, máy bay không người lái giá rẻ sẽ là mối lo ngại lớn.
Trong Giai đoạn 2 của LAND 400, Bộ Quốc phòng Australia đang đặt mua 211 xe trinh sát chiến đấu Boxer để thay thế cho các loại xe bọc thép hạng nhẹ ASLAV. Trong giai đoạn 3, nước này sẽ mua 450 xe chiến đấu bộ binh và tối đa 17 xe hỗ trợ cơ động để thay thế các xe bọc thép chở quân M113 đã lỗi thời.
Các loại xe AS-21 'Redback' và 'Lynx' đang cạnh tranh nhau trong Giai đoạn 3. Một quyết định sẽ được đưa ra vào năm 2022. Phạm vi ngân sách hiện là 18,1 - 27,1 tỷ USD cho 450 xe, tương đương 50 triệu USD mỗi chiếc .
Những hợp đồng lớn này rất quan trọng đối với khả năng tương lai của Lực lượng Phòng vệ Australia, và sẽ là quá sớm để xóa sổ những phương tiện này. Nhưng máy bay không người lái cũng không thể bị bỏ qua.
“Máy bay không người lái tự sát sẽ không biến mất khỏi không gian chiến đấu và, với sự tinh vi của hệ thống hiện đang được cả hai bên sử dụng trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, nên thận trọng khi xem xét các khả năng chúng có thể được sử dụng bởi một thế lực lớn trong Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, tờ tạp chí Australia viết.
Bằng chứng từ Nagorno-Karabakh cho thấy rằng trước tiên các máy bay không người lái tấn công hệ thống phòng không trên chiến trường để giành và duy trì quyền kiểm soát vùng trời tầm thấp trước khi tấn công các hệ thống tác chiến mặt đất.
Kế hoạch cơ cấu lực lượng năm 2020 của chính phủ Úc gợi ý rằng việc phát triển vũ khí năng lượng có định hướng sẽ được tiến hành. EOS Australia đang phát triển công nghệ này. Dự án Defence’s LAND 19 Phase 7B nhằm cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS).
NASAMS là một bước tiến tiếp theo ngoài tên lửa đất đối không di động RBS-70 và sẽ dựa trên AIM-120 AMRAAM-ER (tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến - tầm bắn mở rộng). Nó sẽ nâng cao khả năng của quân đội Australia trong việc chống lại máy bay có người lái và một số máy bay không người lái ở độ cao lớn.
Nhưng việc dựa vào các hệ thống trên mặt đất truyền thống như NASAMS để chống lại số lượng lớn các máy bay không người lái nhỏ, rẻ tiền sẽ nhanh chóng làm cạn kiệt những tên lửa đắt tiền này. Những chiếc máy bay không người lái tự sát có thể chỉ khoảng 100.000 USD mỗi chiếc và có thể tiêu diệt một chiếc xe bọc thép trị giá 50 triệu USD.