Bài viết của các tác giả: TS. BS Phạm Nguyên Quý - Khoa Nội khoa ung thư, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản; BS Nguyễn Hải Nam, Khoa Ngoại, Đại học Kyoto, Nhật Bản
Dịch Covid-19 vẫn đang tiến triển ở thì hiện tại ở nhiều nơi gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ khi khởi phát dịch đến nay, đã có hàng nghìn báo cáo thống kê về ảnh hưởng lên sức khỏe của dịch bệnh, nhưng đâu mới là chỉ số "khách quan", có thể tin tưởng để đem ra bàn luận so sánh về chính sách giữa các nước khác nhau?
Số người mắc bệnh, chắc chắn không phải là chỉ số tốt. Có thể nói nó là chỉ số có độ tin cậy... thấp nhất vì phụ thuộc rất lớn vào xét nghiệm sử dụng, số ca xét nghiệm và tiêu chí về những ca được xét nghiệm. Số ca tử vong có độ tin cậy tương đối cao hơn, vì về mặt số liệu thống kê, chỉ có 2 trạng thái là Sống hoặc Chết không cần xét nghiệm nào.
Tuy nhiên, chỉ số tử vong do Covid-19 lại gặp vấn đề là có thật tử vong "trực tiếp" vì coronavirus chủng mới, hay do "gián tiếp" vì bệnh nền đi kèm? Ngoài ra, ở những nơi bệnh nhân tử vong trước khi được xét nghiệm Covid-19 thì con số báo cáo sẽ nhỏ hơn thực tế.
Câu chuyện này phổ biến hơn ở những vùng/nước bị vỡ trận y tế, khi nhân viên y tế không thể quản lý chính xác và trọn vẹn số ca nhiễm lẫn số người chết do Covid-19, như một số báo đã đưa tin.
Số ca tử vong tăng nhiều hơn so với con số cùng kỳ ở nhiều nước có dịch Covid-19.
Để giải quyết bài toán này, các chuyên gia thống kê về bệnh truyền nhiễm đang đề nghị sử dụng một chỉ số khác có độ tin tưởng cao hơn là Exess death, tạm dịch: Tử vong quá mức. Đây là chỉ số giúp phản ánh số ca tử vong vì tất cả nguyên nhân SO VỚI con số của cùng kỳ trong quá khứ. Có thể nói nó "khách quan" hơn các chỉ số khác vì tính cả những ca tử vong trực tiếp do Covid-19, lẫn tử vong gián tiếp do đối sách y tế chống Covid-19.
Cụ thể hơn, "tử vong gián tiếp" ám chỉ tới tất cả những trường hợp chết do tai nạn, tai biến mạch máu,... (tức bệnh khác), xảy ra trong mùa dịch nhưng đã không được chẩn đoán - điều trị kịp thời do chính sách phòng dịch hoặc do bệnh viện quá tải vì Covid-19. Vì số ca tử vong do mọi nguyên nhân trong vài năm trước ở một vùng miền thường dao động ở mức nhất định, chỉ số Tử vong quá mức này phản ánh được tổng thể ẢNH HƯỞNG lên toàn nền y tế trong mùa dịch Covid-19.
Thật ra, chỉ số này không phải là cách nghĩ gì mới mà đã được đề xuất từ 1970 và được ứng dụng tại một số nơi như là mô hình theo dõi ảnh hưởng của dịch cúm mùa. Chỉ số này không bị ảnh hưởng bởi việc có xét nghiệm hay không, có nhiễm Covid-19 hay không, có đi khám bệnh hay không,... nên có thể được dùng tốt tại cả những nước đang phát triển.
Ở những thành phố lớn, số tử vong quá mức lớn hơn nhiều so với báo cáo về Covid-19.
Với góc nhìn này, xin điểm lại một số phát hiện vừa được trình bày trên báo Financial Times.
Khi phân tích số liệu ở 14 nước và lãnh thổ khác nhau, ở thời điểm ngày 27 tháng 4 năm 2020 vừa qua, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy có tới 122,000 ca tử vong quá mức so với con số đang được công bố là 77,000 ca do Covid-19. Điều này ám chỉ rằng ảnh hưởng lên toàn nền y tế của 14 nước này cao hơn báo cáo hiện nay tới 60%!
Khi so sánh với số liệu trong khoảng 2015-2019, tổng ca tử vong (do mọi nguyên nhân) ở những vùng khảo sát nói trên đã tăng tới 50%! Như hình đính kèm, đường màu xám là con số tử vong hằng năm, đường màu đỏ là con số năm 2020 và khoảng diện tích màu đỏ chính là khác biệt giữa liên quan tới Covid-19, chính là số Tử vong quá mức.
Chỉ số này cao hơn rõ rệt ở những thành phố lớn, được cho là do bất cập trong báo cáo vì vỡ trận y tế. Cụ thể, ở Bergamo (Ý), con số này tăng tới 463%, ở New York (Mỹ) là 299% và ở Madrid (Tây Ban Nha) là 161%. Tại các nước phát triển này, nhiều người già sống ở các viện dưỡng lão vẫn thường qua đời vì viêm phổi nhưng có vẻ như trong đợt dịch này, số ca tử vong vì viêm phổi tăng lên dù không nhận chẩn đoán Covid-19.
Một phát hiện đáng chú ý khác là khác biệt lớn giữa số ca tử vong do Covid-19 được báo cáo và số tử vong quá mức ở những nước đang phát triển. Như ở Guayas (Ecuador), từ 1/3 đến 15/4/2020, báo cáo ghi nhận có 245 ca tử vong do Covid-19, nhưng số tử vong quá mức lại lên tới 10,200 người (tức gấp 41 lần!).
Tương tự, ở Indonesia, báo cáo cho thấy có 90 ca tử vong do Covid-19 nhưng số ca tử vong quá mức lại lên tới 1400 ca, tức hơn 15 lần. Điều này ám chỉ rằng ở một số nơi số ca Covid-19 có thể không cao nhưng chính sách chống Covid-19 lại có thể ảnh hưởng lên sức khỏe của toàn cộng đồng theo một cách khác.
Tuy nhiên, ở Nhật Bản thì tình hình có vẻ khả quan hơn. Theo thống kê mới đây, ngoài Tokyo, 21 tỉnh thành lớn khác tại Nhật như Chiba, Osaka, Kobe, Kyoto, Yokohama, Nagoya, Sendai, Kumamoto,... đều có số tử vong quá mức không đổi, thậm chí còn nhỏ hơn ở một số nơi. Khi nhìn trên tổng thể thương vong, một số chuyên gia đánh giá rằng chiến lược chống Covid-19 hiện nay tại Nhật Bản là không tồi mặc dù có ý kiến khác cho rằng còn quá sớm để kết luận.
Hiện nay, số tử vong quá mức gần như không thay đổi ở hầu hết các thành phố lớn tại Nhật Bản (ngoại trừ Tokyo).
Như vậy, những con số được công bố như số ca nhiễm hay tử vong vì Covid-19 thường bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố cục bộ tại mỗi nước. Khảo sát nói trên góp phần nhấn mạnh rằng việc sử dụng các con số này để so sánh bình luận/khen che chiến lược các nước là không thật khách quan, và ám chỉ rằng số tử vong quá mức là một chỉ số tốt hơn.
Hi vọng rằng bài viết này cung cấp thêm cách nhìn khác để quý độc giả có thể hình dung toàn cảnh về ảnh hưởng của Covid-19 lên toàn bộ nền y tế ở nước ngoài.
Theo ft.com