Chuyên gia Việt Nam phân tích khả năng Nga-Mỹ đối đầu quân sự tại "chảo lửa Idlib"

CẨM MY |

Nhà báo Phạm Phú Phúc, chuyên gia về tình hình Trung Đông nhận định, nếu Nga-Mỹ đối đầu quân sự tại Idlib sẽ kéo thêm rất nhiều quốc gia và tổ chức hồi giáo vào cuộc, bấy giờ chiến sự sẽ không chỉ đơn thuần giữa Nga và Mỹ nữa mà nó sẽ trở thành một cuộc chiến tranh khu vực, thậm chí có thể leo thang gây ra chiến tranh thế giới mới.

Những ngày qua, việc Mỹ không ngừng đưa ra các bằng chứng cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến giải phóng Idlib khỏi các nhóm phiến quân đối lập khiến tình hình quốc gia Trung đông này ngày càng trở nên rối ren, căng thẳng.

Syria đang đứng trên bờ vực một cuộc đại chiến, khi Mỹ liên tiếp gửi các cảnh báo về một cuộc đáp trả mạnh “chưa từng có” từ phía Mỹ và đồng minh.

Tạp chí Wall Street Journal ngày 9/9 cho biết, giới chức Mỹ luôn cố khẳng định Tổng thống Syria Bashar Assad cho phép quân đội nước này sử dụng khí clo trong cuộc tấn công vào thành trì cuối cùng của khủng bố.

Tờ Bild của Đức tiết lộ, Bộ Quốc phòng nước này đang cân nhắc khả năng bắt tay cùng Mỹ, Anh, Pháp thực hiện một cuộc không kích nhằm vào lực lượng quân đội chính phủ Syria nếu thông tin chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học là sự thật.

Bộ Quốc phòng Nga liên tiếp thông báo, Matxcơva nắm trong tay các bằng chứng cho thấy ‘vũ khí hóa học’ chỉ là một kịch bản do Mỹ cùng đồng minh dựng lên để thực hiện đợt tấn công quân sự vào Damascus, tương tự những gì đã diễn ra vào tháng 4/2018 ở Douma, Đông Syria.

Chuyên gia Việt Nam phân tích khả năng Nga-Mỹ đối đầu quân sự tại chảo lửa Idlib - Ảnh 1.

Nhà báo Phạm Phú Phúc. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Theo nhà báo Phạm Phú Phúc, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế, người từng có nhiều năm sinh sống và tác nghiệp tại Syria, kịch bản về việc Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường đã trở nên quá quen thuộc.

Nhà báo cho biết: “Chúng ta phải nhìn nhận việc Mỹ và phương Tây cáo buộc Syria sử dụng khí độc sarin và clo không phải là lần đầu tiên. Những lời buộc tội từ phía Mỹ và đồng minh là không có căn cứ, đây hoàn toàn chỉ là một cái cớ để Mỹ công kích và gây sức ép với Syria''.

Nhà báo Phạm Phú Phúc cho rằng, diễn biến ở Idlib đang được lặp lại tương tự hai vụ tấn công quân sự vào ngày 7/4/2017 và 14/4/2018. Mặc dù, việc Chính phủ Syria sử dụng chất độc hóa học chỉ là nghi vấn, chưa có bằng chứng xác thực, nhưng Mỹ, Anh, Pháp một mực khẳng định chính quyền Assad là thủ phạm của nghi án tấn công hóa học này.

Trong khi đó, giới chức Nga và Syria đưa ra các bằng chứng cho thấy chính lực lượng phiến quân do Mỹ hậu thuẫn dàn dựng các vụ tấn công hóa học này, nhằm tạo cớ để không kích Syria.

Nhà báo cũng nhắc lại: "Vào tháng 9/2015 nếu không nhờ sáng kiến tuyệt vời của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc đưa toàn bộ số vũ khí hóa học của Syria ra nước ngoài, thì Mỹ khi đó đã tấn công Syria rồi".

Ngày 21/1/2018, Tổ chức Cấm sử dụng Vũ khí hóa học (OPCW) đã thực hiện một cuộc kiểm tra toàn diện trên lãnh thổ Syria và đưa ra kết luận Syria hiện đã không còn vũ khí hóa học.

Tuy nhiên, thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng không ngừng rộ lên những hình ảnh về nạn nhân chất độc hóa học ở Syria. Về điều này, chuyên gia Phạm Phú Phúc khẳng định chỉ có hai khả năng:

“Những hình ảnh và video về nạn nhân vũ khí hóa học ở Syria hầu hết do tổ chức “Mũ bảo hiểm trắng” (White Helmets) dàn dựng lên. Đây là nhóm người mang danh tổ chức nhân đạo nhưng lại là tổ chức “bình phong” được Mỹ và phương Tây chống lưng, giật dây để tạo ra những hình ảnh, video tuyên truyền theo ý muốn.

Trong trường hợp những hình ảnh là thật, thì người đứng đằng sau nghi vấn này khả năng cao là phe đối lập ở Syria và tình báo Mỹ.

Bằng chứng là các tướng lĩnh cao cấp của quân đội Nga không chỉ một lần lên tiếng về việc tình báo Nga đã phát hiện những thùng clo được đưa từ phương Tây vào Syria phục vụ mục đích dàn dựng vụ tấn công của tổ chức “Mũ bảo hiểm trắng” hoặc lực lượng phiến loạn ở Syria”.

Truyền thông Nga ngày 9/9 đưa tin về việc quân đội Nga tố cáo hai máy bay chiến đấu của Mỹ đã tấn công một thành phố ở tỉnh Deir ez-Zor của Syria bằng phốt pho trắng, gây hỏa hoạn khắp nơi, khiến tình hình Syria đang căng thẳng càng trở nên rối ren.

Mặc dù giới chức Mỹ đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc của Nga, nhưng việc Mỹ không ngừng gây sức ép với Syria về cuộc chiến sắp tới là không thể phủ nhận.

Nhà báo Phạm Phú Phúc phân tích: "Với Mỹ đây là thời điểm thích hợp để tham chiến, thực hiện mục tiêu của mình. Hiện nay quân đội Syria, với sự trợ giúp của Nga, Iran và tổ chức Hezbollah do Nasrallah lãnh đạo, đã giải phóng được trên 90% lãnh thổ, đang trên đà tiến tới thắng lợi cuối cùng.

Mỹ và phương Tây tấn công vào thời điểm này mục đích nhằm chặn đứng đà thắng lợi, bước tiến của quân đội Syria, cứu nguy cho lực lượng đối lập đang trên đà thua. Thêm vào đó, việc quân đội Syria giải phóng toàn bộ lãnh thổ Syria sẽ làm tưng bừng thêm chiến thắng của Nga, Iran và tổ chức Hezbollah, điều Mỹ không hề mong muốn".

Nhà báo cho biết thêm, diễn biến tương tự đã xảy ra hai lần cũng vào thời điểm quân đội Syria đang trên đà thượng phong tiến gần đến chiến thắng cuối cùng ở những mặt trận quan trọng. Việc Mỹ không ngừng “quăng bom”, tung chiêu bài ''vũ khí hóa học'', tạo ra những cuộc đụng độ quân sự chóng vánh khiến cho thế trận ở Syria bị giữ ở thế giằng co, không đạt được mục tiêu giải phóng hoàn toàn lãnh thổ.

Theo nhà báo, mục đích chính của Mỹ là làm tiêu hao quân lực của Syria, chặn đứng thắng lợi của quân chính phủ nước này, đồng thời, đánh sập liên minh của Syria với Nga, Iran và hạ thấp uy tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Truyền thông thế giới đặt ra câu hỏi: liệu Mỹ và Nga có trực tiếp đối đầu với nhau ở Syria hay không nếu cuộc tấn công ở Idlib thực sự xảy ra?

Chuyên gia Phạm Phú Phúc nhận định: “Đất nước Syria không đủ để làm cái cớ cho Mỹ và Nga chạm trán với nhau về quân sự”.

Chuyên gia Việt Nam phân tích khả năng Nga-Mỹ đối đầu quân sự tại chảo lửa Idlib - Ảnh 2.

Nhà báo Phạm Phú Phúc: ''Chừng nào người dân Syria không có quyền tự quyết, chừng đó cuộc chiến ở quốc gia này không thể kết thúc''. (Ảnh: HispanTV)

Giải thích về điều này, chuyên gia cho biết: "Lợi ích của Mỹ ở Syria gần như không có gì nhiều, trong khi đó, Syria có một ví trí chiến lược đặc biệt, là điểm án ngữ giữa châu Á và châu Âu, giữa châu Phi với châu Âu, có chung biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, nếu Mỹ đối đầu với Nga trên lãnh thổ này sẽ kéo thêm rất nhiều quốc gia và tổ chức hồi giáo vào cuộc, bấy giờ chiến sự sẽ không chỉ đơn thuần giữa Nga – Mỹ nữa mà nó sẽ trở thành một cuộc chiến tranh khu vực, thậm chí có thể leo thang gây ra chiến tranh thế giới mới. Nguy cơ về Thế chiến III khiến các bên đã và đang can dự đều phải dè chừng".

Theo nhà báo Phạm Phú Phúc, khả năng Mỹ và Nga chạm trán với nhau trên chiến trường Syria gần như không xảy ra.

Tuy nhiên, cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này vẫn kéo dài dai dẳng, chưa thể đi đến hồi kết do sự can thiệp tổng thể không chỉ từ phía Mỹ và phương Tây mà còn từ các nước như Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia A-Rập,…

“Sự can thiệp mạnh mẽ từ bên ngoài dẫn đến chiến trường Syria không độc lập, người Syria không có quyền tự quyết khiến nội chiến ở Syria kéo dài không thể chấm dứt. Chính phủ Syria cần đề ra những giải pháp để chấm dứt can thiệp từ nước ngoài, đồng thời tiến hành tiến trình hòa hợp dân tộc, mới có thể tiến tới hòa bình, ổn định trong khu vực”, nhà báo nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại