Ảnh minh họa
Mới đây, một nữ bệnh nhân (29 tuổi, quốc tịch Brazil) vào viện khám trong đêm do có triệu chứng đau hạ sườn nhiều.
Trước đó 3 năm, bệnh nhân đã được phát hiện sỏi túi mật, có chỉ định theo dõi. Khoảng 2 tuần nay, bệnh nhân thấy đau bụng vùng hạ sườn phải. Khi cơn đau nhiều không chịu được nữa, bệnh nhân mới đi khám trong đêm.
Bệnh nhân được chỉ định siêu âm ổ bụng. Kết quả cho thấy túi mật không chứa dịch mật, có rất nhiều sỏi, làm kích thước túi mật lớn hơn bình thường.
Hình ảnh siêu âm của bệnh nhân có bất thường, bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) gan mật.
BSCKII Nguyễn Văn Thưởng, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cho hay kết quả chụp MRI cho thấy bệnh nhân có sỏi túi mật nhiều, không thấy dấu hiệu viêm túi mật. Ngay sau đó, bệnh nhân được bác sĩ Thưởng cùng ê-kíp thực hiện mổ cắt túi mật chủ động qua nội soi.
Qua nội soi, các bác sĩ đã lấy ra hàng trăm viêm sỏi lớn nhỏ khác nhau trong túi mật của bệnh nhân. Sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân bình phục hoàn toàn và được xuất viện.
Yếu tố nguy cơ gây sỏi túi mật
Sỏi túi mật được chia làm 2 loại: sỏi trong túi mật và sỏi trong ống mật (đường mật trong gan và ống mật chủ). Khoảng 10% dân số có sỏi mật, nữ gặp nhiều hơn nam (tỷ lệ gặp ở nữ:nam là 2:1).
Theo bác sĩ Thưởng, nguyên nhân gây ra tình trạng sỏi túi mật là do các yếu tố nguy cơ như béo phì, tiền sử gia đình có người bị sỏi mật, giảm cân nhanh. Một số trường hợp mắc bệnh lý như bệnh tan máu mạn tính, bệnh lý xơ gan, bệnh lý ruột kém hấp thu (Crohn) cũng gây ra sỏi túi mật.
Ngoài ra, sỏi túi mật còn do các yếu tố nguy cơ như bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, bệnh lý ứ mật.
Sỏi túi mật nếu không được phát hiện và điều trị có thể gây nên các biến chứng như đau bụng, viêm túi mật cấp/mạn tính, viêm tụy cấp, vàng da tắc mật, phù quanh túi mật, sỏi bùn túi mật, ung thư túi mật…
Đáng lưu ý, khoảng 90% trường hợp sỏi mật không có biểu hiện lâm sàng, thường vô tình phát hiện đi kiểm tra sức khỏe.
Một số triệu chứng cần nghĩ tới sỏi mật như:
- Đau bụng vùng hạ sườn phải;
- Đau vùng thượng vị, có triệu chứng không thoải mái, đặc biệt là sau bữa ăn nhiều mỡ;
- Ợ hơi, đầy hơi, ợ nóng, hoặc buồn nôn.
PGS.TS.BSCC Trần Công Hoan, nguyên Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện E, cho biết để phát hiện sỏi túi mật, có rất nhiều phương pháp như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ. Trường hợp có sỏi túi mật hoại tử bắt buộc phải mổ cấp cứu, ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện điều trị bằng nội khoa cho người bệnh.