Có cần thiết tiêm mũi 4 vaccine COVID

Thiên Bình |

Biện pháp phòng dịch COVID-19 hiệu quả nhất hiện nay vẫn là vaccine. Với những người tiêm vaccine khi mắc bệnh sẽ có triệu chứng nhẹ hơn và giảm thiểu nguy cơ tăng nặng, phải nhập viện. Điều này đã giúp giảm rất nhiều áp lực với hệ thống y tế.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại một số quốc gia trên thế giới, việc tiêm chủng vaccine COVID-19 chưa phủ rộng tới toàn người dân. Với sự xuất hiện của biến chủng mới và số ca mắc đã tăng trở lại tại nhiều nước, WHO đã có những khuyến cáo về tiêm vaccine nhắc lại lần 1 (mũi 3) và lần 2 (mũi 4) để đảm bảo phòng dịch.

Các chuyên gia cho rằng, WHO sẽ sớm có hướng dẫn, khuyến cáo mới để COVID-19 dần dần trở thành bệnh đặc hữu. Song, chắc chắn các nước còn phải đối mặt với việc COVID sẽ diễn ra thường xuyên, nhưng các đợt bùng phát nhỏ, diễn biến không quá ghê gớm.

Chia sẻ trong cuộc toạ đàm mới đây, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, trước đây Việt Nam lúng túng vì phải vừa chống dịch vừa học tập bài học kinh nghiệm của các nước khác. Nhưng đến nay, Việt Nam đã có đủ kinh nghiệm, đủ kiến thức để chống dịch. Song điều PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu lo ngại nhất là việc thiếu nguồn nhân lực y tế.

"Bộ Y tế có thể đưa ra các khuyến cáo phòng, chống dịch theo từng giai đoạn, vì chúng ta không thể dùng hướng dẫn điều trị của cách đây một năm để áp dụng vào hiện nay, chắc chắn không được nữa. Chúng ta cần có các tiêu chí rất rõ ràng, khi nào dùng các loại thuốc nào, tạo nên hệ thống chiến dịch hoàn chỉnh về lý thuyết. Chúng ta đã trải qua đại dịch với việc sử dụng nguồn lực rất lớn, hệ thống y tế khá mệt mỏi; y tế công oằn mình chống dịch. Chúng ta có đủ kinh nghiệm, đủ kiến thức, thiếu sợ nhất là thiếu nguồn lực", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.

Do vậy, biện pháp phòng dịch hiệu quả nhất hiện nay vẫn là vaccine. Với những người tiêm vaccine khi mắc COVID-19 cũng sẽ có triệu chứng nhẹ hơn và giảm thiểu nguy cơ tăng nặng, phải nhập viện. Điều này đã giúp giảm rất nhiều áp lực với hệ thống y tế.

Là người trực tiếp chứng kiến những mũi tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên được triển khai tại các "điểm nóng" như TP.HCM, Bình Dương... PGS.TS Lân Hiếu khẳng định: "Chúng tôi là người trực tiếp chứng kiến các bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong hàng ngày. Nhưng khi có vaccine, thì theo dõi chúng tôi có thể thấy đúng 2 tuần sau khi tiêm vaccine, tỷ lệ tử vong đã giảm xuống gần như theo chiều thẳng đứng. Đây là điều không thể phủ nhận được vì nó là con số thực tế. Vaccine nào cũng tốt, cũng là vũ khí để chống lại COVID hiệu quả cho đến thời điểm hiện nay".

Do vậy, việc giải thích cho người dân hiểu vai trò của vaccine trong phòng, chống dịch COVID-19 để người dân tự nguyện đi tiêm là yếu tố quan trọng nhất.

"Việc tiêm mũi vaccine bổ sung, chúng ta cần phải cá thể hóa từng trường hợp. Đơn cử như người đã tiêm mũi thứ 3 và tiêm cách đây 6 tháng và cách đây 1 tháng mới mắc COVID-19, thì không nên khuyên họ tiêm mũi thứ 4. Hay có những trường hợp bị bệnh nền nặng họ nhất định không tiêm mũi thứ 2, thì cần giải thích cho họ hiểu để đi tiêm", PGS.TS Lân Hiếu nói.

Theo đó, tuyên truyền, vận động người dân cần vai trò rất lớn của y tế cơ sở. Bởi các cán bộ y tế cơ sở gần và nắm thông tin người dân rõ nhất.

Từ cuối tháng 6/2022, Trạm Y tế phường Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã tổ chức 4 đợt tiêm mũi vaccine COVID-19 nhắc lại lần hai (mũi 4) cho người dân. Theo BS Trần Thị Hoa, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tây Mỗ, sau đợt truyền thông phát động của Bộ Y tế vừa qua, người dân đã nhìn nhận được tầm quan trọng của việc tiêm vaccine mũi 4 để phòng dịch COVID-19 và đã hưởng ứng tích cực.

Đợt tiêm vaccine mũi 4 này tập trung vào đối tượng là người cao tuổi - trên 50 tuổi, người dưới 50 tuổi có bệnh nền. Đặc biệt, những công dân chưa tiêm mũi 1, mũi 2 vaccine COVID-19 cũng được vận động, ưu tiên tiêm đợt này. Bên cạnh đó, là các công nhân các khu công nghiệp cũng được vận động đi tiêm.

"Số người đi tiêm vaccine mũi 4 đã ngày càng nhiều hơn. Đợt đầu triển khai tiêm, chúng tôi tiếp nhận khoảng 200 người. Nhưng cụ thể trong buổi tiêm ngày 17/3 này, số công dân đi tiêm đã lên hơn 500 người. Khi dịch được kiểm soát và cuộc sống trở lại bình thường, người dân trở lại với công việc, lo toan cho cuộc sống nên nhiều người không lưu ý đến việc tiêm vaccine nhắc lại. Nhưng qua các phương tiện truyền thông, các chiến dịch tuyên truyền của cơ sở, nhiều người đã quan tâm hơn và dành thời gian đi tiêm phòng", BS Hoa cho biết thêm.

BS Hoa cũng cho biết, Trạm Y tế triển khai tiêm theo kế hoạch của UBND phường và dự kiến ngày 15/7 sẽ tổ chức tiêm vaccine riêng cho đối tượng là trẻ em: "Kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 đã được gửi tới từng tổ dân phố, cụm dân cư, đồng thời người dân cũng được tuyên truyền vận động đi tiêm. Khi người dân đăng ký tiêm, chúng tôi sẽ chốt số lượng và danh sách đi tiêm theo từng tổ dân phố để tránh ùn tắc".

Trạm Y tế triển khai tiêm theo kế hoạch của UBND phường Tây Mỗ và dự kiến ngày 15/7 sẽ tổ chức tiêm vaccine riêng cho đối tượng là trẻ em.

Với những người chống chỉ định tiêm vaccine, các chuyên gia cho biết, tỷ lệ này  rất thấp, chỉ chống chỉ định tuyệt đối khi đã có phản vệ với chính thành phần của vaccine. Do vậy, người dân sẽ không cần lo đến việc phải đi lấy vaccine test thử… Bên cạnh đó, những trường hợp sốc phản vệ ngay lúc tiêm đã đều được xử lý đều rất tốt./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại