Đó là trường hợp của nữ bệnh nhân M.T.H (23 tuổi, ngụ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), vừa được các bác sĩ bệnh viện Y dược TPHCM cắt bỏ 1/3 dạ dày vì căn bệnh ung thư.
Điều đáng nói, trước khi được phát hiện và tiến hành điều trị, bệnh nhân H. không thấy xuất hiện những triệu chứng điển hình.
Theo đó, khoảng 3 tháng trước khi nhập viện, người bệnh có biểu hiện ăn uống kém, ăn không tiêu, đau bụng nhẹ vùng thượng vị.
Bệnh nhân đã tự tìm hiểu thông tin và mua thuốc tây về trị bệnh dạ dày. Khi thấy ngày càng có những biểu hiện nặng thêm, chị H. đã đi khám tại bệnh viện địa phương và được chẩn đoán bị viêm dạ dày.
Sau khi đi khám lại tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, kết quả nội soi 2 lần vẫn cho thấy dạ dày của bệnh nhân lành tính.
Tuy nhiên dựa vào những triệu chứng lâm sàng, hình ảnh chụp CT scan ổ bụng và kinh nghiệm chuyên môn, các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa vẫn nghi ngờ ung thư, người bệnh có dấu hiệu hẹp môn vị nên quyết định phẫu thuật nội soi.
Khi mổ, bác sĩ phát hiện khối u ở hang vị đã thâm nhiễm đến thanh mạc và gây bán hẹp môn vị dạ dày.
Ê kíp phẫu thuật tiến hành cắt 3/4 dưới dạ dày, nạo ra khoảng 40 u hạch nhỏ trong đó có 8 hạch đã di căn.
Điều đáng nói, trước khi phát hiện bị ung thư, bệnh nhân chỉ có những biểu hiện thông thường như đau bụng, nôn ói, ăn không tiêu và ợ chua…
Khi có những dấu hiệu bất thường như đau bụng đầu hơi, khó tiêu, ợ chua mọi người nên đi thăm khám kịp thời.
Từ trường hợp của nữ bệnh nhân trên, không ít người "giật mình" nhìn lại mình khi thường xuyên có những triệu chứng giống như vậy, đặc biệt khi có những triệu chứng như đau bụng, khó tiêu, buồn nôn nhiều người lại cho rằng mình bị đau dạ dày thông thường và tự ý mua thuốc về điều trị, thậm chí là còn nghĩ do stress, tâm lý mà không đi kiểm tra chuyên sâu.
Theo các chuyên gia, việc tự phỏng đoán bệnh như vậy là vô cùng nguy hiểm, bởi khi đã có những triệu chứng điển hình thì bệnh đã ở giai đoạn quá muộn, điều đó được thể hiện rất rõ qua các con số thống kê về căn bệnh đau dạ dày.
Tính riêng tại khoa Ngoại Tiêu hóa, bệnh viện Đại học Y Dược năm 2014, tỉ lệ người bệnh dưới 40 tuổi đến khám và điều trị tại bệnh viện được xác định mắc bệnh ung thư dạ dày chiếm khoảng 16%.
Tuy nhiên, sang năm 2015, số bệnh nhân dưới 40 tuổi bị ung thư dạ dày được ghi nhận tại bệnh viện đã lên tới 22%.
Về tình hình mắc ung thư dạ dày nói chung, tính đến nay đây vẫn là một căn bệnh ung thư phổ biến trên thế giới.
Mỗi năm theo công bố của tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu (IARC) có khoảng 870.000 người mới mắc, 650.000 người tử vong do căn bệnh này.
Ung thư dạ dày có tỷ lệ mắc đứng thứ 3 ở nam, thứ 4 ở nữ. Tỷ lệ mắc UT dạ dày cũng khác nhau theo khu vực địa lý, tỷ lệ mắc cao nhất là ở Đông á, Nam Mỹ và Đông Âu, các nước ở châu Phi và Đông nam á.
Ở Việt nam ung thư dạ dày đứng vị trí thứ 3 ở cả 2 giới, đây cũng là căn bệnh có tỉ lệ tử vong đứng hàng thứ 2 chỉ sau ung thư phổi, cao hơn tỉ lệ tử vong do ung thư gan.
Không chỉ có vậy, công tác phát hiện ung thư dạ dày ở nước ta còn gặp khá nhiều khó khăn. Có đến trên 75% bệnh nhân bị ung thư dạ dày khi đi khám thì bệnh đã tiến triển đến giai đoạn cuối.
Vì vậy, tỉ lệ tử vong vì ung thư dạ dày của nước ta cao gấp 4 – 5 lần so với các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, Philippine.