Theo Science Alert, các nhà khoa học Havard đã tiến hành phân tích bộ dữ liệu khổng lồ của gần 112.000 người, được theo dõi trong vòng 25 năm để đánh giá cách thức ăn uống ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2.
Trong đó, các tình nguyện viên được khảo sát cẩn thận thói quen ăn chocolate, một trong những món ăn vặt phổ biến nhất thế giới và thường được liên tưởng đến tình trạng béo phì, tiểu đường.
Kết quả công bố trên tạp chí y học BMJ cho thấy những người ăn nhiều hơn 5 khẩu phần chocolate đen mỗi tuần giảm được 21% nguy cơ tiểu đường type 2 so với những người hiếm khi hoặc không bao giờ ăn chocolate.
Ngoài ra, dường như món ăn này giúp họ giữ cân, giữ dáng tốt hơn so với những người khác có chế độ ăn tương tự. Không có mối quan hệ nào như vậy được tìm thấy giữa chocolate sữa và bệnh tiểu đường type 2. Hơn nữa, người ăn chocolate sữa dường như lại dễ tăng cân hơn.
Tác dụng kỳ diệu của chocolate đen đến từ nhóm hợp chất hoạt tính sinh học gọi là flavonoid, vốn có rất nhiều trong ca cao nguyên chất - là nguyên liệu chính để tạo nên những thỏi chocolate.
Để tạo thành món chocolate, người ta thường thêm vào đường, sữa và các phụ gia khác. Chocolate được gọi là "đen" khi chứa hàm lượng ca cao từ 70-85% trở lên, tùy theo quan điểm từng khu vực.
Vì vậy, ngoài ăn chocolate đen, bạn cũng có lựa chọn khác là chế biến món ăn, thức uống từ ca cao nguyên chất. Tất nhiên để phòng tiểu đường type 2, cần đảm bảo thanh chocolate hoặc ly ca cao của bạn càng "đen", càng ít đường càng tốt.
Theo các tác giả, về cơ bản ca cao trong chocolate sữa cũng tốt cho sức khỏe, nhưng tác dụng chống tiểu đường và giảm cân của nó đã đánh bại bởi hàm lượng đường bổ sung cao - bao gồm đường trong sữa - là thứ làm tăng nguy cơ tiểu đường, béo phì.