Vì được thành lập trên cơ sở những đơn vị có nhiều năm gắn bó với chiến trường Trị Thiên nên Quân đoàn 2 còn có tên là Binh đoàn Hương Giang.
Những ngày đầu trứng nước và thế bố trí hai bên
Khi mới thành lập, Tư lệnh Quân đoàn 2 là Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Chính ủy là Thiếu tướng Lê Linh. Biên chế của Binh đoàn Hương Giang gồm có 3 sư đoàn bộ binh: 304, 324, 325, Sư đoàn phòng không 673, Lữ đoàn pháo binh 164, Lữ đoàn xe tăng 203, Lữ đoàn công binh 219, Trung đoàn thông tin 463 và một số đơn vị trực thuộc khác.
Chiến trường Trị Thiên là nơi đối đầu trực tiếp giữa hai chế độ, lại vừa trải qua những cuộc chiến đẫm máu năm 1972 và chống lấn chiếm năm 1973 nên vẫn còn hừng hực mùi thuốc súng. Chính vì vậy, cả hai bên đều bố trí tại đây lực lượng quân sự khá hùng hậu.
Về phía Việt Nam Cộng hòa (VNCH), tại địa bàn Quân khu 1 là toàn bộ Quân đoàn I Quân lực VNCH được tăng phái hai sư đoàn trù bị là Sư đoàn Dù và Sư đoàn Thủy quân lục chiến (TQLC) cùng rất nhiều lực lượng khác. Bởi vậy, đây là quân đoàn mạnh nhất trong 4 quân đoàn của Quân lực VNCH.
Riêng trên chiến trường Trị Thiên có Sư đoàn BB1, Sư đoàn TQLC, các liên đoàn biệt động quân 4 và 15, các liên đoàn bảo an 913, 914; các thiết đoàn số 17 và 20; 10 tiểu đoàn pháo binh; 1 tiểu đoàn cao xạ tự hành; 1 phi đoàn trực thăng; 2 phi đội trinh sát; hải đoàn duyên phòng 106.
Các lực lượng này chịu trách nhiệm phòng thủ phần còn lại của tỉnh Quảng Trị và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên, từ Nam sông Thạch Hãn đến sườn phía Bắc dãy núi Bạch Mã. Chỉ huy hướng này là Trung tướng Lâm Quang Thi, Phó tư lệnh Quân đoàn I, đóng Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn tại Huế.
Xác xe tăng quân địch bị Quân Giải phóng thiêu cháy tại bãi biển Thuận An tháng 3/1975.
Về phía Quân giải phóng, tại Trị Thiên ngoài lực lượng Quân đoàn 2 còn có thêm một số trung đoàn, tiểu đoàn bộ đội địa phương (BĐĐP) của Quân khu Trị Thiên.
Chuẩn bị cho Xuân Hè 1975, Cục Tác chiến đã đề xuất chọn hướng chiến dịch là hướng đường 12 (nay là Quốc lộ 49 nối Huế với A Lưới) và bắc đường 12- tức là Tây Bắc Huế. Các loại vật chất đảm bảo cho chiến dịch được tập kết theo hướng này. Còn việc bố trí lực lượng cũng tương tự.
Cụ thể: Sư đoàn 325 phòng ngự ở mặt bắc, Sư đoàn 304 ở hướng Tây Bắc, còn Sư đoàn 324 ở hướng Tây. Các đơn vị BĐĐP cũng tập trung ở hướng Tây Bắc Huế là chính. Tất cả đã sẵn sàng cho trận đánh.
Quân giải phóng tiến vào Đại Nội - Huế ngày 25/3.
Cú "lật cánh" táo bạo và hoàn hảo
Tháng 1 năm 1975, sau khi đi học ở Liên Xô về, Thiếu tướng Nguyễn Hữu An được cử làm Tư lệnh Quân đoàn 2 thay cho Thiếu tướng Hoàng Văn Thái.
Ngày 21 tháng 2 năm 1975, Bộ tư lệnh mặt trận Trị Thiên có sự tham dự của các chỉ huy Quân đoàn 2 và Quân khu Trị Thiên đã thông qua kế hoạch hành động quân sự xuân hè 1975 (mật danh K175) dự kiến từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1975 và kế hoạch chiến dịch mùa thu 1975 dự kiến từ tháng 7 đến tháng 8 năm 1975.
Với lực lượng tổng cộng 7 trung đoàn trên hướng Trị-Thiên và 4 trung đoàn trên hướng Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh mặt trận Trị-Thiên vạch kế hoạch ban đầu cho chiến dịch với mục tiêu trước mắt là đánh chiếm toàn bộ tỉnh Quảng Trị, bao vây cô lập Huế và nếu có điều kiện phát triển thì đánh chiếm toàn bộ địa bàn Trị Thiên Huế.
Để thực hiện ý đồ trên đây, hướng tấn công chính của Quân đoàn 2 được điều chỉnh từ Tây Bắc Huế (hướng đường 12) xuống Tây Nam Huế (hướng đường 14) nhằm mục tiêu cô lập toàn bộ cánh Bắc của Quân đoàn 1 Quân lực VNCH với cánh Nam (Đà Nẵng và Quảng Nam-Quảng Ngãi).
Toàn bộ địa bàn Trị Thiên được chia thành 5 khu vực tấn công gồm: Khu vực Quảng Trị (từ Nam Sông Thạch Hãn đến sông Mỹ Chánh); khu vực Bắc Thừa Thiên (Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà); khu vực thành phố Huế và ngoại vi; Khu vực đồng bằng Nam Huế Phú Vang, Hương Thuỷ; các trọng điểm giao thông trên đường số 1 tại Phú Lộc và bắc Hải Vân.
Sở dĩ có sự điều chỉnh hướng chiến dịch là bởi những phân tích rất sắc sảo của đại diện Bộ Tổng Tham mưu và các tướng lĩnh trong Bộ Tư lệnh mặt trận. Chọn hướng Tây Nam thì địch sẽ rất bất ngờ, lại tiện triển khai lực lượng và binh khí kỹ thuật.
Ngoài ra, địa hình khu vực Phú Lộc, nơi Quốc lộ 1 chạy ven đầm Cầu Hai dưới chân dãy Lưỡi Cái là nơi rất xung yếu, dễ dàng chia cắt, cô lập Huế với Đà Nẵng.
Để thực hiện ý định này, buộc phải điều chỉnh thế bố trí trên toàn mặt trận. Sư đoàn 325 ngay lập tức bàn giao trận địa cho lực lượng địa phương và cơ động về khu vực Nam Đông, Khe Tre.
Bộ đội tiến vào giải phóng Ngọ Môn Huế.
Sư đoàn 324 chuyển từ A Lưới, Đường 12 xuống khu vực Vũng Tròn, Động Truồi. Sư đoàn 304 (thiếu) tiếp tục trấn giữ phía Tây Bắc Quảng Trị. Các đơn vị tăng, pháo được cơ động vào A Lưới sẵn sàng đánh địch.
Hàng trăm km đường mới được mở. Hàng nghìn tấn lương thực, đạn dược phải vận chuyển từ hướng đường 12 sang hướng đường 14. Tất cả những động thái đó của một cú "lật cánh" chiến lược diễn ra hết sức khẩn trương song cũng vô cùng bí mật.
Nhờ có cú lật cánh táo bạo và hoàn hảo này nên chỉ sau hai tuần từ ngày bắt đầu nổ súng (08.3.1975), ngày 22.3.1975, Sư đoàn 325 đã làm chủ đoạn Quốc lộ 1 từ Bạch Thạch đến Dàn Bò (thuộc Phú Lộc, Thừa Thiên), hoàn toàn cô lập Huế với phần phía Nam Quân khu 1, tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 25.3.1975.
Từ Tây Bắc xuống Tây Nam - thật là một cú "lật cánh" hết sức táo bạo song cũng vô cùng hoàn hảo và ngoạn mục!
(Bài có sử dụng một số tư liệu trong "Chiến trường mới" - Hồi ký của Thượng tướng Nguyễn Hữu An, NXB QĐND)