Sốt xuất huyết không chừa một ai, trẻ nhũ nhi cũng mắc bệnh
Chị Thế Thị Thu Trang (ở Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội) đã cho con trai vào BV Nhi Trung ương điều trị được 8 ngày, đến nay con chị vẫn mệt nhiều, dưới da xuất hiện nhiều chấm xuất huyết và không ăn được. “Con mắc bệnh đúng vào dịp đầu năm học mới, hôm khai giảng không tham dự được nên rất cháu rất buồn”, chị Trang cho hay.
Chị Trang kể, từ ngày 31/8, chị thấy con có biểu hiện sốt cao, có khi lên đến 41 độ, nôn vài lần trong ngày. Cho bé uống thuốc hạ sốt thì chỉ hạ được ít. Thấy vậy, chị cho con đến BV huyện Đan Phượng thăm khám và được chẩn đoán là sốt xuất huyết. Điều trị tại đây 2 ngày, cháu không đỡ nên gia đình xin chuyển lên BV Nhi TW.
Ngoài đứa con trai lớn đang điều trị tại viện, trong gia đình chị Trang còn một đứa con nhỏ 4 tuổi cũng mắc bệnh nhưng nhẹ hơn. Ngoài ra, bố chị Trang cũng ở Tân Hội hiện đang bị sốt xuất huyết.
Trẻ bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm Các bệnh nhiệt đới, BV Nhi Trung ương
Con trai chị Trang chỉ là một trong nhiều trẻ hiện đang điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm các bệnh nhiệt đới- BV Nhi Trung ương.
Thông kê cho biết, tại Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 60 ca mắc sốt xuất huyết, chủ yếu là mắc ở thời điểm tháng 8 và tháng 9.
“Hiện tại khoa đang điều trị cho 6-7 trường hợp mắc sốt xuất huyết, dự kiến con số có thể tăng lên trong những ngày tới do đây đang là thời điểm mùa mưa”- TS Nguyễn Văn Lâm - Giasm đốc Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết.
TS Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm, trong số các trẻ nhập viện điều trị sốt xuất huyết rất đa dạng về độ tuổi, may mắn là hiện chưa có trường hợp nào trẻ nguy kịch hay tử vong. Thậm chí có nhiều trẻ nhũ nhi cũng đã nhập viện do mắc căn bệnh này.
Điển hình là trường hợp cháu bé mới 5-6 ngày tuổi đã mắc sốt xuất huyết. Nguyên nhân có thể do mẹ mắc sốt xuất huyết sau đó bị muỗi đốt, con muỗi đó lại đốt sang người trẻ khiến trẻ bị mắc bệnh. “Đối với những trẻ nhũ nhi dù mới được vài ngày tuổi nhưng trẻ không có biến chứng nặng như những trẻ lớn hơn”- TS Lâm chia sẻ.
TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, bệnh nhân sốt xuất huyết không tăng. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm ghi nhận hơn 60 ca sốt xuất huyết, tập trung nhiều chủ yếu vào tháng 8, 9.
Phụ huynh tuyệt đối không tự ý dùng ibuprofen hạ sốt cho trẻ
TS Nguyễn Văn Lâm cho hay, khi trẻ có biểu hiện sốt kèm theo mệt mỏi, chán ăn, phát ban, nguyên tắc đầu tiên các gia đình cần phải xem nguyên nhân sốt của trẻ để tìm cách hạ sốt cho tốt. Do đó, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, theo dõi và chẩn đoán bệnh.
TS Lâm lưu ý, hiện nay nhiều bậc phụ huynh cho con hạ sốt chưa đúng cách. Thí dụ như, khi con sốt xuất huyết, tuyệt đối không cho hạ sốt bằng thuốc Ibprofen vì đây là nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện cấp cứu.
"Chúng tôi đã tiếp nhận trường hợp trẻ bị xuất huyết tiêu hóa nặng khi bị sốt xuất huyết, khi vào viện khai thác tiền sử gia đình mới biết, phụ huynh tự ý cho dùng ibuprofen. Vì thế, chúng tôi khuyến cáo tuyệt đối không nên dùng loại thuốc này cho trẻ bị sốt xuất huyết”, TS Lâm cảnh báo.
TS Lâm nhấn mạnh: Trẻ sốt xuất huyết chỉ cần hạ sốt bằng thuốc paracetamol thông thường.
Sốt xuất huyết do virus gây nên bệnh khởi phát cũng giống như các bệnh nhân nhiễm trùng khác: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau người, sang ngày 2-3 sốt cao, ban xuất huyết, đau bụng, nôn ói, kém ăn, rối loạn ý thức. Trong những trường hợp nặng có thể có biểu hiện sốc do mất dịch.
Do đó, việc bù dịch cho con cũng rất quan trọng nhưng phải bù đúng cách. “Giai đoạn sau ngày thứ 5-6 của sốt, trẻ sẽ tái hấp thu nên nếu bù dịch không đúng theo phác đồ thành thừa dịch, gây tràn dịch đa màng, có thể làm trẻ khó thở do bù dịch không đúng”, BS Lâm khuyến cáo.
Cuối cùng để phòng sốt xuất huyết, vấn đề gốc dễ là vệ sinh nơi ở bằng cách không tích trữ nước mưa, lật úp các đồ dùng có thể chứa nước đọng, ngủ mắc màn, diệt loăng quăng, bọ gậy…