Con bị nhiễm trùng vì mẹ tự chữa thủy đậu: BS Nhi "vạch mặt" những sai lầm khi chữa bệnh

Phạm An |

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, vừa qua bệnh viện này đã tiếp nhận hàng trăm ca trẻ em mắc bệnh thủy đậu. Trong đó, 24 bệnh nhi phải nhập viện do nhiễm trùng.

Trẻ nhỏ mắc bệnh thủy đậu nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Nhất là với trẻ dưới 1 tháng tuổi.

Bệnh thủy đậu đang "vào mùa"

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, chỉ trong vòng 1 tháng đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm trẻ em mắc bệnh thủy đậu. Trong đó có 24 trẻ bệnh nặng, nhiễm trùng phải nhập viện điều trị. Trẻ nhỏ nhất chỉ mới 20 ngày tuổi.

Bác sĩ Khanh cho biết thêm, từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm là "mùa" của bệnh thủy đậu. 

Hiện tại, bệnh này đang "vào mùa", bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp hay do tiếp xúc trực tiếp. Dịch tiết ra từ người bệnh có thể lây gián tiếp cho người khác qua các đồ vật.

Vì vậy bệnh dễ lây lan trong môi trường tập thể, cứ lây truyền đến khi nào lây hết cho những người xung quanh mới dừng lại. Trẻ em trong độ tuổi 2-8 có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Ngoài ra, thủy đậu lây lan rất nhanh trong trường học.

Trẻ mắc bệnh có biểu hiện chán ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng,… khoảng 2 ngày khi nhiễm bệnh, trên da sẽ xuất hiện các nốt ban đỏ, có mọng nước. Các nốt ban này bắt đầu ở vùng đầu, nốt ban nổi rất nhanh theo từng đợt. Trong vòng một ngày, ban đỏ sẽ lan ra toàn cơ thể người bệnh.

Cha mẹ khi chăm sóc trẻ cũng cần chú ý để tránh bị lây bệnh. Quần áo, khăn mặt, đồ dùng của người bệnh cần được ngâm giặt bằng xà phòng, phơi nắng,...

Nếu thấy nốt ban dạng nước đục thì vết thương đã có bội nhiễm vi khuẩn. Trẻ ho, sốt trở lại, đau đầu, nôn, chậm chạp hơn... thì phải đưa đến bệnh viện, vì có thể trẻ đã bị một trong các biến chứng hay gặp như viêm da, viêm phổi, viêm não, màng não.

Những quan niệm chữa bệnh thủy đậu sai lầm

Trong dân gian, bệnh thủy đậu thường được gọi là bệnh trái rạ (vì biểu hiện bệnh là những nốt nhỏ như gốc rạ). Khi trẻ bị mắc bệnh, một số phụ huynh vẫn còn quan niệm cho trẻ tắm gốc rạ, thậm chí lấy tro rạ cho trẻ uống.

Hành động này không chữa được bệnh mà vô tình càng khiến các vết thương bị nhiễm trùng nặng, gây ra nhiều biến chứng cho trẻ.

Bên cạnh đó, quan niệm kiêng ăn uống cho người bệnh càng khiến người mắc bệnh mệt mỏi, giảm sức đề kháng hơn. 

Người bệnh chỉ cần kiêng ăn đồ ngọt, không ăn các món mà cơ thể đã bị dị ứng trước đó. Với trẻ em mắc thủy đậu, người lớn nên cắt hết móng tay để đề phòng trẻ tự phá nốt ban nước, việc này sẽ gây sẹo sau khi lành bệnh.

Mới đây, bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận bé gái bị nhiễm trùng từ bệnh thủy đậu do mẹ của bé kiêng cữ cho bé theo kinh nghiệm dân gian. Khi thấy con bị bệnh, người mẹ đã kiêng ăn, lúc nào cũng trùm kín bé khiến các nốt ban càng xuất hiện nhiều hơn.

Con bị nhiễm trùng vì mẹ tự chữa thủy đậu: BS Nhi vạch mặt những sai lầm khi chữa bệnh - Ảnh 1.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cha mẹ nên tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ. Trẻ càng lớn, bệnh thủy đậu ở trẻ càng nặng.

Mẹ bé cho biết: "Khi thấy bé bị bệnh, người lớn khuyên không được cho bé ăn nhiều, không được ra gió, tắm rửa nên tôi làm theo. Con gái liên tục kêu đau, ngứa và mệt mỏi nhưng tôi chỉ động viên con mình ráng chịu. Đến khi bé sốt cao tôi đưa đến bệnh viện".

Hậu quả bé bị nhiễm trùng, luôn mệt mỏi và sốt cao phải nhập viện điều trị.

"Người bệnh chỉ cần kiêng những món ăn mà trước đó mình bị dị ứng. Ngoài ra đừng kiêng cữ, đừng tự điều trị theo những phương pháp truyền miệng thiếu cơ sở khoa học. 

Như việc trùm kín người sẽ gây ra nhiều mồ hôi, không tắm rửa, phá nốt ban sẽ làm cho các nốt ban bị nhiễm trùng. Thậm chí gây ra nhiễm trùng máu rất nguy hiểm", bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Để không bị sẹo thủy đậu, người bệnh tuyệt đối không phá vỡ nốt ban mà phải để các nốt ban này tự khô lại, bong ra và liền da. Việc phá nốt ban gây nhiễm trùng dẫn đến người bệnh bị sẹo lồi, lõm chằng chịt khắp cơ thể.

Bệnh thủy đậu chỉ gây biến chứng nặng theo cơ địa người bệnh, bé quá nhỏ, hay những em bé đang điều trị ung thư không may mắc bệnh sẽ bị biến chứng đến thận.

Theo bác sĩ Khanh, ở Việt Nam, việc tiêm ngừa bệnh thủy đậu còn chưa được người dân quan tâm. Vì vậy, khi bệnh này xuất hiện sẽ lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Nhất là với trẻ trong độ tuổi đến trường.

Đối với những người tiêm ngừa thủy đậu, bác sĩ Khanh khuyên rằng nên tiêm 2 mũi, mỗi mũi tiêm cách nhau ít nhất 3 tháng. Với những người đã từng bị nhiễm bệnh, thì không cần lo lắng vì bệnh này chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong đời.

Thuốc ngừa thủy đậu hiện nay có rất nhiều loại nhưng vẫn cùng một công thức nên người dân có thể chọn cho mình một mức giá phù hợp. 

Khi nghi ngờ bản thân bị thủy đậu, trong vòng 48 tiếng đầu, bạn có thể sử dụng thuốc đặc trị Acyclovir để giảm thiểu triệu chứng bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại