GS Hùng cho biết mỗi người gặp ông hỏi bí quyết sống khỏe phòng được bệnh tật, ông chỉ có những điều chia sẻ rất nhỏ ai cũng biết nhưng mọi người thường bỏ qua.
Người ta cứ bảo bệnh ung thư là trời kêu ai nấy dạ nhưng ngày nay thì không phải trời kêu mà 80% là do những gì con người ăn uống, hít thở, cọ xát hoặc phơi trải. GS Hùng đưa ra 2 nguyên tắc để phòng bệnh ung thư.
1. Ăn cho lành, uống cho sạch
Trong thực phẩm, có thứ mình ăn làm tăng nguy cơ ung thư nhưng cũng có thứ mình ăn làm giảm nguy cơ ung thư. Vì thế, nên chọn ăn cho lành, chứ không phải ăn kiêng.
Không chỉ tránh né ung thư, thật ra nâng niu sức khỏe của mình, tâm lý thoải mái chống lại nhiều bệnh khác.
Trong ăn uống, ưu tiên cho dinh dưỡng thực vật gồm các loại rau, trái tươi, hột, củ, đậu nguyên trạng. Thực vật nên chiếm phân nửa hoặc hai phần ba bữa ăn.
Rau trái chứa ít chất béo nhiều chất xơ và nhiều chất kháng ung thư. Phần còn lại dành cho cá, thịt, trứng và thức ăn từ sữa. Rau trái có màu đậm, sáng là các thức ăn kháng oxi hóa phòng tránh ung thư tốt. Tỏi, gừng, bột cà ri là các gia vị tốt.
Uống nước cho đủ, chất quý này kích hoạt miễn dịch, đưa chất dinh dưỡng khắp cơ thể, rửa sạch chất độc, tránh các loại giải khát có đường.
Chất xơ là một phần của rau trái củ mà cơ thể không tiêu hóa được lại giúp giữ cho hệ tiêu hóa làm sạch, lôi nhanh các yếu tố gây ung thư ra ngoài. Không có xơ trong thịt, cá, đường, thức ăn từ sữa, gạo trắng và bột.
Thịt rất cần cho cơ thể nhưng dùng nhiều thịt không phải ăn lành. Thịt chứa nhiều chất béo gây ung, chế biến sai như quá nóng, quá cháy khét còn mang thêm các chất sinh ung.
Nên dùng cá, thịt gà nhiều hơn các loại thịt đỏ như bò, heo, cừu. Chọn chất béo lành, tránh mỡ trong thịt đỏ, thức ăn từ sữa. Dùng dầu thực vật, bớt ăn các thức ăn như hun khói, muối mặn, làm dưa.
GS Hùng cho biết, Hội Ung thư Hoa Kỳ có hướng dẫn ăn uống ngừa ung thư. Bữa ăn giàu thực vật, nhiều rau trái, đậu củ hột hàng ngày.
Câu nói ngắn gọn mà GS Hùng hay nói đó là bớt thịt, ít béo, ít đường,ít muối, ít rượu, tránh xa thuốc lá, tập đều, ít nhất là 30 phút mỗi ngày, giữ cân nặng tốt.
2. Bảo vệ giấc ngủ
Giấc ngủ là một phần của đời sống, trung trâm Phòng chống bệnh của Hoa Kỳ đã nhận định thiếu ngủ đi đôi với bệnh tật.
Giấc ngủ không phải là điều xa xỉ mà đó là thiết yếu quyết định sức khỏe tốt, thiếu ngủ làm đời sống ngắn lại gia tăng bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, huyết áp, béo phì, trầm cảm và ngày nay các nhà khoa học đã chỉ ra thiếu ngủ còn là yếu tố có thể gây ung thư.
Tuyến tùng của mỗi người rất nhỏ, khi đêm xuống nó nhả mêlatonin đưa mỗi người vào giấc ngủ, tới đỉnh cao là 1 - 2 h sáng giảm dần từ 5 h đến sáng.
Xáo trộn giấc ngủ làm lượng hoocmon này giảm xuống và có tác hại nặng nề. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mêlatonin giúp các tế bào của cơ thể chống lại các chất oxy hóa, sửa chữa phân tử DND, từ đó kiềm chế các tế bào ung thư, giúp hệ miễn dịch tăng sản xuất các tế bào diệt ung thư.
Ngủ đủ giảm nguy cơ ung thư ruột già, ngủ dưới 6h mỗi đêm tăng 50 % nguy cơ bệnh polyp ruột già so với ngủ ít nhất 7h mỗi đêm. Polyp nếu không điều trị có nguy cơ chuyển thành ung thư.
Ngoài ăn uống cho lành, chăm sóc giấc ngủ thì thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ rất nhiều bệnh ung thư.
Do cơ thể sản xuất nhiều estrogen hoocmon này kích hoạt ung thư. Thể dục làm giảm cân dư thừa, điều hòa hoocmon giúp hệ miễn dịch. Vận động vừa phải như là đi bộ, đạp xe, làm vườn, chăm sóc nhà cửa kèm với hít thở sâu.
Lối sống, dinh dưỡng để phòng chống nguy cơ của một số loại ung thư như ung thư vú thì nên hạn chế ăn uống các loại nước có rượu, nên ăn nhiều rau quả, tích cực vận động cơ thể và tránh béo phì.
Ung thư ruột già nên dùng các loại thức ăn có nguồn gốc thực vật như rau quả, các loại hạt còn nguyên, các loại đậu. Coi chừng thức ăn nhiều mỡ và các loại thịt đỏ để có thể tăng nguy cơ ung thư ruột nếu mắc thêm béo phì ít vận động thì càng tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ung thư phối tránh xa thuốc lá, ăn rau quả nhiều lần trong ngày.
Ung thư miệng và ung thư thực quản: Thuốc lá, thuốc nhai, bột hút, rượu, dùng riêng hoặc chung đều tăng nguy cơ các loại ung thư miệng và thực quản. Ăn nhiều rau quả làm giảm nguy cơ.
Ung thư dạ dày: Chế độ dinh dưỡng, nhiễm vi khuẩn HP và khói huốc có ảnh hưởng tới ung thư dạ dày.