Có nên vo gạo trong lòng nồi cơm điện không: 7 nhà sản xuất lên tiếng về thói quen bấy lâu nay nhiều người vẫn hiểu sai

Đinh Anh |

Vấn đề có nên vo gạo trực tiếp trong lòng nồi cơm điện gây nhiều tranh cãi.

Có nên vo gạo trong lòng nồi cơm điện?

Ngay nay, nồi cơm điện là một trong những thiết bị không thể thiếu trong căn bếp của mỗi nhà. Để tăng tính tiện dụng, nhiều người thường có thói quen vo gạo trực tiếp trong lòng nồi cơm điện. Một số cá nhân cho rằng việc làm này có thể khiến cho lòng nồi bị xước và dễ hỏng hơn. Đồng nghĩa, chất lượng gạo được nấu sẽ không còn ngon như ban đầu. 

Về vấn đề trên, chương trình Hodori Shinichi Morning Show trên kênh truyền hình của Nhật Bản đã thực hiện cuộc phỏng vấn nhanh với 7 nhà sản xuất nồi cơm điện của quốc gia này, bao gồm: Zojirushi, Tiger, Hitachi, Mitsubishi Electric, SHARP, Panasonic và BALMUDA. 

Trong đó, Zojirushi, Tiger, Hitachi, Mitsubishi Electric, SHARP và Panasonic đều cho rằng nếu người dùng sử dụng sản phẩm chính hãng chất lượng cao thì có thể vo gạo trong lòng nồi cơm điện. Tuy nhiên, với các loại nồi không được đảm bảo chất lượng, việc vo gạo ngay trong nồi có thể khiến lớp chống dính dễ dàng bong tróc. Điều này không chỉ gây mất thẩm mỹ, mà còn khiến cơm dễ dính vào đáy nồi. Thậm chí có thể khiến cơm của bạn có mùi kim loại, ảnh hưởng đến sức khoẻ. 

Cũng với câu hỏi phỏng vấn trên, hãng BALMUDA nhận định rằng vo gạo bằng lòng trong của nồi cơm điện về cơ bản không có vấn đề gì, nhưng để giữ cho lòng trong của nồi cơm bền lâu thì nên vo gạo bằng rổ rá riêng. 

Tóm lại, nếu đang sử dụng nồi cơm điện chất lượng cao, bạn hoàn toàn có thể vo gạo bằng lòng nồi. Song để nâng cao tuổi thọ của thiết bị, bạn nên vo gạo bằng rổ/rá hay thau nhỏ sau đó trút gạo vào nồi cơm điện và thêm nước khi nấu.

Những lỗi sai nhiều người thường mắc phải khi dùng nồi cơm điện

Dù nồi cơm là thiết bị gia dụng có cách sử dụng vô cùng đơn giản. Song nhiều người vẫn vô tình mắc một số lỗi sai ảnh hưởng đến tuổi thọ của sản phẩm, tăng điện năng tiêu thụ, thậm chí ảnh hưởng đến sức khoẻ. Dưới đây là một số trường hợp: 

Không lau khô bề mặt tiếp xúc với khoang nồi

Nhiều người thường có thói quen sau khi vo gạo xong cho luôn vào khoang và cắm điện. Điều này thực sự có hại. Bởi vì lõi nồi có dính nước sẽ làm ướt mâm nhiệt gây nguy cơ chập cháy, rò rỉ điện làm mất an toàn cho người sử dụng.

Để tránh rơi vào tình huống xấu, bạn cần lau khô mặt ngoài và đáy của lòng nồi cơm trước khi đặt vào nồi cơm điện.

Lấy cơm trong nồi bằng dụng cụ kim loại 

Đừng vì sự lười biếng mà tận dụng chiếc thìa, muôi, hay dĩa kim loại đang có sãn trên bàn ăn để lấy cơm trong nồi cơm điện. Dưới tác động mạnh của vật dụng kim loại, lớp chống dính bên trong nồi cơm điện cũng có thể bị ảnh hưởng hoặc hư hỏng.

Bởi vậy trong mọi tình huống, người dùng chỉ nên sử dụng các loại vật dụng bằng gỗ hoặc nhựa, đầu tròn để thực hiện việc lấy cơm bên trong nồi cơm điện. Đó cũng là lý do vì sao mọi chiếc nồi cơm điện ở mọi nhà đều có một chiếc muôi/thìa riêng biệt.

Vệ sinh thiết bị sai cách 

Đôi khi, người dùng vô ý ngâm luôn lòng nồi cơm điện vào nước khi nồi vẫn còn nóng cho tiện vệ sinh. Việc làm này sẽ gây tổn hại với những nồi có lớp chống dính vì gây ra hiện tượng sốc nhiệt, dễ làm hư hại và bong tróc lớp chống dính bề mặt nồi.

Bạn nên để nồi nguội hẳn sau đó mới vệ sinh. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên dùng miếng cọ rửa cứng để vệ sinh nồi cơm điện vì sẽ khiến nồi bị trầy xước, đặc biệt là lớp chống dính, vừa mất thẩm mỹ, vừa làm giảm tuổi thọ của nồi.

Hâm nóng cơm cũ 

Nhiều người có thói quen lấy cơm nguội trong tủ lạnh cho vào nồi cơm điện, thêm một ít nước và bật nút nấu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cách làm này không được khuyến khích bởi vì việc hâm cơm nguội chung với nước sẽ sinh ra phản ứng, khi ăn sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa.

Bạn có thể sử dụng lò vi sóng để hâm cơm hoặc dùng cơm nguội để làm các món cơm chiên cũng rất ngon mà lại an toàn cho sức khỏe.

Đinh Anh (Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại