Cúm A/H1N1: Nguy cơ tấn công cộng đồng

Vân Sơn |

Gần đây, tại TPHCM có hàng loạt học sinh phải nghỉ học vì bệnh hô hấp. Các cơ quan chuyên môn cảnh báo nguy cơ bệnh có thể lây lan rộng...

Ngày 23/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) cho biết, tuần qua nhận được tin báo về số học sinh nghỉ ốm tăng bất thường tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận 10). Ngay sau khi nhận thông tin, HCDC đã nhanh chóng phối hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Trung tâm Y tế quận 10 điều tra dịch tễ, tổ chức thăm khám cho học sinh.

Cúm A/H1N1: Nguy cơ tấn công cộng đồng - Ảnh 1.

BS Trương Hữu Khanh thăm khám cho các chùm ca bệnh tại trường học ảnh: H.K

Trong hai ngày 15 và 16/3, các cơ quan chuyên môn ghi nhận số học sinh nghỉ học vì bệnh trong một lớp tăng cao bất thường. Có tổng cộng 20 học sinh bị bệnh với các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, ói; trong đó có những học sinh sốt đến 39oC. Qua thăm khám cho các học sinh có triệu chứng, các bác sĩ nghi ngờ trẻ mắc cúm nên lấy ngẫu nhiên 6 mẫu xét nghiệm cúm. Mẫu xét nghiệm được gửi về Viện Pasteur và kết quả có 6/6 mẫu xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1. Từ ngày 17/3 đến nay, lớp học chưa ghi nhận thêm trường hợp mới có triệu chứng.

Theo số liệu giám sát trong những tháng đầu năm, thành phố đã ghi nhận nhiều chùm ca bệnh hô hấp ở trường học. Đặc biệt, trong tháng 2 vừa qua tại quận Bình Thạnh có khoảng 300 học sinh tại Trường THCS Lê Văn Tám và Trường THCS Lam Sơn nghỉ học vì các biểu hiện của bệnh lý hô hấp. Các chùm ca bệnh đã được ghi nhận và xử lý sớm giúp hạn chế lây lan.

Liên quan chùm ca bệnh cúm A/H1N1 mới được phát hiện tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, trao đổi với phóng viên, BS. Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC, cho biết, tổng số ca bệnh được ghi nhận là 20 và đến nay không ghi nhận thêm ca bệnh mới. “Việc xuất hiện chùm ca bệnh viêm hô hấp trong trường học khá phổ biến và dễ gặp”, BS.Nga cho hay.

Theo BS Nga, cúm A/H1N1 là tác nhân gây bệnh cúm mùa trên toàn cầu với các biểu hiện sốt nhẹ, viêm đường hô hấp. Trên các nhóm đối tượng người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính, thai phụ khi mắc bệnh có nguy cơ trở nặng. Các nhóm có sức khỏe bình thường khi nhiễm bệnh có thể tự khỏi. Cúm A/H1N1 khá dễ lây lan trong môi trường tập trung đông người nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Cần tăng cường vệ sinh cá nhân

BS.Nga khuyến cáo, để tránh nguy cơ nhiễm bệnh, cộng đồng cần tăng cường vệ sinh cá nhân, người có triệu chứng viêm hô hấp cần mang khẩu trang khi đến nơi đông người. Tiêm vắc xin cúm hằng năm là giải pháp hiệu quả để phòng bệnh. Các trường học cần thực hiện nghiêm kiểm soát sớm nguy cơ bệnh tật ở trẻ bằng cách điểm danh thường xuyên để phát hiện trẻ nghỉ học và tìm hiểu nguyên nhân. Trường hợp trẻ nghỉ học tăng cao và có yếu tố liên quan bệnh truyền nhiễm, nhà trường cần báo cáo kịp thời cho trạm y tế phường, xã để giám sát kịp thời, khoanh vùng xử lý hạn chế nguy cơ lây lan. Nhà trường cần tăng cường phòng bệnh không dùng thuốc cho trẻ như rửa tay thường xuyên, vệ sinh cá nhân và khuyến cáo học sinh đi tiêm vắc xin cúm mùa.

BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, người trực tiếp hỗ trợ khám và điều tra dịch tễ các chùm ca bệnh vừa xảy ra, cho biết: “Trong trường học, nhiều trẻ bị bệnh còn có vấn đề hiệu ứng tâm lý. Trong quá trình khám, chúng tôi đã giải thích cho cả giáo viên và học sinh về các tác nhân gây bệnh và khuyến cáo giải pháp phòng ngừa từ đó trấn an bệnh nhân giúp ổn định tâm lý và hạn chế sự lây lan”.

“Cúm A/H1N1 đã được xem là một loại cúm mùa, xảy ra rải rác quanh năm, trong giai đoạn chuyển mùa, bệnh có xu hướng xuất hiện nhiều hơn. Ở trẻ em, nhóm dưới 5 tuổi dễ có nguy cơ diễn tiến nặng. Trẻ bị bệnh hầu hết là nhóm chưa được chích ngừa. Vắc xin cúm A/H1N1 nằm trong vắc xin tứ giá phòng bệnh cúm mùa. Trẻ dưới 5 tuổi và người có bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ nên tiêm ngừa để chủ động phòng bệnh” - BS Trương Hữu Khanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại