Thông báo hủy bỏ được đưa ra chỉ 9 tháng sau khi thỏa thuận đường sắt cao tốc đầu tiên của Trung Quốc tại Mỹ này được thông qua.
Phía XpressWest nói rằng quyết định chấm dứt quan hệ với CRI chủ yếu do những khó khăn liên quan tới thi công và thách thức CRI phải đối mặt trong việc đáp ứng những yêu cầu cần thiết về ủy quyền hoạt động.
Công ty tư nhân này của Mỹ cũng tiết lộ thêm rằng thách thức lớn nhất của họ là những yêu cầu của chính quyền liên bang đòi hỏi các tàu cao tốc phải được sản xuất trong nước để đảm bảo sự phê chuẩn.
“Như mọi người đã biết, hiện chưa có tàu cao tốc sản xuất nội địa ở Mỹ” – tuyên bố của XpressWest cho biết – “Yêu cầu cứng nhắc này là rào cản chủ yếu đối với hoạt động tài chính cho đường sắt cao tốc ở đất nước chúng ta.
Trong 10 năm qua, chúng tôi đã kiên nhẫn chờ đợi các nhà lập pháp nhận ra rằng đường sắt cao tốc ở Mỹ là một lĩnh vực kinh doanh mới và cho phép mua tàu từ các nước khác vốn hoạt động an toàn nhiều thập kỉ.
Đó là điều cần làm để kết nối khu vực phía tây nam và bắt đầu một ngành công nghiệp mới”.
Thông tin nói trên khiến dư luận Trung Quốc khá ồn ào trong ngày 9-6 và chưa có đại diện nào của CRI lên tiếng. Nước này hiện đang trong kỳ nghỉ lễ.
Theo Latimes, chất lượng và mức độ an toàn của tàu cao tốc Trung Quốc cũng như hệ thống vận hành của nó sau tai nạn thảm khốc năm 2011 ở Ôn Châu, Trung Quốc khiến 40 người thiệt mạng.
Hiện nền kinh tế số 2 thế giới cũng đang rất sốt sắng xuất khẩu công nghệ đường sắt của mình sang các nước Mexico, Đông Nam Á và nhiều nơi khác.
Thỏa thuận giữa XpressWest và CRI được công bố đột ngột hồi tháng 9-2015 chỉ vài ngày trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ. Tuy vậy, chi tiết của thỏa thuận không được công bố.
Lúc bấy giờ, XpressWest nói rằng công ty này sẽ liên doanh với CRI ở Mỹ. Phía CRI thì tuyên bố sẽ cung cấp vốn ban đầu của dự án vào khoảng 100 triệu USD.
Ông Yang Zhongmin, Chủ tịch của CRI, khẳng định thỏa thuận này sẽ là dấu mốc trong đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực đường sắt Trung Quốc và là hình mẫu cho hợp tác quốc tế.
Trước đó, công ty mẹ của Công ty Đường sắt Trung tâm Nhật Bản (JRC), nhà sản xuất tàu cao tốc lớn nhất của Nhật, đã bày tỏ quan tâm tới dự án đường sắt cao tốc Los Angeles-Las Vegas.