Hội chứng COVID-19 kéo dài đang trở thành một đại dịch ‘giấu mặt’ tại nhiều quốc gia. Các triệu chứng điển hình của hội chứng này như mệt mỏi, đau cơ, khó thở, thay đổi tâm trạng, các vấn đề về nhận thức… khiến sức khỏe của người bệnh bị suy giảm kéo dài, tác động nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày cũng như khả năng quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, đến nay nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa có thống kê, ghi nhận một cách đầy đủ về hội chứng COVID-19 kéo dài trong cộng đồng, cũng như phác đồ điều trị căn bệnh này.
Cô Mayra Mora mắc COVID-19 vào tháng 8 năm 2020, nhưng cho đến giờ vẫn đang phải vật lộn với các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Trong một thời gian dài, Mayra Mora đã tìm đến nhiều bác sĩ để được tư vấn, tuy nhiên họ đều không tin vào những triệu chứng mà cô mô tả. Người phụ nữ 39 tuổi này đã phải tốn rất nhiều tiền để khám bác sĩ chuyên khoa. Cuối cùng, cô được chẩn đoán mắc chứng mệt mỏi mãn tính và rối loạn chức năng thần kinh và đau cơ.
"Toàn bộ cơ thể tôi run rẩy. Để có thể đi đến phòng tắm đối với tôi là cả một sự nỗ lực. Tôi cảm thấy hoàn toàn kiệt sức", Mayra Mora nói.
Bữa sáng của Mora bao gồm đủ các loại thuốc, mặc dù đã hồi phục tốt nhưng cô vẫn cần được trợ giúp trong nhiều công việc hàng ngày.
Trong giai đoạn 2020 và 2021, trên toàn cầu có gần 145 triệu người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài. Phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng COVID-19 kéo dài gấp đôi nam giới. WHO đang kêu gọi các chính phủ và cơ quan y tế trên toàn thế giới quan tâm nhiều hơn tới hội chứng này.
Tiến sĩ Catherine Smallwood - Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng: "Điều thực sự quan trọng ngay bây giờ là cần phải đẩy nhanh số lượng nghiên cứu, số lượng báo cáo về các trường hợp mắc hội chứng COVID-19 kéo dài. Hội chứng COVID-19 kéo dài thực sự là một căn bệnh, phải được công nhận và phải được điều trị".
Điều đáng nói là ngay cả những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn có nguy cơ mắc hội chứng COVID-19 kéo dài.