Có một triệu chứng ở ngực, người đàn ông Hà Nội đi khám, phát hiện tổn thương tiền ung thư

Ngọc Minh |

Gần đây, ông T xuất hiện một triệu chứng bất thường ở ngực phải nên đã đi khám. Kết quả phát hiện ông có tổn thương tiền ung thư ở phổi.

Bệnh nhân C.V.T (60 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) sức khỏe bình thường nhưng gần đây bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau tức ngực phải nên đã quyết định đi kiểm tra.

Ông T cho biết ông từng 2 lần được chẩn đoán mắc viêm phổi, một lần vào tháng 10/2023 và một lần viêm không đặc hiệu ở phổi vào tháng 7/2024.

Thời gian gần đây, ông T thấy đau ngực. Ông đi khám và phát hiện có tổn thương tiền ung thư ở phổi.

PGS.TS Hoàng Thị Phượng, nguyên Trưởng khoa Lao và Bệnh phổi, Viện Phổi Trung ương, Trường Đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, người đã thăm khám trực tiếp cho bệnh nhân cho hay, kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT scan) cho thấy hình ảnh nốt kính mờ phân thùy S6 phổi phải, đường kính 9,5mm. Bệnh nhân có một số nốt rải rác nhu mô hai phổi, dày trung thất, dày màng phổi vùng đỉnh một bên, xơ vữa vôi hóa cung động mạch chủ, thoái hóa vài đốt sống ngực.

 - Ảnh 1.

Hình ảnh chụp CT cắt lớp của bệnh nhân.

Bệnh nhân T đã được khuyến nghị thực hiện thêm sinh thiết tổn thương phổi. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy tăng sinh các tế bào tuyến phổi không điển hình (AAH) - là tiền thân của ung thư biểu mô tuyến phổi.

Dựa trên kết quả lâm sàng và cận lâm sàng, ông T được chẩn đoán mắc tăng sản dạng tuyến không điển hình ở phổi.

Bệnh nhân được chuyển đến theo dõi tại bệnh viện Ung bướu Hà Nội và được tư vấn phẫu thuật.

ThS.BSNT Trương Quốc Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Giải phẫu bệnh Bệnh viện Medlatec cho hay, tăng sản dạng tuyến không điển hình (Atypical adenomatous hyperplasia - AAH) là sự tăng sinh cục bộ, nhỏ của các tế bào phổi bất thường (thường ≤ 5mm) lót các khoảng phế nang nguyên vẹn.

Đây được coi là một tổn thương tiền ung thư. Những bất thường này phát triển thành ung thư tuyến tại chỗ (AIS) và cuối cùng chuyển sang ung thư tuyến xâm nhập (invasive adenocarcinoma).

“Không phải tất cả các trường hợp bị tăng sinh các tế bào tuyến phổi không điển hình đều tiến triển thành ung thư phổi nhưng các tổn thương này làm tăng nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tuyến trong tương lai”, bác sĩ Thanh nói.

Với các trường hợp có tăng sản dạng tuyến không điển hình, việc theo dõi và đánh giá định kỳ là vô cùng cần thiết để phát hiện sớm các thay đổi bất thường và đưa ra hướng xử trí kịp thời.

Các chẩn đoán cận lâm sàng giúp phát hiện tăng sản dạng tuyến không điển hình bao gồm:

- Chụp X-quang phổi: Đây là phương pháp cận lâm sàng cơ bản, thường được chỉ định đầu tiên.

- Nội soi phế quản: Sử dụng ống soi mềm để quan sát bên trong phế quản. Thường được chỉ định khi có nghi ngờ tổn thương lan rộng, hoặc cần lấy mẫu sinh thiết từ các tổn thương bất thường.

- Chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp (Low-dose CT scan): Đây là tiêu chuẩn vàng trong việc phát hiện tăng sản dạng tuyến không điển hình ở giai đoạn sớm.

Theo bác sĩ Thanh trong trường hợp phát hiện tổn thương AAH có kích thước lớn hơn 10mm, bờ không rõ, hoặc có sự thay đổi hình thái qua các lần kiểm tra, các bác sĩ sẽ khuyến nghị thực hiện biện pháp chuyên sâu để loại trừ nguy cơ ung thư, chẳng hạn như:

- Sinh thiết phổi: Phân tích mô học để xác định bản chất tổn thương.

- Phẫu thuật cắt bỏ: Nếu tổn thương có nguy cơ cao, hoặc nghi ngờ ung thư, phẫu thuật cắt phân thùy phổi hoặc cắt thùy phổi sẽ được thực hiện để loại trừ hoàn toàn tổn thương và ngăn chặn bệnh tiến triển.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện những bất thường sớm. Việc phát hiện và điều trị tích cực ung thư từ sớm có thể giúp tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại