Cứ 3 phụ nữ Việt thì có gần 2 người phải chịu bạo lực, 90% không bao giờ lên tiếng

Ngọc Minh |

Đây là thông tin được đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Bàn tròn về Bạo lực đối với Phụ nữ và Trẻ em tại Việt Nam ngày 6/12.

Theo bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, trên phạm vi toàn cầu, có 650 triệu phụ nữ và trẻ em gái; 530 triệu nam giới và trẻ em trai đã phải chịu đựng bạo lực khi còn nhỏ. Trong đó, cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ em phải đối mặt với kỷ luật bằng bạo lực tại nhà.

Liên quan tới bạo lực ở phụ nữ, vị đại diện Liên Hợp Quốc cũng đưa ra con số “giật mình”. Theo đó, ở Việt Nam, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người phải chịu bạo lực do bạn tình gây ra, hơn 90% người bị bạo lực không bao giờ lên tiếng.

“Vấn đề này còn nghiêm trọng hơn khi hầu hết phụ nữ (90,4%) không tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà cung cấp dịch vụ hoặc chính quyền. Khoảng 4,4% phụ nữ được khảo sát cho biết họ đã từng trải qua bạo lực tình dục trước 15 tuổi”, bà Pauline Tamesis nói.

 - Ảnh 1.

Bà Pauline Tamesis chia sẻ. (Ảnh PV)

Theo khảo sát năm 2020 về các chỉ số mục tiêu phát triển bền vững của trẻ em và phụ nữ, 72% trẻ em Việt Nam từ 1 đến 14 tuổi bị các thành viên trong gia đình kỷ luật bằng bạo lực.

Và trong số hơn 2.000 trường hợp lạm dụng trẻ em được báo cáo chính thức hàng năm, có 75% liên quan đến lạm dụng tình dục.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có chung nguyên nhân gốc rễ là: chuẩn mực xã hội, bất bình đẳng giới. Tình trạng bạo lực này sẽ kéo dài qua nhiều thế hệ với hậu quả lâu dài đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.

Trẻ em gái và trẻ em trai phải chịu bạo lực có nhiều khả năng trải qua hoặc thực hiện bạo lực khi trưởng thành. Để phá vỡ vòng luẩn quẩn này, chúng ta cần phải thay đổi nhận thức và giải quyết bạo lực trong xã hội, bà Pauline Tamesis cho biết.

Trưởng Đại diện của UNICEF tại Việt Nam, bà Silvia Danailov, cho hay: Thiếu niên và trẻ em là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, do các em phải chịu nhiều hình thức bạo lực tại gia đình, trong các mối quan hệ thân mật và trong cộng đồng. Giải quyết sự giao thoa giữa bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực đối với trẻ em là điều cần thiết để xây dựng khả năng phục hồi trong gia đình và cộng đồng, từ đó giúp chấm dứt vòng luẩn quẩn của bạo lực phụ nữ và trẻ em”.

Giải pháp giảm tình trạng bạo lực

Chính phủ Việt Nam đã tăng cường các chính sách như Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em và triển khai những chương trình quốc gia để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

“Tôi đặc biệt ghi nhận công tác hợp tác của Liên Hợp Quốc, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia theo Dự án xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Dự án này tập trung vào các chính sách dựa trên bằng chứng, xây dựng phản ứng đa ngành mạnh mẽ hơn và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cho những người bị bạo lực. Dự án này cũng giải quyết các chuẩn mực xã hội có hại làm gia tăng bạo lực - một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra sự thay đổi lâu dài”, bà Pauline Tamesis chia sẻ.

Vị điều phối viên của Liên Hợp Quốc cũng đã đưa ra một số gợi ý về các lĩnh vực chính mà Việt Nam, với sự hỗ trợ của các đối tác, có thể tập trung trong thập kỷ tới:

- Giải quyết bạo lực đòi hỏi sự phối hợp giữa các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, tư pháp, cảnh sát và giáo dục. Các cách tiếp cận riêng lẻ đối với bạo lực gia đình và bạo lực đối với trẻ em tạo ra những khoảng cách nhất định, do đó cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn trong những dịch vụ tích hợp. Công nghệ cũng có thể giúp đảm bảo hỗ trợ liền mạch cho những người bị bạo lực.

- Xây dựng lòng tin và các cơ chế hỗ trợ cộng đồng là rất quan trọng. Có quá nhiều người bị bạo lực nhưng không tiết lộ hoặc báo cáo về tình trạng bị lạm dụng. Do đó, chúng ta phải tạo ra các cơ chế hỗ trợ an toàn, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ.

- Cải thiện dữ liệu và thu thập bằng chứng cũng rất quan trọng. Dữ liệu tốt hơn cho phép đưa ra những phản ứng có mục tiêu, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của những người bị ảnh hưởng bởi bạo lực.

- Cần có các biện pháp can thiệp phù hợp cho thanh thiếu niên. Tuổi vị thành niên là giai đoạn dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi liên quan đến bạo lực gia đình và bạn tình. Giải quyết bạo lực tình dục trong các mối quan hệ của thanh thiếu niên và hỗ trợ những người trẻ tuổi có hành vi gây hại có thể giúp phá vỡ các chu kỳ bạo lực sớm.

- Lắng nghe tiếng nói của những người có kinh nghiệm, người từng bị bạo lực có thể thay đổi những nỗ lực của chúng ta.

- Thu hút nam giới và trẻ em trai với tư cách là tác nhân thay đổi, nhà hoạch định chính sách, người chăm sóc và đối tác trong những mối quan hệ có thể định hình lại những thái độ có hại và thúc đẩy các giải pháp thay thế cho bạo lực.

- Cuối cùng, nâng cao năng lực của những cán bộ, nhân viên làm việc trong lĩnh vực chấm dứt bạo lực và củng cố các hệ thống là rất quan trọng.

“Hãy cùng nhau hành động quyết liệt ngay hôm nay. Hãy cùng nhau tạo ra một tương lai mà bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam không chỉ là điều không thể chấp nhận và dung thứ được mà còn là điều không thể tưởng tượng được”, bà Pauline Tamesis khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại