Cố tình để S-400 Nga “thử lửa” tiêm kích F-16, Thổ Nhĩ Kỳ khiến Mỹ lộ "tử huyệt" của siêu vũ khí?

Vũ Thu Hương |

Dùng các tiêm kích do Mỹ sản xuất để thử nghiệm khả năng hoạt động của hệ thống phòng thủ S-400 mà Nga cung cấp, Thổ Nhĩ Kỳ đang hướng đến mục tiêu gì?

Theo TASS, Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm hệ thống phòng thủ tân tiến S-400 của Nga với các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất vào tháng 11/2019. Thông tin này có được từ nguồn tin thân cận với ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ hôm qua.

Trước đó, cùng ngày, một số phương tiện truyền thông dẫn tin từ cổng thông tin Fighter Jets World cho hay, các hệ thống tên lửa do Nga sản xuất đã được thử nghiệm với máy bay Mỹ.

Cổng thông tin cũng công bố một đoạn video của TRT của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy sự xuất hiện của các hệ thống tên lửa S-400 của Nga và máy bay F-16 và F-4 do Mỹ sản xuất.

Cố tình để S-400 Nga “thử lửa” tiêm kích F-16, Thổ Nhĩ Kỳ khiến Mỹ lộ tử huyệt của siêu vũ khí? - Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ S-400 của Nga khiến quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào căng thẳng

"Các cuộc thử nghiệm này diễn ra vào tháng 11 năm ngoái", nguồn tin chia sẻ với TASS bình luận, khi được hỏi ý kiến về các thông tin trên.

Vào ngày 25/11/2019, CNN Turk cho biết nhiều máy bay gồm cả F-16 đã được điều khiển bay tới gần Ankara để thử nghiệm tên lửa S-400. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm khả năng liên lạc giữa các hệ thống phòng không và máy bay trong các cuộc tập trận đó.

Theo trang web Fighter Jets World, hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 mà Nga chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ đang được đặt ở căn cứ không quân Murted, đã được tiến hành thử nghiệm năng lực chiến đấu khi "chạm mặt" với các tiêm kích F-16 Viper và F-4 Phantom II do Mỹ sản xuất.

Cũng theo Fighter Jets World, hệ thống S-400 đã phát hiện các chiến đấu cơ được dùng trong cuộc thử nghiệm khi chúng xuất hiện gần căn cứ không quân Murted, cũng như gần các radar chuyên phát hiện những mục tiêu trên không di chuyển tốc độ cao.

Cuộc thử nghiệm mà Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành được cho sẽ còn kéo dài tới ngày 26/11. Cho tới nay, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng chưa công bố bất cứ thông tin nào liên quan tới các cuộc thử nghiệm đối với S-400.

Hồi tháng 11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ được cho đã tiến hành thử nghiệm hệ thống phòng không S-400 trước các tiêm kích F-16 bay trên bầu trời thủ đô Ankara.

Trong khi đó, Nga cho hay vào tháng 9/2017, Moscow đã ký hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD để cung cấp hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Lô hàng đầu tiên theo hợp đồng đã được chuyển đến Ankara bằng đường hàng không vào tháng 7/2019.

Mỹ và NATO đã tìm cách phá vỡ thỏa thuận này. Nhà Trắng tuyên bố hồi giữa tháng 7 rằng "quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga cho thấy những liên quan của S-400 đến F-35 là điều không nên có".

Tuy nhiên,Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết không từ bỏ thương vụ mua S-400 của Nga. Nhà Trắng đã ra tuyên bố tạm thời loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất tiêm kích F-35, cũng như dừng chuyển giao các tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 này cho Ankara vì thương vụ S-400.

S-400 Triumph của Nga mà NATO gọi là SA-21 Growler được thiết kế để tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa tầm trung và cũng có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu mặt đất. Tầm bắn đạt 400 km, hệ thống S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao tới 35 km.

Mỹ lo ngại lộ "tử huyệt"?

Trước đó, trong năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ từng tiến hành hoạt động tương tự và vấp phải sự phản đối của Mỹ.

Cố tình để S-400 Nga “thử lửa” tiêm kích F-16, Thổ Nhĩ Kỳ khiến Mỹ lộ tử huyệt của siêu vũ khí? - Ảnh 3.

Dù không công khai, nhưng Mỹ đã từng phải giới hạn hoạt động của các máy bay tàng hình F-22 Raptor và F-35 Lightning II tại Syria do sự xuất hiện của các tổ hợp tên lửa phòng không S-300VM và S-400 của Nga triển khai ở các căn cứ Tartus và Hmeymim.

Bởi vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố thử nghiệm S-400 rất có nguy cơ làm lộ lọt các thông tin về đặc điểm mẫu tín hiệu khi hoạt động của máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ.

Mỹ cũng đánh giá rất cao khả năng phòng thủ của tổ hợp S-400 và coi sự phổ biến của dòng vũ khí phòng không hiện đại này sẽ khiến thị trường xuất khẩu máy bay F-35 bị thu hẹp.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ triển khai và tích hợp thành công tổ hợp S-400 vào hệ thống phòng không nội địa sẽ tạo tiền lệ cho các quốc gia Cận Đông mua sắm vũ khí phòng không của Nga, khi các tổ hợp tên lửa Patriot đắt tiền của Mỹ đã có những màn thể hiện không mấy ấn tượng ở Saudi Arabia, Israel.

Chính vì các lý do trên, Mỹ bằng nhiều cách khác nhau cố gắng ngăn cản việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu và đưa vào trang bị S-400, thậm chí là đe dọa trừng phạt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại