Mới đây, bệnh nhân N.T.T.B (61 tuổi, ngụ Bình Thuận) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 vì đau ngực.
Khai thác bệnh sử cho thấy khoảng 5 giờ sau khi bị một con ong (không rõ loại) đốt vào ngón 1 bàn tay phải, bệnh nhân bị đau bắt đầu từ ngón tay, bàn tay lan đến cánh tay phải và toàn bộ vùng ngực.
Theo lời kể của bệnh nhân, sau đó bà đã đến một tiệm thuốc tây để mua thuốc uống. “Khoảng 6 giờ sau, tôi xuất hiện triệu chứng khó thở khi nằm đầu thấp nên đã nhập viện một bệnh viện địa phương.”, bệnh nhân B cho biết.
Tại bệnh viện địa phương, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi hội chứng mạch vành cấp ST chênh lên và được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115, nhập khoa Tim mạch Tổng quát để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Bệnh nhân cấp cứu tại BV Nhân dân 115 trong tình trạng đau ngực dữ dội, khó thở, có xuất hiện tình trạng suy tim cấp, được xác định bị hồi máu cơ tim cấp ST chênh lên vùng trước rộng giờ 22, killip II sau ong đốt. Sau 7 ngày được điều trị nội khoa tích cực và theo dõi sát, hiện tình trạng bệnh nhân đã ổn định.
Theo Bác sĩ Châu Minh Thông – khoa Tim mạch Tổng quát, BV Nhân dân 115, ong đốt là một tai nạn thường gặp ở những vùng nông thôn và thường gặp nhất vào mùa hè. Biến chứng thường gặp nhất là sưng, đau và phù nề nơi vết đốt, các biến chứng nặng hơn như: suy thận cấp, tán huyết, tiểu Myoglobin do tiêu cơ vân, suy đa cơ quan…
“Trong khi đó nhồi máu cơ tim là một biến chứng hiếm gặp nhưng là bệnh cảnh cấp tính, tỷ lệ tử vong cao, diễn tiến phức tạp. Bệnh thường xảy ra phần lớn ở các bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ tim mạch cao, nhiều bệnh lý nền tim mạch. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp xảy ra nhồi máu cơ tim bị ong đốt ở bệnh nhân trẻ, nguy cơ tim mạch rất thấp được ghi nhận.”, BS Thông nói.
Do đó, BS Thông cảnh báo đối với các trường hợp sau khi bị ong đốt, triệu chứng đau ngực ở bệnh nhân cần được xem xét cẩn thận, thực hiện các phương pháp cận lâm sàng cần thiết để loại trừ nhồi máu cơ tim.