Cô gái mắc ung thư dạ dày ở tuổi 25
Văn Văn (25 tuổi), hiện đang là nhân viên văn phòng cho biết, khoảng 2 tháng trước, cô đột nhiên có tình trạng chán ăn, luôn cảm thấy no, kèm theo đó là tình trạng đau tức bụng, ợ chua.
Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Văn Văn ăn uống. Văn Văn chỉ nghĩ bản thân bị đau dạ dày thông thường nên đã đến bệnh viện địa phương khám và nội soi dạ dày.
Văn Văn chia sẻ thêm, trước đây cô luôn nghĩ bản thân còn trẻ, khỏe nên mỗi khi bận rộn, cô thường bỏ bữa. Văn Văn cũng thường xuyên cùng bạn bè đi ăn ngoài hàng ăn thịt xiên nướng, lẩu cay,... cùng với bạn bè.
Kết quả chẩn đoán cho thấy Văn Văn mắc ung thư dạ dày. Bác sĩ giải thích, nguyên nhân khiến cô bị ung thư dạ dày là do thói quen ăn uống không điều độ và bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
Sau đó, Văn Văn được chuyển đến một bệnh viện số 1 Hàng Châu để chẩn đoán kỹ hơn. Bác sĩ Đơn Dục Cường, phó khoa tiêu hóa và phẫu thuật hậu môn của bệnh viện số 1 Hàng Châu đã thực hiện nội soi dạ dày cho Văn Văn. Kết quả nội soi và sinh thiết cho thấy Văn Văn bệnh ung thư biểu mô tuyến dạ dày biệt hóa kém.
Bác sĩ Đơn Dục Cường cho biết vì Văn Văn phát hiện bệnh kịp thời nên tiên lượng bệnh khá tốt. Sau khi hội chẩn kỹ lưỡng, bác sĩ Đơn Dục Cường đã thực hiện phẫu thuật nội soi để cắt bỏ một phần dạ dày cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, Văn Văn cũng nhanh chóng hồi phục và được xuất viện.
Bác sĩ Đơn Dục Cường cho biết: “Ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những thói quen sinh hoạt kém lành mạnh của người trẻ”.
Các thói quen xấu gây ảnh hưởng tới dạ dày người trẻ hay mắc bao gồm:
- Thường xuyên hút thuốc, uống rượu;
- Ăn nhiều các món thịt nướng, đồ ăn nhanh chiên, rán ngập dầu;
- Ăn nhiều muối, nhiều đường;
- Chỉ ăn thịt không ăn hoặc ăn ít rau, trái cây tươi;
- Làm việc và nghỉ ngơi không điều độ
- Ăn uống thất thường, không đúng giờ;
- Thường xuyên thức khuya;
- Căng thẳng kéo dài.
Ngoài ra, bác sĩ Đơn Dục Cường cũng chỉ ra thêm một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày như:
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn HP);
- Yếu tố di truyền: Những người có tiền sử gia đình từng mắc ung thư dạ dày có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Dấu hiệu nhận biết ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh. Do đó, việc nhận biết các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm là vô cùng quan trọng.
Các dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày có thể bao gồm:
- Đau bụng, khó tiêu sau khi ăn;
- Cảm thấy đầy bụng sau khi ăn;
- Cảm thấy no dù chỉ ăn một lượng nhỏ thức ăn;
- Ợ nóng sau bữa ăn;
- Buồn nôn, nôn mửa, nôn ra máu;
- Giảm cân không rõ nguyên nhân;
- Thường xuyên mệt mỏi;
- Đi ngoài phân đen hoặc phân dính máu.
Ở giai đoạn đầu, ung thư dạ dày có thể không gây ra các triệu chứng bất thường hoặc chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ như khó tiêu và đau ở phần trên của bụng, thường gây nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác. Chỉ đến khi người ung thư bước vào giai đoạn tiến triển, người bệnh mới xuất hiện các dấu hiệu rõ rệt hơn.
Ngoài ra, ung thư dạ dày di căn sang các bộ phận khác của cơ thể có thể gây ra các triệu chứng khác. Ví dụ như khi khối u di căn đến các hạch bạch huyết, mọi người có thể sờ thấy khối u qua da. Nếu ung thư di căn đến gan, người bệnh có thể gặp tình trạng vàng da và vàng mắt…
Bác sĩ Đơn Dục Cường khuyến cáo nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường trong thời gian dài, mọi người nên đến bệnh viện để kiểm tra, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời (nếu có).
Ngoài ra, bác sĩ cũng cho biết mọi người nên chủ động phòng bệnh, đặc biệt là người trẻ cần thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt lành mạnh để phòng tránh nguy cơ mắc ung thư dạ dày, bảo vệ sức khỏe.