Chuột chù có thể là ổ bệnh tự nhiên của Langya henipavirus - Ảnh: GETTY IMAGES
Cụ thể, giới chức Trung Quốc đã ghi nhận 35 ca nhiễm Langya henipavirus tại hai tỉnh Sơn Đông và Hà Nam, theo một bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc và Singapore được công bố mới đây trên Tạp chí Y học New England (NEJM).
Mầm bệnh được tìm thấy trong mẫu dịch ngoáy họng của các bệnh nhân phát triệu chứng sốt, có tiền sử tiếp xúc với động vật trong thời gian gần đây. Các bệnh nhân không tiếp xúc gần với nhau, cho thấy có thể đây là những ca bệnh lẻ tẻ.
Langya henipavirus có thể lây truyền từ động vật sang người, song cho đến nay chưa có báo cáo về ca bệnh lây giữa người với người.
Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Đài Loan đang tạo một phương pháp xét nghiệm axit nucleic để xác định và kiểm tra sự lây lan của virus, báo Live Mint đưa tin.
Theo phó tổng giám đốc CDC Đài Loan Chuang Jen Hsiang, Langya là một loại virus mới được phát hiện, do đó các phòng thí nghiệm Đài Loan sẽ yêu cầu một phương pháp xét nghiệm axit nucleic tiêu chuẩn để xác định virus, nhằm giám sát sự lây nhiễm ở người nếu cần thiết.
CDC Đài Loan nói họ vẫn chưa xác định được liệu Langya henipavirus có lây truyền giữa người với người hay không. Đồng thời, họ cũng kêu gọi người dân để ý các bản cập nhật thông tin về virus này.
Ông Chuang thông tin kết quả kiểm tra 25 loài động vật hoang dã ở Đài Loan cho thấy chuột chù có thể là ổ bệnh tự nhiên của Langya henipavirus, vì virus này được phát hiện trong 27% đối tượng chuột chù được kiểm tra.
Trong số 36 bệnh nhân nhiễm virus Langya henipavirus ở Trung Quốc, 26 người gặp phải các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, ho, chán ăn, đau cơ, đau đầu, buồn nôn và nôn. Họ cũng bị giảm lượng bạch cầu, có lượng tiểu cầu thấp, suy gan và suy thận.
Giáo sư Wang Linfa, thuộc Chương trình bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y Duke-NUS (Singapore) và nằm trong nhóm nghiên cứu, cho biết các ca nhiễm Langya henipavirus ở Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa có trường hợp tử vong hay trở nặng, do đó không cần phải hoảng sợ.
Tuy nhiên, ông Linfa cho rằng đây vẫn là một nguyên nhân đáng báo động vì nhiều virus vẫn tồn tại trong tự nhiên, và cho kết quả không thể đoán trước được một khi lây nhiễm sang người.
"Virus corona sẽ không phải là căn bệnh truyền nhiễm cuối cùng gây ra đại dịch trên toàn thế giới, vì các bệnh truyền nhiễm mới sẽ ngày càng có tác động lớn hơn đối với cuộc sống hằng ngày của con người", ông Wang Xinyu, làm việc cho ĐH Fudan (Trung Quốc), nhìn nhận.
Truyền thông Trung Quốc nói gì?
Theo Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, virus Henipavirus nói chung, cũng được tìm thấy ở dơi, là nguyên nhân quan trọng gây bệnh cho động vật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Henipavirus có thể gây bệnh nặng ở động vật và ở người, và được phân loại an toàn sinh học cấp độ 4 với tỉ lệ tử vong vào khoảng 40 - 75%.
Virus Langya henipavirus có độc lực mạnh hơn virus corona. Cụ thể, tỉ lệ tử vong do Langya henipavirus gây ra cao hơn nhiều so với tỉ lệ tử vong do virus corona.
Tuy nhiên, hiện chưa có vắc xin hay phương pháp điều trị cho Henipavirus. Phương pháp điều trị duy nhất là chăm sóc hỗ trợ để kiểm soát các biến chứng.