Con đường lây nhiễm giun sán từ chó mèo tới người rất gần: Chuyên gia chỉ cách phòng tránh

Ngọc Anh |

Nhiều gia đình nuôi thú cưng đặc biệt là chó mèo và có thói quen ôm hôn chó mà không biết có thể mắc các bệnh ký sinh trùng từ thú cưng rất nguy hiểm.

Bị đau đầu, viêm gan do giun đũa, sán dây chó ký sinh

Trường hợp của anh Nguyễn Văn Cảnh – Hoàng Mai, Hà Nội là điển hình của bệnh giun sán chó mà không biết. Gia đình anh Cảnh hay nuôi chó con, anh rất thích chó mèo nhưng không hiểu vì sao mình lại nhiễm phải ký sinh trùng sán.

Anh Cảnh cho biết, gần 1 năm nay anh hay bị đau đầu đặc biệt là buổi chiều tối. Gần đây nhất đau đầu dữ dội kèm theo sốt cao. Anh Cảnh đi khám ở các nơi mà không ra bệnh gì, có lúc đau quá bác sĩ nghi ngờ u não nhưng chụp CT không phát hiện ra bệnh gì. Đến khi bác sĩ cho đi làm xét nghiệm ký sinh trùng thì anh Cảnh dương tính với sán dây chó ký sinh ở não.

Hay như trường hợp của chị Hoàng Thị Lan, Linh Đàm, Hà Nội cũng bị viêm gan không rõ nguyên nhân. Chị Lan kể, chị đã điều trị ở viện hai tháng liền mà không rõ bệnh gì. Chị Lan được bác sĩ tư vấn làm xét nghiệm ký sinh trùng, kết quả dương tính với giun đũa chó.

Con đường lây nhiễm giun sán từ chó mèo tới người rất gần: Chuyên gia chỉ cách phòng tránh - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Đề - Nguyên trưởng bộ môn Ký Sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, giun đũa chó và ký sinh trùng sán chó là hai loại ký sinh trùng dễ gặp nhất khi nuôi chó mèo.

Giun đũa chó là toxocara thuộc họ giun Ascarridae. Giun đũa chó Toxocara canis liên quan đến người thường ký sinh ở ruột non của chó, giun đũa chó mèo Toxocara cati ký sinh ở ruột non của mèo. Chúng thường đẻ trứng và theo phân ra ngoài. Khi chó, mèo ăn phải sẽ bị nhiễm giun trưởng thành, có trường hợp ấu trùng giun chui qua nhau thai hay sữa từ chó mẹ sang chó con.

Những người mắc bệnh thường là vật chủ ngẫu nhiên, do nuốt phải trứng giun có trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó mèo, hoặc nuốt phải ấu trùng giun khi ăn thịt chó mèo chưa nấu chín.

Những người nuốt phải trứng giun toxocara, trứng nở giải phóng ấu trùng trong ruột non, ấu trùng chui qua thành ruột di chuyển đến gan. Từ gan, ấu trùng qua hệ tuần hoàn và bạch huyết di trú đến các tổ chức khác như phổi, nội tạng ở bụng, mắt... gây ra các tổn thương ở nội tạng.

Ấu trùng toxocara không thể phát triển thành giun trưởng thành trong cơ thể người và không thể tái lặp chu kỳ sống ở người. Ấu trùng có thể tồn tại trong các tổ chức nhiều năm nếu không được điều trị.

Bệnh nhiễm ấu trùng giun sán từ thú cưng không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu, bệnh thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Một số bệnh nhân có biểu hiện gan to, sốt, có các triệu chứng của phổi như ho, đau ngực, đau bụng, khó tiêu, tăng globulin máu, tăng bạch cầu ưa axít không thường xuyên.

Trường hợp nặng các triệu chứng có thể kéo dài hàng năm, các hội chứng viêm phổi, viêm nội nhãn, đau bụng mãn tính, rối loạn thần kinh khu trú có thể xảy ra do sự di trú của ấu trùng giun toxocara, bạch cầu tăng và bạch cầu ái toan tăng có thể chiếm tới 80-90%.

Bệnh nhân có thể thử nghiệm huyết thanh học ELISA, dùng kháng nguyên ấu trùng giun toxocara, độ nhạy từ 75-90%. Nếu phát hiện chính xác nhiễm giun chó, mèo bệnh nhân không cần phẫu thuật chỉ cần uống thuốc trị giun sán là khỏi.

Con đường lây nhiễm giun sán từ chó mèo tới người rất gần: Chuyên gia chỉ cách phòng tránh - Ảnh 2.

Dấu hiệu nhiễm giun, sán chó

Con đường sinh sôi của ký sinh trùng sán chó trong cơ thể

Ngoài giun đũa chó mèo, GS Đề cho biết bệnh sán chó cũng nguy hiểm không kém. GS Đề cho biết ông từng gặp nhiều bệnh nhân khối u gan, phổi… nhưng khi mổ ra không phải là u mà là những bọc nước ở trong toàn các đầu sán đang cử động.

Với những bệnh nhân bị sán dây chó rất khó phòng cũng như chẩn đoán. Chủ yếu qua hình ảnh chụp CT scan nhìn rõ vách ngăn và dạng nang nước, phải có chuyên môn sâu về chẩn đoán hình ảnh mới có thể nhìn ra. Nhiều người khi đi khám thấy ở gan và phổi có u nghĩ là ung thư nên về nhà nằm chờ chết nhưng bệnh không diễn biến như thế.

Tác nhân gây bệnh là Echinococcus, một loài sán dây ký sinh trong ruột của họ chó. Trứng của chúng theo phân ra ngoài môi trường và phát tán vào đất, bụi, rau…

Trẻ con thường dễ bị nhiễm sán chó do hay chơi đùa dưới đất, bốc thức ăn dưới đất bỏ vào miệng. Trứng sán cũng có lẫn trong rau trồng trong vườn, khi rau không được rửa sạch hay chưa nấu chín.

Khi con người ăn phải trứng, các ấu trùng giun sẽ được phóng thích, đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương.

Ấu trùng sán dây chó thường ký sinh tạo ra những bọc nước lớn chứa nhiều đầu sán, các bọc nước này thường ở gan, não, thận, phổi. Khi bọc nước chứa đầu sán vỡ ra giải phóng các đầu sán và đầu sán này lại hình thành một bọc sán khác.

Chuyên gia hướng dẫn cách phòng bệnh do cho mèo lây lan

Để phòng bệnh do chó mèo mang lại, GS Đề nhấn mạnh, đa số mắc sán chó mèo thường do chó mèo phóng uế ra môi trường nên cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, quản lý chó mèo, không để chó mèo phóng uế ra môi trường xung quanh. Phân chó mèo phải được chôn lấp và bỏ đúng nơi quy định, mọi người tránh tiếp xúc với phân chó mèo.

Nếu nuôi chó mèo tiêm phòng dại chưa đủ cần tẩy giun sán định kỳ cho chó mèo. Khi tiếp xúc với đất, cát nhất là ở khu vực có nuôi chó mèo phải rửa bằng xà phòng thật sạch, đặc biệt là trẻ em.

Chó, mèo cũng cần được tắm rửa thường xuyên và không nên hôn hít, ôm hôn chúng. Bạn cũng cần phổ biến kiến thức cho mỗi thành viên trong gia đình rằng, hành động trên có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm các ký sinh trùng từ chó mèo.  

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại