Sự thất bại gần đây trong cuộc tấn công do Nga hậu thuẫn ở miền Bắc Syria đã một lần nữa nhấn mạnh sự phụ thuộc của chính quyền Syria vào Iran, cũng như phơi bày sự rạn nứt giữa Moscow và Tehran, các nhà phân tích nói với tờ The New Arab.
Trang web của phe đối lập Nedaa Syria trong tuần này tiết lộ một thông tin chưa được kiểm chứng cho biết, Moscow đã rất tức giận vì sự thất bại của Lực lượng Hổ Syria trong việc giữ các vùng lãnh thổ chiếm được trong giai đoạn đầu của chiến dịch ở miền Bắc Syria, mặc dù có sự hỗ trợ về vật chất và sức mạnh không quân áp đảo từ Nga.
Theo đó, quân đội Syria đã để cho các lực lượng đối lập chiếm lại gần như tất cả các vùng lãnh thổ đã mất trong những ngày đầu của cuộc tấn công từ hồi tháng 4.
Moscow hiện đã thừa nhận rằng việc Iran không sẵn sàng tham gia vào cuộc tấn công là một yếu tố quan trọng trong việc khiến quân đội Syria không có được thành công.
Trong khi đó, các lực lượng của Syria còn phải chịu những tổn hại nặng nề, bất chấp những nỗ lực hiện đại hóa và nâng cao khả năng tác chiến đến từ Nga.
Một trong những điều tai hại hơn nữa đối với Moscow là cuộc tấn công có thể gây ra rạn nứt với Thổ Nhĩ Kỳ ngay khi Ankara đã hoàn tất việc mua hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất, dẫn đến sự bất đồng với Mỹ.
Cuối tuần trước, một binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng ở Idlib sau cuộc pháo kích vô tình của lực lượng Syria, điều có khả năng gây thiệt hại to lớn cho mối quan hệ giữa hai nước trong thời điểm nhạy cảm này.
Sự quan trọng của Iran
Tờ New Arab dẫn kết luận của các nhà quan sát cho rằng, chiến dịch Idlib đã chứng tỏ sự bối rối đối với Moscow. Lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn đối với các chiến dịch trên mặt đất của quân đội Syria một lần nữa được chứng minh là rất quan trọng.
Mặc dù sự can thiệp của Nga bằng các chiến dịch trên không từ năm 2015 đã giúp thay đổi cán cân sức mạnh cho chính quyền Tổng thống Assad, cần phải thừa nhận rằng Moscow sẽ không thể thành công nếu không có nòng cốt là lực lượng Iran dưới mặt đất.
"Quân đội Syria mặc dù Nga được nỗ lực chuyên nghiệp hóa cùng các chiến dịch tuyển quân mới, họ vẫn là một lực lượng yếu không thể giành được thế chủ động trên mặt đất", Elizabeth Tsurkov, chuyên gia nghiên cứu tại diễn đàn Tư duy khu vực, nói với The New Arab.
Nga và Iran đã sát cánh trong cuộc chiến bảo vệ chính quyền Syria.
"Iran hiện không tham gia vào các chiến dịch ở Idlib vì nhiều lý do, bao gồm cả việc họ không thấy việc chiếm lại tỉnh này có tầm quan trọng chiến lược và họ muốn duy trì mối quan hệ tốt với Thổ Nhĩ Kỳ".
Chuyên gia Tsurkov cho rằng Iran, đang chuyển hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này phải đối mặt với những tổn hại kinh tế do lệnh trừng phạt của Mỹ.
"Iran không tham gia vào trận chiến ở miền Bắc Syria, do đó chúng ta chỉ thấy các lực lượng Syria do Nga đào tạo và hỗ trợ đã bị phiến quân áp đảo ở phía Bắc Hama và Latakia", nhà phân tích nhận định.
"Họ đã cố gắng chiếm lại thị trấn Kabana ở Latakia hết lần này đến lần khác, và kết thúc bằng việc mất hàng trăm chiến binh mà không thành công. Ở phía Bắc Hama, lực lượng Syria đã đạt được những bước tiến cực kỳ hạn chế trong khi lại phải trả giá đắt, dù cho được không quân Nga yểm trợ. Điều đó cho thấy Iran vẫn cần thiết như thế nào trong mục tiêu chiếm lại lãnh thổ từ tay phiến quân".
Khả năng thể hiện kém của các lực lượng Syria nhấn mạnh rằng nếu không có sự hậu thuẫn hoàn toàn của Iran, chính quyền Tổng thống Assad dường như không thể đảm bảo chiến thắng trước phiến quân.
Theo chuyên gia Tsurkov, các chiến dịch quân sự do Nga dẫn đầu trước đây vào Daraa và bao vây các lãnh thổ đối lập, như Homs, chỉ thành công do các chiến binh nổi dậy buộc phải đầu hàng khi sự hỗ trợ bên ngoài bị cắt giảm và nguồn cung bị cạn kiệt.
Do đó, bất kỳ chiến dịch trong tương lai nào mà không có sự hỗ trợ của quân đội Iran có thể sẽ phải đối mặt với kết quả tương tự như chiến dịch Idlib gần đây, ông nhận định.
Tranh cãi Israel
Israel đã thực hiện các cuộc không kích trải khắp miền Nam Syria nhắm vào các vị trí của Iran. Chuyên gia Tsurkov tin rằng mặc dù Iran và Nga chiến đấu cùng phe ở Syria, vẫn có những khác biệt rất lớn giữa hai quốc gia.
"Iran và Nga đang bất đồng sâu sắc về vấn đề Israel. Iran dường như muốn biến Syria thành tiền đồn tấn công Israel hoặc ít nhất là có khả năng tấn công gần khu vực Cao nguyên Golan (do Israel kiểm soát).
Trong khi đó, Nga vẫn giữ mối quan hệ tốt với Israel và không muốn thấy Syria trở thành một đấu trường cạnh tranh giữa Iran và Israel", nhà nghiên cứu nhận định.
"Moscow muốn biến Syria trở thành một câu chuyện thành công và họ muốn cho thấy họ có thể can thiệp và thành công. Không giống như Mỹ ở Iraq, đối với Nga, chiến tranh giữa Iran và Israel trên lãnh thổ Syria không có lợi cho việc ổn định chính quyền hiện tại và tái thiết đất nước".