Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành đã được đặt 2 stent, nhưng vẫn còn hẹp nhánh động mạch vành phải.
Khi vào viện, bệnh nhân được ê-kíp tim mạch can thiệp thành công nhánh mạch vành còn lại và chuyển lên khoa điều trị. Khi chuyển khoa được vài tiếng, bệnh nhân có uống sữa hộp, khoảng 5-10 phút sau thì đột ngột khó thở, tím tái, huyết áp không đo được, mạch không bắt được.
Cụ ông bị sốc phản vệ sau khi uống sữa đang dần hồi phục
Khoa phòng lập tức báo "code blue" (cấp cứu ngưng tim, ngưng thở) toàn viện. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản cấp cứu và xử trí theo phác đồ, sau đó chuyển về Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị tiếp.
Sau 2 giờ theo dõi, sinh hiệu ổn, bệnh nhân tỉnh, thở êm, không gắng sức nên được rút ống nội khí quản. Nhận định đây là một trường hợp phản vệ nặng do dị ứng sữa. Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định sinh hiệu, không còn khó thở, ăn uống khá và được chuyển lên khoa phòng điều trị tiếp.
Theo Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng tức thì nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tử vong đột ngột trong vòng một vài phút, sau khi tiếp xúc với dị nguyên. Các triệu chứng của phản vệ gồm: khó thở, nổi mề đay, ngứa, tụt huyết áp... Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây sốc phản vệ (thuốc, thức ăn, hóa chất, nọc côn trùng,...)
Bệnh nhân dị ứng sữa thì cần phải tránh xa sữa và các loại thực phẩm làm từ sữa. Cần lưu ý là có rất nhiều thực phẩm chứa sữa, nếu bệnh nhân không chú ý thì rất dễ bị dị ứng khi sử dụng các loại thực phẩm này.