Vụ “thảm sát”
Mục tiêu vụ tấn công là nhằm vào buổi lễ tưởng nhớ Abdul Ali Mazari, một chính trị gia thuộc nhóm sắc tộc Hazara. Phần lớn thành viên nhóm này là tín đồ Hồi giáo dòng Shiite, trong khi IS theo Hồi giáo dòng Sunni, đối kháng với Shiite.
Hơn nữa, buổi lễ còn có sự hiện diện của nhiều người thuộc giới tinh hoa chính trị Afghanistan, trong đó có quan chức cấp cao điều hành Chính phủ Afghanistan, ông Abdullah Abdullah.
Bộ Nội vụ nước này sau đó đã xác nhận với các phóng viên rằng tất cả các quan chức cấp cao đã được sơ tán an toàn khỏi hiện trường. Năm ngoái, một vụ tấn công nhằm vào sự kiện này cũng đã xảy ra, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng.
Theo Tolo News, rất nhiều người dân đã tập trung tại nhà xác của một bệnh viện cách hiện trường vụ tấn công không xa, chờ xác định danh tính người thân của mình. Xe cứu thương chạy không ngừng nghỉ đưa người bị thương từ hiện trường về bệnh viện để điều trị.
Taliban ngay lập tức phủ nhận liên quan đến vụ tấn công, trong khi IS nhận trách nhiệm, song không đưa ra bằng chứng. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã lên án vụ thảm sát, gọi đây là một tội ác chống lại loài người.
Đại diện của Mỹ, Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lên án vụ tấn công.
Trên trang Twitter cá nhân, Đại biện Mỹ tại Afghanistan Ross Wilson viết: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ cuộc tấn công tàn độc này... Chúng tôi luôn ủng hộ cho Afghanistan vì hòa bình”.
Nỗi lo khủng bố
Phóng viên của Tolo News đã quay, tường thuật trực tiếp cảnh nhiều người xô nhau tìm chỗ trốn khi nghe tiếng súng nổ. Cuộc đọ súng giữa lực lượng an ninh Afghanistan và những kẻ tấn công kéo dài gần 6 giờ.
Giới quan sát nhận định khó khăn trong việc dập tắt cuộc tấn công đã cho thấy một điều rằng lực lượng an ninh Afghanistan sẽ trở nên vô cùng “mong manh” sau khi quân đội nước ngoài rút lui.
Trong khi đó, tờ New York Time cho rằng cuộc chiến tại Afghanistan đã bước sang giai đoạn mới sau khi Mỹ và Taliban ký thỏa thuận hòa bình.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quan tâm nhất - săn lùng và tiêu diệt những kẻ khủng bố al-Qaeda và IS - sẽ tiếp tục trong một thời gian nữa, dù cho số lượng người thực hiện nhiệm vụ này sẽ ít đi.
Theo kế hoạch hiện nay, tổng cộng khoảng 12.000 binh sĩ hiện đang ở Afghanistan sẽ rời đi trong khoảng 14 tháng.
Không biết lịch trình này có bị trì hoãn không, nhưng chưa đầy 24 giờ sau khi thỏa thuận được ký, trở ngại đầu tiên đã xuất hiện vào hôm 1-3 khi sự hoang mang về việc liệu Chính phủ Afghanistan có phải nhanh chóng thả tù nhân Taliban hay không đã đe dọa làm gia tăng căng thẳng.
Các nhiệm vụ khác do quân đội và các chuyên gia tình báo Mỹ đảm nhiệm, như huấn luyện lực lượng Afghanistan và tiến hành các cuộc không kích nhằm vào lực lượng Taliban, sẽ giảm hoặc thậm chí là chấm dứt trong những tháng tới, nếu thỏa thuận được thực hiện và khi các lực lượng quốc tế rút khỏi nước này và Taliban ngồi vào bàn đám phán với Kabul.
Một số nhà ngoại giao, sĩ quan Mỹ đương nhiệm và đã nghỉ hưu đặt câu hỏi liệu Taliban và Chính phủ Afghanistan có nhất trí với một thỏa thuận chia sẻ quyền lực hay thậm chí là tham gia các cuộc đàm phán có ý nghĩa hay không.
Một số người lo sợ rằng Taliban sẽ tìm cách lật đổ chính phủ một khi người Mỹ rút đi. Cho dù Taliban không tìm cách kiểm soát hoàn toàn thủ đô Kabul thì Taliban cũng có thể cho phép al-Qaeda khôi phục quyền lực hoặc thất bại trong việc ngăn chặn sự hồi phục của IS.
Mối đe dọa khủng bố tiềm tàng vẫn còn ở khu vực này. Hầu hết các lãnh đạo al-Qaeda đều đang lẩn trốn ở Pakistan, nhưng chúng có thể quay trở lại Afghanistan khi một chính phủ do Taliban chi phối được thành lập.
Các phe phái al-Qaeda và Taliban tiếp tục gắn kết với nhau ở một số nơi, nhất là ở miền Tây Afghanistan...