Cơ thể phải đối mặt với những nguy cơ sức khỏe nào ở tuổi 50?

Châu Anh |

Hiểu được những thay đổi của cơ thể ở tuổi 50 để yêu bản thân hơn và có những thay đổi để quá trình lão hóa khỏe mạnh.

Dưới đây là những thông tin về sự thay đổi sức khỏe ở tuổi 50, lời khuyên để duy trì lão hóa khỏe mạnh cũng như các bất thường cần thăm khám bác sĩ sớm.

1. Sức khỏe não bộ

Ở tuổi 50, bộ não của bạn đã có dấu hiệu "co lại". Vỏ não - lớp ngoài của não - trở nên mỏng hơn, vỏ myelin bao quanh các sợi tế bào thần kinh có thể bắt đầu thoái hóa và các thụ thể không hoạt động nhanh nữa. Lúc này bạn có thể nhận thấy những thay đổi trong chức năng nhận thức bao gồm suy nghĩ chậm lại; khả năng ghi nhớ, thực hiện theo yêu cầu, tốc độ xử lý có thể giảm sút.

Các thay đổi đột ngột về hormone cũng có thể đóng góp vào những thay đổi nhận thức. Ví dụ, phụ nữ bắt đầu trải qua mãn kinh/tiền mãn kinh và nam giới bắt đầu đến thời kì mãn dục. Ở tuổi 50, mọi người cũng thường nhận thấy lượng mỡ tích tụ nhiều hơn, điều này có liên quan đến sự suy giảm nhận thức.

Hãy thăm khám bác sĩ nếu các thay đổi về trí nhớ chẳng hạn như hay quên, khó khăn trong giao tiếp cản trở hoạt động hàng ngày của bạn. Điều đó không có nghĩa là bạn mắc bệnh Alzheimer hoặc một loại bệnh mất trí nhớ khác, nhưng bác sĩ chuyên khoa có thể giúp thu hẹp nguyên nhân và đề xuất bất kỳ phương pháp điều trị tiềm năng nào để thay đổi chất lượng cuộc sống cho bạn.

Cơ thể phải đối mặt với những nguy cơ sức khỏe nào ở tuổi 50?- Ảnh 1.

Ở tuổi 50, bộ não của bạn đã có dấu hiệu "co lại" (Ảnh: Internet)

2. Sức khỏe tinh thần

Theo WebMD, có gần 95% những người từ 50 tuổi trở lên nói rằng họ “hài lòng” hoặc “rất hài lòng” với cuộc sống của mình. Nhưng ở phụ nữ, sự suy giảm hormone estrogen, mà cụ thể là estradiol trong thời kỳ mãn kinh có thể gây ra những thay đổi về tâm trạng.

Nếu kết hợp với chứng nghiện rượu, nguy cơ trầm cảm sẽ tăng lên. Để đối phó với những thay đổi tâm trạng thất thường, hãy dành thời gian di chuyển/hoạt động nhiều hơn, thay vì ngồi hàng giờ một chỗ bởi theo WebMD, rủi ro gia tăng các vấn đề sức khỏe tinh thần ở tuổi 50 tăng lên nếu bạn ngồi nhiều hơn 7 giờ mỗi ngày và không tập thể dục.

Các dấu hiệu trầm cảm nghiêm trọng cần thăm khám bác sĩ bao gồm: Tâm trạng chán nản gần như mỗi ngày; không thấy hứng thú với các hoạt động yêu thích trước đó; chán ăn, sụt cân hoặc thèm ăn tăng lên, tăng cân; mất ngủ thường xuyên hơn; thường bị kích động, cáu kỉnh; mệt mỏi và mất năng lượng; suy giảm khả năng ghi nhớ, tập trung, quyết định và đặc biệt là thường xuyên có suy nghĩ về cái chết hay ý định tự tử.

Cơ thể phải đối mặt với những nguy cơ sức khỏe nào ở tuổi 50?- Ảnh 2.

Ở phụ nữ, sự suy giảm hormone estrogen trong thời kỳ mãn kinh có thể gây ra những thay đổi về tâm trạng (Ảnh: Internet)

3. Hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch ở tuổi 50 dường như hoạt động chậm hơn trong việc phát hiện các virus xâm nhập từ bên ngoài vào cơ thể và cũng có khả năng tự "tấn công" lại bản thân. Quá trình lão hóa tự nhiên khiến cơ thể cũng không tạo ra nhiều kháng thể để chiến đấu và tiêu diệt các tác nhân nhiễm trùng như tuổi 25, phục hồi sau chấn thương cũng chậm hơn và do đó mà ở tuổi 50, nhiều người có nguy cơ mắc các bệnh cúm, viêm phổi hoặc uốn ván hơn.

Dấu hiệu hệ miễn dịch suy yếu cần thăm khám sớm bao gồm: Hay bị sốt, sốt tái đi tái lại mà không rõ nguyên nhân; mệt mỏi kéo dài không có lý do; dễ bị bầm tím hoặc chảy máu; hồi phục chậm sau ốm hoặc chấn thương; tiêu chảy và táo bón kéo dài; vết thương lâu lành; dễ bị dị ứng và có các phản ứng dị ứng quá mẫn.

Để nâng cao miễn dịch khi bước vào tuổi 50, điều quan trọng là bạn cần tiêm vaccine đúng lịch để giảm rủi ro tiến triển nặng nếu mắc các bệnh nhiễm trùng; có chế độ dinh dưỡng cân đối; tập thể dục thường xuyên; ngủ đủ giấc; hạn chế stress; bỏ thuốc và rượu bia, thuốc lá; duy trì cân nặng ổn định;...

4. Thính giác

Có tới 40% số người trên 50 tuổi bị suy giảm thính lực. Ở tuổi 50, thính giác có thể bắt đầu suy giảm do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, do gen hoặc hệ quả của một số vấn đề sức khỏe như huyết áp cao, các vấn đề về tim và tiểu đường. Việc suy giảm thính lực thường xảy ra từ từ và có thể khó nhận biết ở giai đoạn đầu. Các tần số cao thường là tình trạng đầu tiên bị ảnh hưởng, khiến cho việc nghe những âm thanh nhỏ như tiếng chuông, tiếng lá rơi hoặc ngôn ngữ có âm sắc cao trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, người trong độ tuổi này cũng có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt các âm thanh khi có tiếng ồn nền.

Dấu hiệu nguy hiểm ở thính giác cần thăm khám sớm bao gồm: đột ngột mất thính lực hoặc mất thính lực nghiêm trọng, ù tai kéo dài, tiếng ồn trong tai không biến mất, chóng mặt hoặc mất thăng bằng và tiếng vọng hoặc nghe âm thanh méo mó.

5. Xương

Khi bạn còn trẻ, cơ thể bạn sẽ thay thế các tế bào xương bị bào mòn bằng những tế bào mới khỏe mạnh hơn. Ở độ tuổi 50, xương có thể bắt đầu mất đi sự dẻo dai và giảm khối lượng xương, dễ gây ra tình trạng loãng xương. Quá trình tái tạo xương diễn ra chậm lại, khiến xương trở nên yếu và dễ gãy hơn.

Cơ thể phải đối mặt với những nguy cơ sức khỏe nào ở tuổi 50?- Ảnh 3.

Ở độ tuổi 50, xương có thể bắt đầu mất đi sự dẻo dai và giảm khối lượng xương (Ảnh: Internet)

Điều này đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh do sự sụt giảm hormone estrogen có tác động tiêu cực đến mật độ xương. Để duy trì sức khỏe xương, việc bổ sung canxi và vitamin D cùng với việc tập thể dục thường xuyên là rất quan trọng.

Dấu hiệu xương suy yếu cần thăm khám bác sĩ bao gồm đau nhức xương, giảm chiều cao theo thời gian, dễ bị gãy xương, đặc biệt là gãy xương từ những chấn thương nhẹ, hạn chế khả năng vận động và các triệu chứng như yếu cơ, liệt và chuột rút.

6. Cơ bắp

Sau tuổi 50, cơ thể bạn bắt đầu mất cơ với tốc độ nhanh hơn. Sức mạnh thể chất của bạn cũng có thể yếu đi. Sự sụt giảm trong sản xuất hormone, như testosterone ở nam giới và estrogen ở phụ nữ, cũng ảnh hưởng đến khả năng duy trì và phát triển cơ bắp. Ngoài ra, tỷ lệ chuyển hóa cơ bản giảm dẫn đến tăng nguy cơ tích tụ mỡ thay vì cơ.

Cách tốt nhất để ngăn chặn tình trạng trượt dốc này là nâng tạ hoặc thực hiện các bài tập rèn luyện sức mạnh như squat 2 đến 3 lần một tuần. Bạn không chỉ xây dựng được khối lượng cơ nạc nhiều hơn mà còn cải thiện cảm giác giữ thăng bằng, điều này sẽ rất hữu ích khi bạn già đi.

7. Khớp

Các mô và sụn đệm khớp của bạn bắt đầu mỏng hơn theo thời gian và bạn sẽ cảm nhận được tác động của điều này khi ở tuổi 50 và đôi khi nam giới có thể nhận thấy các triệu chứng suy giảm chức năng sụn khớp sớm hơn.

Nói cách khác, sự thoái hóa của sụn khớp có thể xảy ra làm giảm khả năng bôi trơn và tăng tình trạng ma sát khi khớp vận động, gây ra cảm giác đau nhức và cứng khớp. Cơ cũng mất dần sức mạnh và sự đàn hồi, ảnh hưởng đến hoạt động và sự ổn định của khớp.

Việc duy trì lối sống lành mạnh như uống đủ nước, giữ cân nặng ở mức ổn định và tập thể dục đều đặn có thể giúp giảm bớt những thay đổi này, giảm gánh nặng và duy trì sức khỏe cho khớp.

Cơ thể phải đối mặt với những nguy cơ sức khỏe nào ở tuổi 50?- Ảnh 4.

Các mô và sụn đệm khớp của bạn bắt đầu mỏng hơn theo thời gian (Ảnh: Internet)

8. Trái tim

Khi bạn bước sang tuổi 50, nguy cơ bị đau tim sẽ tăng lên. Trái tim có thể trải qua một số thay đổi do quá trình lão hóa tự nhiên. Các mạch máu có thể cứng lại hoặc hẹp đi, giảm sự linh hoạt và tăng áp lực lên trái tim. Cơ tim có thể dày lên và khả năng bơm máu của trái tim có thể giảm.

Điều này có thể dẫn tới các vấn đề như huyết áp cao, rối loạn nhịp tim và nguy cơ mắc bệnh tim mạch khác cao hơn. Việc duy trì lối sống lành mạnh và kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể giúp giảm thiểu rủi ro và duy trì sức khỏe tim mạch.

9. Tóc

Khi bước sang tuổi 50, tóc của bạn có thể bắt đầu mỏng và rụng dần, tóc dễ gãy hơn và mọc tóc chậm hơn, đặc biệt là ở nam giới. Tóc cũng có thể chuyển dần sang màu xám hoặc bạc trắng do giảm sản xuất melanin.

10. Da

Ở tuổi 50, da thường có những thay đổi đáng kể do quá trình lão hóa tự nhiên. Sự sản xuất collagen và elastin giảm dần làm cho da mất đi độ đàn hồi và trở nên nhăn nheo hơn. Ngoài ra, da cũng mỏng đi, dễ bị tổn thương và chậm lành hơn khi có thương tích.

Sự thay đổi trong hormone, đặc biệt là giảm estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh, cũng có thể dẫn đến khô da và tiêu biến mỡ dưới da, khiến khuôn mặt trở nên hóp hơn, chảy xệ hơn.

Các tổn thương do ánh nắng mặt trời gây ra trước tuổi 50 đã bắt đầu bộc lộ rõ ràng hơn trên da với các đốm đồi mồi, điều này cũng đòi hỏi việc theo dõi các dấu hiệu cảnh báo ung thư da sớm.

Cơ thể phải đối mặt với những nguy cơ sức khỏe nào ở tuổi 50?- Ảnh 5.

Ở tuổi 50, da thường có những thay đổi đáng kể do quá trình lão hóa tự nhiên (Ảnh: Internet)

11. Thị lực

Ở tuổi 50, thị lực có thể bắt đầu suy giảm do sự lão hóa tự nhiên của mắt. Các vấn đề thường gặp bao gồm viễn thị (khó đọc sách hoặc nhìn rõ các vật thể ở khoảng cách gần), đục thủy tinh thể (mắt mờ hơn, tầm nhìn đục hơn) và bệnh tăng nhãn áp (có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác).

Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh võng mạc liên quan đến tuổi tác như bệnh thoái hóa điểm vàng cũng tăng lên. Do đó, điều quan trọng là phải thăm khám mắt định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề về mắt.

12. Mãn kinh

Độ tuổi trung bình mà kinh nguyệt của phụ nữ ngừng hẳn là 51, đánh dấu sự kết thúc của chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản. Khi hormone giảm xuống, bạn có thể nhận thấy những dấu hiệu như da khô, bốc hỏa và tâm trạng thất thường. Âm hộ mỏng hơn, dịch âm đạo giảm dẫn tới khô rát khi quan hệ.

Có rất nhiều phương pháp điều trị, từ thuốc chống trầm cảm đến liệu pháp hormone đều có thể giúp ích cho phụ nữ ở độ tuổi này. Thêm vào đó, hãy học cách thay đổi lối sống lành mạnh hơn như ngủ đủ giấc và sử dụng chất bôi trơn khi quan hệ,...

Nhìn chung, đúng là ở tuổi 50, nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe của độ tuổi này sẽ tăng lên nhưng có một số xét nghiệm nhất định có thể giúp phát hiện sớm các tình trạng này. Điều quan trọng là lắng nghe cơ thể và thực hiện thăm khám định kì hàng năm, đặc biệt nếu bạn nằm trong nhóm có yếu tố nguy cơ sức khỏe cao như tiền sử gia đình hoặc bản thân mắc các bệnh mãn tính;...

Nguồn: WebMD

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại