Cứng khớp vào buổi sáng là dấu hiệu thường gặp ở nhiều người, cảnh báo sụn khớp đang bị hư tổn và thoái hóa khớp xảy ra, do vậy việc chủ động chăm sóc sụn khớp từ sớm là giải pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Cứng khớp buổi sáng kéo dài trên một giờ thường gặp ở bệnh viêm khớp dạng thấp; kéo dài ít hơn nhưng có biểu hiện tăng nặng thì cần cảnh giác vì đó có thể là dấu hiệu của thoái hóa khớp kèm viêm hoạt mạc khớp và sụn khớp hư tổn.
Triệu chứng cứng khớp thường diễn tiến từ từ trong vài tuần đến vài tháng, rồi chuyển sang giai đoạn cứng khớp nặng kèm đau nhức hay khớp kêu lạo xạo.
Cứng khớp buổi sáng kéo dài trên một giờ thường gặp ở bệnh viêm khớp dạng thấp
Đây là bệnh lý viêm mạn tính, ảnh hưởng toàn thân, đặc biệt là gây viêm khớp, biểu hiện sưng, nóng, đỏ, cứng khớp và giới hạn cử động.
Bất kỳ khớp nào cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng thường gặp nhất là các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân, đầu gối, hông, cột sống, vai...
Nếu người bệnh chủ quan, hậu quả nặng nề nhất có thể gặp là thoái hóa khớp gây mất khả năng vận động.
Viêm khớp dạng thấp có khi khó phát hiện vì bệnh có thể bắt đầu bằng những triệu chứng mơ hồ, như đau nhức khớp hoặc cứng khớp vào buổi sáng. Tuy nhiên, nhiều bệnh viêm khớp khác cũng có thể có triệu chứng tương tự.
Vì vậy, khi thấy có một trong các triệu chứng sau đây cần nhanh chóng đến một trung tâm y tế chuyên khoa để được thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết:
- Cứng khớp thường xuyên vào buổi sáng
- Đau khớp dai dẳng
- Đau khớp nặng thêm theo thời gian
- Khớp sưng, đỏ, nóng và đau khi va chạm
- Đau khớp có kèm sốt
- Biểu hiện trên nhiều khớp, đối xứng
- Đau khớp, mệt mỏi, đôi khi sốt như cúm làm hạn chế vận động, hoạt động hàng ngày.
Những chế độ ăn uống cân bằng, giảm chất béo bão hòa, giàu omega-3... sẽ giúp ích cho bệnh nhân giảm tình trạng cứng khớp.
Các hoạt động thể lực luyện tập thường xuyên với cường độ thích hợp giúp cải thiện chất lượng sống cũng như chức năng cơ bắp của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, như đi bộ, nhảy dây, bơi lội, đạp xe...
Đồng thời cần tránh các hoạt động thể lực nặng, các hoạt động gây áp lực mạnh lên các khớp.
Trước tình trạng khớp bị đơ cứng hay đau, không nên lạm dụng thuốc giảm đau làm che mờ triệu chứng bệnh, dẫn đến bệnh âm thầm diễn tiến nặng và nhanh hơn do không được điều trị dứt điểm căn nguyên gây bệnh.