Có 4 dấu hiệu, người đàn ông đi khám, phát hiện nguyên nhân không ngờ tới

Ngọc Minh |

Sau khi có 4 dấu hiệu bất thường ở đường tiêu hóa, người đàn ông 42 tuổi đi khám và phát hiện nguyên nhân bất ngờ.

Bản thân vốn là người khỏe mạnh, anh Phong (42 tuổi) vô cùng lo lắng khi 3 tháng nay xuất hiện nhiều đợt đầy chướng bụng, sôi bụng, ợ hơi ợ chua, nôn khan. Vì quá lo lắng nên anh đã đi khám. 

ThS. BSNT Phạm Thị Quế - Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec - cho biết ban đầu, bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng đặc hiệu nào ngoài một vài triệu chứng nổi bật của dạ dày. Để tìm rõ nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ đã chỉ định thêm các xét nghiệm cận lâm sàng, nội soi đại tràng và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh gồm chụp X-quang tim phổi, siêu âm (ổ bụng, tuyến giáp, vùng cổ, siêu âm hạch bẹn và hạch nách).

Kết quả nội soi dạ dày cho thấy có viêm dạ dày HP dương tính. Nội soi đại tràng phát hiện Polyp đại tràng và can thiệp cắt polyp đồng thời cho bệnh nhân. Đặc biệt, trong quá trình nội soi, hình ảnh niêm mạc bất thường, có ổ loét kích thước xấp xỉ 0.2-0.5cm, bờ phù nề, đáy phủ giả mạc trắng. Ekíp bác sĩ quyết định làm sinh thiết 02 mảnh làm mô bệnh học.

Do nghi nhờ bệnh nhân có lao ruột, các bác sĩ đã hội chẩn và đưa thêm chỉ định làm thêm các xét nghiệm tầm soát lao qua mẫu phân. Kết quả cho thấy bệnh nhân có vi khuẩn lao trong phân.

Các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị lao ruột.

Sau 2 tháng tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của chuyên gia, hiện tại bệnh nhân có thể lực ổn định, tình trạng nôn giảm, không sôi bụng, đại tiện phân thành khuôn, không sốt, ăn uống bình thường, tiểu tiện bình thường.

Có 4 dấu hiệu, người đàn ông đi khám, phát hiện nguyên nhân không ngờ tới- Ảnh 1.

Hình ảnh niêm mạc bất thường có ổ loét kích thước xấp xỉ 0.2-0.5cm, bờ phù nề, đáy phủ giả mạc trắng.

Đặc biệt, sau tái khám, bệnh nhân được xét nghiệm lại MGIT (mẫu phân) có kết quả âm tính, các chỉ số men gan và độc tố gan giảm một nửa so với ban đầu.

Lao ruột đang gia tăng

Lao ổ bụng có xu hướng gia tăng hiện nay. Tổng kết có khoảng 5% bệnh nhân lao trên toàn thế giới có lao ổ bụng. Tại Việt Nam đang quản lý 10.074 bệnh nhân, trong đó ước tính khoảng 5.303 bệnh nhân lao ổ bụng.

Lao ổ bụng gồm lao đường ruột, lao hạch, lao phúc mạc, lao tạng đặc (gan, tụy). 

PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng - nguyên Trưởng khoa Lao và Bệnh phổi - Viện Phổi Trung ương; Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội Khoa Y - Đại học Y dược - Đại học Quốc Gia Hà Nội - cho hay lao đường ruột không có dấu hiệu đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý tiêu hóa khác nên dễ bị bỏ qua. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây nên những hậu quả khôn lường như tắc ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc, xuất huyết tiêu hóa nặng và hội chứng kém hấp thu, dẫn đến suy kiệt và tử vong.

Bệnh hoàn toàn có thể được chẩn đoán chính xác qua các xét nghiệm chuyên sâu. Một số triệu chứng lâm sàng cần chú ý tới như: Gầy sụt cân, mệt mỏi chán ăn, triệu chứng đường tiêu hóa, hoặc khai thác các tiền sử, yếu tố nguy cơ (nếu có) như đái tháo đường, HIV, dùng corticoid kéo dài…

Khi thấy có các triệu chứng bất thường nghi ngờ bệnh lao ruột, bệnh nhân cần đến bệnh viện, cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Quế - Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec - chia sẻ các trường hợp có chỉ định làm xét nghiệm chẩn đoán lao ruột gồm:

- Trường hợp nội soi có tổn thương ổ loét, tổn thương nghi ngờ ở hồi manh tràng;

- Người có tiền sử gầy sụt cân, mệt mỏi chán ăn, triệu chứng đường tiêu hóa, hoặc có tiền sử đã mắc, hoặc có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, nhiễm HIV, dùng corticoid kéo dài…

- Bệnh nhân chẩn đoán lao phổi AFP dương tính.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại