Cứ 30 giây có 1 ca cắt bỏ chân do đái tháo đường

TRẦN NGỌC-KIM QUY |

“Cứ 30 giây có một ca đoạn chi do đái tháo đường và phần lớn những trường hợp này có tổn thương ban đầu là loét chân".

Ngoài ra, có khoảng 15% đến 25% bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) sẽ xuất hiện loét chân và trên 70% bệnh nhân loét chân sẽ bị tái phát trong năm năm.

Thông tin trên được bác sĩ (BS) Huỳnh Quốc Hội, khoa Nội tiết BV Nhân dân 115 TP.HCM, đưa ra tại buổi sinh hoạt chủ đề “Dự phòng loét chân ở bệnh nhân ĐTĐ được tổ chức ngày 8-5 khiến ai cũng giật mình.

“Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt dự phòng có thể giúp làm giảm được tỉ lệ đoạn chi lên đến 85%. Để dự phòng biến chứng ĐTĐ, bên cạnh việc duy trì sinh hoạt lành mạnh (ăn uống hợp lý, vận động thường xuyên), người bệnh cần chú ý chăm sóc bàn chân mỗi ngày” - BS Hội khuyên.

Cứ 30 giây có 1 ca cắt bỏ chân do đái tháo đường - Ảnh 1.

Chân bị loét do đái tháo đường. Ảnh: CTV

Theo BS Hội, nên lau rửa bàn chân mỗi ngày, lau khô nhẹ nhàng bằng khăn mềm. Không nên ngâm chân trong nước quá lâu. Nếu da khô có thể dùng kem giữ ẩm nhưng tránh thoa vào vùng giữa các ngón chân.

“Bên cạnh đó, không nên đi chân trần ngay cả trong nhà. Nên đến BS khám bàn chân nếu có vấn đề và tuyệt đối không nên tự ý dùng những liệu pháp dân gian” - BS Hội nói.

BS Hội lưu ý thêm bệnh nhân ĐTĐ cũng phải cắt móng chân đúng cách. Nên cắt móng chân thường xuyên sau khi tắm rửa và dùng dụng cụ chuyên dụng.

Bên cạnh đó, không nên cố gắng cắt móng thành một mẩu duy nhất và tránh lôi kéo móng.

“Chưa hết, tránh để móng dài quá chiều dài ngón và không nên cắt quá ngắn. Không móc (khựi), không cắt phần bên móng (khóe móng).

Khi thấy móng đau, hình dạng bất thường, đổi màu, dày lên, mọc vào trong hoặc chấn thương móng thì nên khám sớm với BS chuyên khoa Nội tiết” – BS Hội khuyến cáo.

Cũng theo BS Hội, bệnh nhân ĐTĐ nên chủ động khám chân mỗi ngày và ghi nhớ bốn dấu hiện nguy hiểm của bàn chân ĐTĐ: Đỏ lên hoặc thay đổi màu sắc khác (xanh, đen, tím hoặc tái) ở một phần bàn chân hay cả bàn chân; sưng, phù; đau hoặc đau nhói; tổn thương rách da.

Bên cạnh đó, nên kiểm tra bàn chân để tìm các vết chai, nứt, thâm, các cục u, các sẩn, bóng nước… để điều trị kịp thời.

BS Hội đúc kết: “Kiểm tra bàn chân thường xuyên giúp phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm hay bất thường.

Nên so sánh hai chân với nhau. Khi bàn chân thay đổi hình dạng và có dấu hiệu bị nhiễm trùng thì cần đi khám ngay. Các vết chai, cứng không được xử lý tốt có thể đưa đến loét chân”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại