Theo TS.BS Lê Văn Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, đột quỵ là bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Nhận biết sớm dấu hiệu trước khi đột quỵ sẽ giúp tăng hiệu quả cứu sống người bệnh.
Theo chuyên gia, trong một số trường hợp, có thể nhận biết triệu chứng của đột quỵ trước một ngày hay nhiều giờ thông qua quy tắc FAST. Khi đó, người bệnh cần được cấp cứu y tế càng sớm càng tốt để bảo vệ tính mạng và các chức năng thần kinh quan trọng trong cơ thể.
Trước một tuần hay trước nhiều ngày khởi phát đột quỵ nghiêm trọng, người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện của cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) như tê yếu một bên tay/chân, đau đầu dữ dội, chóng mặt, giảm thị lực, khó nói. Những dấu hiệu trước khi đột quỵ hay dấu hiệu cảnh báo đột quỵ này có thể xảy ra chỉ một lần hoặc lặp lại nhiều lần với mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Nhận biết trước các dấu hiệu đột quỵ là cơ hội giúp chủ động đưa người bệnh đi khám, cứu sống và bảo toàn tối đa chức năng thần kinh và tính mạng của người bệnh.
Trong một số trường hợp, dấu hiệu trước khi đột quỵ có thể xuất hiện từ rất sớm (30 ngày hoặc lâu hơn). Tuy nhiên, các biểu hiện trước khi đột quỵ này thường không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với vấn đề sức khỏe thông thường khiến nhiều người chủ quan bỏ qua cơ hội được cứu chữa.
Như vậy, tùy trường hợp, các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ có thể xảy ra trước khi khởi phát đột quỵ nghiêm trọng khoảng vài giờ, một ngày, một tuần, thậm chí là một tháng hoặc lâu hơn.
Thời điểm khởi phát đột quỵ sau khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo thường khó được xác định chính xác. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, các bệnh nền, sức khỏe tổng thể, thói quen sinh hoạt của người bệnh. Do đó, để kịp thời có biện pháp xử trí, ngay khi nhận thấy nghi ngờ các dấu hiệu trước khi đột quỵ, người bệnh cần sớm đến bệnh viện để thăm khám và điều trị.
Phân biệt dấu hiệu trước khi đột quỵ với bệnh khác
Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ có thể bị nhầm lẫn hoặc chủ quan bỏ qua, người bệnh khó tự xác định chắc chắn có phải là dấu hiệu đột quỵ hay không. Để phân biệt đúng các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ với các vấn đề sức khỏe khác để kịp thời chữa trị, tốt nhất người bệnh cần sớm đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán.
Tại bệnh viện, thông qua quá trình thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán cụ thể về nguy cơ đột quỵ của người bệnh. Người bệnh không nên chủ quan, trì hoãn đi khám khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ bất thường.