Cơ thể thiếu kẽm sẽ xảy ra những vấn đề không nhỏ với sức khỏe mọi lứa tuổi

Thu Vân |

Vi chất mặc dù cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu chúng lại gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Một trong những vi chất quan trọng đó là kẽm - chất dinh dưỡng cần cho mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Kẽm là một vi chất dinh dưỡng hỗ trợ sự phát triển trong thời thơ ấu và hệ thống miễn dịch . Mức kẽm thấp có thể làm tăng nguy cơ bệnh tật và ốm đau của một người.

Cơ thể cần kẽm nhưng cơ thể không sản xuất kẽm một cách tự nhiên được mà thu nhận thông qua các thực phẩm hoặc chất bổ sung. Vậy, kẽm có tác dụng gì?

1. Vai trò của kẽm trong cơ thể 

Kẽm là vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với nhiều chức năng sinh học và cần thiết cho hoạt động hơn 300 enzym trong cơ thể con người. Đặc biệt là đối với hệ miễn dịch , giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và chống lại nhiễm trùng.

Chất dinh dưỡng này tham gia vào rất nhiều thành phần các enzym trong cơ thể, giúp tăng tổng hợp protein, phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng, tăng cảm giác ngon miệng nên rất quan trọng đối với trẻ em.

Kẽm giúp phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành, giúp bảo vệ vị giác và khứu giác và cần thiết cho sự tổng hợp DNA. Thiếu kẽm, sự chuyển hóa của các tế bào vị giác bị ảnh hưởng, gây biếng ăn do rối loạn vị giác.

Không chỉ có tác dụng với thể chất, tình trạng thiếu kẽm còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần, làm dễ nổi cáu. Nguyên nhân do kẽm giúp vận chuyển canxi vào não, mà canxi là một trong những chất quan trọng giúp ổn định thần kinh.

Cơ thể thiếu kẽm sẽ xảy ra những vấn đề không nhỏ với sức khỏe mọi lứa tuổi - Ảnh 1.

Kẽm có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự tăng trưởng ở trẻ em. Ảnh minh họa

1.1. Đối với phụ nữ mang thai và trẻ em

Trong các vi chất dinh dưỡng, kẽm là một vi khoáng được chứng minh có vai trò quan trọng đặc biệt cho phát triển chiều cao , cơ bắp, thần kinh và miễn dịch của trẻ những năm đầu đời.

Kẽm đặc biệt quan trọng trong quá trình mang thai, phát triển của thai nhi, cần thiết cho tế bào đang trong quá trình phát triển nhanh. Kẽm rất quan trọng trong việc kích hoạt tăng trưởng chiều cao, cân nặng và phát triển xương ở trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên.

Nếu thiếu kẽm cơ thể sẽ chậm và ngừng phát triển, sự phân chia tế bào sẽ khó xảy ra nên ảnh hưởng trầm trọng đến sự tăng trưởng.

Trẻ em thiếu kẽm thường biếng ăn, còi cọc và chậm lớn . Các nghiên cứu trên động vật cho thấy, có hiện tượng gián đoạn quá trình nhân đôi của các tế bào phôi trong thời kỳ bào thai, dẫn đến sự khiếm khuyết về sự tăng trưởng của bào thai và tỷ lệ quái thai cao ở các động vật chịu một chế độ ăn thiếu kẽm trong thời kỳ mang thai. Vì vậy, để trẻ có chiều cao tốt thì trong chế độ ăn của bà mẹ từ lúc có thai cho đến chế độ ăn của con sau khi sinh đều phải có đầy đủ kẽm.

Cơ thể thiếu kẽm sẽ xảy ra những vấn đề không nhỏ với sức khỏe mọi lứa tuổi - Ảnh 2.

Trẻ em thiếu kẽm thường biếng ăn, chậm lớn.

1.2. Đối với nam giới

Kẽm đóng vai trò quan trọng đối với chức năng sinh sản, là khoáng chất quan trọng trong quá trình sinh ra các nội tiết tố tuyến giáp. Ở nam giới, nếu quá trình này bị gián đoạn sẽ dẫn đến giảm lượng kích thích tố sinh dục nam.

Kẽm giúp duy trì số lượng và tính di động của tinh trùng và mức độ bình thường của testosterone trong huyết thanh.

Hàm lượng kẽm cũng có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tuyến tiền liệt, sự phát dục, khả năng tình dục của nam giới. Nó cần thiết cho cấu tạo thành phần hoạt động của hormon sinh dục nam testosteron và đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp, cấu trúc, bài tiết nhiều hormon khác.

Kẽm đặc biệt quan trọng trong quá trình sản xuất tinh trùng. Hầu hết các trường hợp giảm lượng tinh trùng và kích thích tố sinh dục nam thấp là do thiếu kẽm. Thiếu hụt kẽm ở nam giới có thể dẫn tới giảm lượng tinh trùng và tần xuất tình dục. Sự xuất tinh thường xuyên có thể dẫn tới thiếu hụt kẽm. Có tới 5mg kẽm bị mất đi trong quá trình xuất tinh. Mất đi một lượng nhỏ kẽm có thể khiến nam giới sụt cân, giảm khả năng tình dục và có thể mắc bệnh vô sinh.

Đối với tuyến tiền liệt, hàm lượng kẽm tập trung nhiều ở tinh dịch và tuyến tiền liệt hơn bất cứ phần nào trong cơ thể. Thiếu kẽm có thể dẫn đến phì đại tuyến tiền liệt và những thay đổi khác ở tuyến sinh dục quan trọng này.

Hơn nữa, kẽm còn có khả năng kích thích việc sản sinh ra một loại protein có tác dụng làm "tê liệt" cadmium - một tác nhân nguy hiểm gây bệnh ung thư tiền liệt tuyến.

Cơ thể thiếu kẽm sẽ xảy ra những vấn đề không nhỏ với sức khỏe mọi lứa tuổi - Ảnh 3.

Thiếu hụt kẽm ở nam giới có thể làm giảm khả năng tình dục.

1.3. Đối với người cao tuổi

Ở người cao tuổi, chức năng miễn dịch suy giảm làm tăng tính nhạy cảm với viêm phổi và cúm. Ngoài ra còn làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh tự miễn và ung thư.

Bên cạnh đó, do suy giảm chức năng do tuổi tác, hệ tiêu hóa của người cao tuổi hoạt động kém hơn dẫn đến việc tiêu hóa và hấp thụ thức ăn không còn như trước khiến cho lượng kẽm trong cơ thể thường không được cung cấp đủ.

Nghiên cứu đã cho thấy, duy trì lượng kẽm đầy đủ có thể hạn chế sự suy giảm chức năng miễn dịch thường xảy ra theo tuổi tác. Vì vậy, chế độ ăn uống giàu chất kẽm giúp người cao tuổi cải thiện hệ miễn dịch. Đặc biệt, việc duy trì tình trạng kẽm đầy đủ có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa viêm phổi ở người cao tuổi.

2. Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu kẽm

Vì kẽm có liên quan đến nhiều chuyển hóa quan trọng trong cơ thể nên các triệu chứng và hội chứng của thiếu kẽm mức độ nhẹ thường đa dạng và rất thay đổi. Các triệu chứng và hội chứng cơ bản và không đặc trưng bao gồm:

‎- Chậm tăng trưởng  ‎

- Rụng tóc ‎ 

- Tiêu chảy ‎

- Trì hoãn sự trưởng thành sinh dục và mất khả năng sinh sản  ‎

- Tổn thương da và mắt  ‎

- Giảm ngon miệng...

- Thiếu kẽm thường khiến trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao.

- Thiếu kẽm gây rối loạn giấc ngủ (trằn trọc khó ngủ, mất ngủ), thức giấc nhiều lần trong đêm, trẻ khóc đêm kéo dài; suy nhược thần kinh (đau đầu, thần kinh dễ bị kích thích, giảm trí nhớ); rối loạn cảm xúc, trầm cảm, thay đổi tính tình; có thể suy yếu hoạt động của não, rối loạn vị giác và khứu giác, chậm phát triển tâm thần vận động...

- Suy giảm khả năng miễn dịch: nhiễm trùng tái diễn ở đường hô hấp, viêm đường tiêu hóa, viêm da, mụn bỏng, mụn mủ, viêm niêm mạc.

- Thiếu kẽm còn gây khô da, viêm da vùng mặt trước hai chi dưới, nám da, bong da, dày sừng và nứt gót da hai bên, viêm niêm mạc miệng, viêm lưỡi, vết thương lâu lành, dị ứng, loạn dưỡng móng, viêm mé móng, tóc giòn dễ gãy, hói tóc.

- Gây tổn thương mắt: sợ ánh sáng, mất khả năng thích nghi với bóng tối, mù đêm, quáng gà, khô mắt, loét giác mạc.

- Da ngứa ngáy: các triệu chứng kèm theo là vết thương khó lành và "hạt gạo" trên móng tay. Tình trạng này là do thiếu kẽm, chất giúp tạo ra các tế bào và enzyme mới cũng như cần cho việc làm lành vết thương.

- Bệnh nặng kích thích thần kinh, rối loạn nhận thức, mắc chứng ngủ lịm, chậm phát triển tâm thần vận động.

- Thiếu kẽm có thể gây chậm phát triển giới tính, giảm khả năng tuyến sinh dục, ít tinh trùng, bệnh bất lực, suy dinh dưỡng nặng, chứng lùn...

Cơ thể thiếu kẽm sẽ xảy ra những vấn đề không nhỏ với sức khỏe mọi lứa tuổi - Ảnh 4.

Thiếu kẽm gây khô da, loạn dưỡng móng, viêm mé móng.

3. Cơ thể chúng ta cần bao nhiêu kẽm mỗi ngày? 

- Nhu cầu kẽm ở trẻ dưới 1 tuổi khoảng 5m/ngày. 

- Trẻ 1-10 tuổi khoảng 10mg/ngày. 

- Thanh thiếu niên và người trưởng thành khoảng 15mg/ngày đối với nam và 12mg/ngày đối với nữ. 

- Phụ nữ mang thai cần 15mg/ngày. 

- Phụ nữ cho con bú 6 tháng đầu cần 19mg và cho con bú lúc 6-12 tháng cần 16mg kẽm mỗi ngày. 

- Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò. 

4. Cách bổ sung kẽm hiệu quả và an toàn nhất

Không có bằng chứng về các tác động bất lợi của việc tiêu thụ dư thừa kẽm từ thức ăn tự nhiên. Vì vậy cách an toàn và hiệu quả nhất để cung cấp đủ kẽm cho cơ thể là thông qua chế độ ăn uống hằng ngày.

Chất kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường chứa ít kẽm và có giá trị sinh học thấp do khó được hấp thu. Nguồn thức ăn nhiều kẽm từ động vật như: sò, hàu, thịt bò, cừu, gà và lợn nạc, sữa, trứng, cá, tôm, cua…

Cơ thể thiếu kẽm sẽ xảy ra những vấn đề không nhỏ với sức khỏe mọi lứa tuổi - Ảnh 5.

(Theo Viện Dinh dưỡng)

Để bổ sung kẽm đúng cách cho cơ thể, chúng ta cần thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn đa dạng thực phẩm, sử dụng thực phẩm giàu kẽm, thay đổi những thói quen ăn uống có lợi cho hấp thu kẽm… Cụ thể:

- Cần phối hợp nhiều loại thực phẩm từ 4 nhóm thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày: nhóm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

- Chế độ ăn cần cung cấp đủ năng lượng và các thực phẩm giàu sắt/kẽm. Khuyến khích sử dụng các thực phẩm giàu kẽm từ động vật như: hàu, sò, cua thịt, cá… Các thức ăn này không chứa chất ức chế hấp thu kẽm (và sắt).

- Tăng cường sử dụng thực phẩm có nhiều vitamin C như rau và trái cây tươi để thúc đẩy khả năng hấp thụ sắt/kẽm.

- Sử dụng các cách chế biến thực phẩm như nảy mầm (giá đỗ), lên men (dưa chua...) vì các quá trình này làm tăng hàm lượng vitamin C và giảm axit phytic trong thực phẩm, do vậy làm tăng hấp thu sắt/ kẽm từ khẩu phần.

- Thay đổi một số thói quen ăn uống có thể làm tăng hấp thu kẽm từ khẩu phần như uống nước chè 1-2 giờ sau ăn.

- Nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý là biện pháp tốt nhất phòng chống thiếu kẽm ở trẻ nhỏ. Vì vậy, các bà mẹ sau sinh nên cho con bú sớm trong vòng nửa giờ đầu sau khi sinh, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi và tiếp tục cho bú tới 24 tháng tuổi.

Cơ thể thiếu kẽm sẽ xảy ra những vấn đề không nhỏ với sức khỏe mọi lứa tuổi - Ảnh 6.

Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật.

5. Vai trò của kẽm trong việc rút ngắn thời gian bị bệnh đường hô hấp và giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Úc tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe NICM, Đại học Western Sydney cho thấy, kẽm có thể giúp rút ngắn thời gian mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như: cảm lạnh, cúm, viêm xoang và viêm phổi...

Các nhà khoa học đã xem xét các thử nghiệm lâm sàng bao gồm hơn 5.400 người trưởng thành tham gia và nhận thấy, so với giả dược, người dùng viên ngậm kẽm hoặc thuốc xịt mũi được ước tính có thể ngăn ngừa khoảng 5 ca nhiễm trùng đường hô hấp mới trong 100 người mỗi tháng và tác dụng mạnh nhất là giảm nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như cảm lạnh và bệnh giống cúm.

Đối với trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19, các nhà nghiên cứu thuộc Bệnh viện Del Mar ở Barcelona, Tây Ban Nha cũng phát hiện ra rằng những bệnh nhân COVID-19 nhập viện với nồng độ kẽm trong máu thấp có xu hướng tiến triển tình trạng sức khỏe xấu hơn những người có mức độ kẽm trong máu ổn định.

Các nhà khoa học cho biết: Nồng độ kẽm trong máu cao hơn có liên quan đến mức protein chống viêm khi bệnh nhân bị nhiễm trùng. Nghiên cứu giúp mở ra hướng đi mới trong đánh giá tác động và điều trị hiệu quả đối với các bệnh nhân mắc COVID-19.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại