Hà Nội xét nghiệm cho người tử vùng dịch về - Ảnh Quang Vinh.
Số ca bệnh tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng
Theo thông tin mới nhất Sở Y tế Hà Nội, thành phố có thêm 23 ca mắc mới được ghi nhận trên địa bàn thành phố kể từ 18h00 ngày 29/8 đến 6h00 ngày 30/8, trong đó 5 ca tại cộng đồng, 18 ca đã được cách ly (05 ca tại khu cách ly và 13 ca tại khu vực phong tỏa đã được cách ly từ trước).
5 ca ghi nhận tại cộng đồng thuộc chùm sàng lọc ho sốt (2 ca), F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng (3 ca) và phân bố ở Hoàng Mai (1 ca), Phú Xuyên (1 ca), Thanh Xuân (3 ca).
Dịch đã lây lan ra gần khắp thành phố nhưng tập trung nhiều ở các khu đông dân tại quận/huyện: Thanh Xuân, Đống Đa, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, và Đông Anh.
Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 3.114 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.539 ca.
Qua thống kê, ngày 29/8, Hà Nội đã ghi nhận 133 ca dương tính trong cộng đồng và khu vực phong toả, cách ly. Đây là ngày ghi nhận số lượng ca dương tính nhiều nhất trong 4 tháng qua kể từ khi đợt dịch bệnh COVID-19 đợt 4 bùng phát tại Hà Nội.
Người dân tại quận Hai Bà Trưng được lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh Hải Ninh.
Trao đổi với TS Nguyễn Thu Anh, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, thuộc Đại học Sydney về việc số ca bệnh tại Hà Nội trong những ngày gần đây liên tục tăng, TS Thu Anh cho hay: "Tôi không bất ngờ khi số ca bệnh tại Hà Nội tăng cao trong những ngày gần đây. Số ca bệnh tại Hà Nội chắc sẽ còn tăng trong những ngày tới".
Theo kết quả 2 đợt xét nghiệm cộng đồng tại Hà Nội, tỷ lệ dương tính là 0,01% (83/1.116.127) chứng tỏ rằng dịch tại Hà Nội chưa bùng phát toàn thành phố mà vẫn đang khu trú tại một số điểm nóng.
Đợt dịch này tại Hà Nội gồm nhiều ổ dịch trong cộng đồng dân cư, tạo nên các làn sóng lây nhiễm điệp trùng, kéo dài trong nhiều ngày.
Tính tới hôm nay, có 4 ổ dịch có nguy cơ bùng phát cao là" Văn Chương - Văn Miếu kéo dài dai dẳng (từ 23/7 kéo dài tới nay với 145 ca) và 3 ổ dịch mới xuất hiện là Linh Đàm (từ 19/8 với 36 ca), Kim Đồng (từ 25/8 với 34 ca), và Nguyễn Trãi (từ 23/8 với 164 ca).
Lý giải nguyên nhân số ca bệnh sẽ còn tiếp túc tăng, TS Thu Anh cho rằng:
Thứ nhất, do hiện nay dịch đã ủ trong cộng đồng từ trước, đặc biệt là những người đi từ vùng dịch về có thể đã nhiễm virus và từ đó âm thầm lây lan trong cộng đồng. Mặc dù Hà Nội đã đi tìm các trường hợp có yếu tố đi về từ vùng dịch để xét nghiệm, tuy nhiên, việc xét nghiệm đã bị chậm chân một bước so với sự lây lan của virus.
Có những người mang virus mặc dù không có triệu chứng nhưng vẫn có thể lây cho người khác. Chỉ khi nhiều người có dấu hiệu ho, sốt, trong đó một số người tới cơ sở y tế khám, được xét nghiệm sàng lọc mới phát hiện ra bệnh. Lúc này, virus đã lây lan âm thầm trong cộng đồng.
Thứ hai, Hà Nội áp dụng chỉ thị 16 rất đúng thời điểm cho nên tốc độ tăng ca bệnh chậm lại, không bị tăng vọt lên so TP HCM. Tuy nhiên, biến chủng virus lần này lây lan rất nhanh, việc kiểm soát dịch vô cùng khó khăn.
Hiện nay, có 4 ổ dịch lớn tại Hà Nội là: Linh Đàm, Văn Chương, Nguyễn Trãi, Kim Đồng. Đây là những khu dân cư đông dân, mật độ xây dựng cao, nơi ở chật hẹp, việc đi lại, tiếp xúc trong các ngõ nhỏ vẫn xảy ra. Đây là điều kiện lý tưởng cho một vụ bùng phát dịch.
Giải pháp để Hà Nội kiểm soát được dịch bệnh
Theo TS Thu Anh, với tình hình dịch bệnh đang diễn ra tại Hà Nội hiện nay sẽ gặp nhiều khó khăn vì số ca bệnh trong cộng đồng khá nhiều và virus lây lan rất nhanh.
Hà Nội có thể bị rơi vào tình huống như của TP HCM nếu không "nhanh" hơn virus một bước. Giải pháp được vị chuyên gia dịch tễ này đưa ra là:
"Thành phố cần phải ưu tiên hàng đầu tiêm vắc xin cho người từ 50 tuổi trở lên. Số liệu từ TP HCM cho thấy đây là nhóm người có tỷ lệ và số lượng tử vong cao nhất, dễ dẫn tới quá tải hệ thống y tế.
Các xã/phường cần báo cáo hàng ngày tỷ lệ người được tiêm vắc xin trong tổng số người từ 50 tuổi trở lên là bao nhiêu? Nếu kịp thời tiêm vắc xin cho nhóm tuổi này sẽ giảm nguy cơ tử vong, nguy cơ bệnh nặng, từ đó giảm gánh nặng y tế. Cán bộ y tế sẽ có đủ thời gian và nhân lực để chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.", TS Thu Anh nói.
Hà Nội đang triển khai tiêm vắc xin cho người dân - Ảnh Nam Nguyễn.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm vắc xin cho nhóm nguy cơ cao thì Hà Nội vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách sau ngày 6/9, TS Thu Anh nói.
"Tôi nghĩ rằng thành phố sẽ cần phải giãn cách thêm 2 tuần nữa. Trong 2 tuần quý giá này, Bộ Y tế điều phối vắc xin về Hà Nội để tiêm thật nhanh. Khi đã tiêm vắc xin được cho 90% người cao tuổi và một số lượng người trẻ tuổi thì lúc đó sẽ đánh giá và thận trọng từng bước nới lỏng theo phạm vi hẹp một số vùng. Khi nới lỏng thì người dân chỉ đi lại trong vùng đó, khi có ca bệnh thì "khoá" luôn vùng đó", TS Thu Anh phân tích.
Theo TS Thu Anh, để việc giãn cách có hiệu quả thì người dân cần phải tuân thủ đúng theo chỉ thị, trữ lương thực và hàng thiết yếu trong nhà để hạn chế số lần phải đi chợ, không đi ra ngoài, không tiếp xúc.
Việc cần phải làm là phong tỏa chặt các đơn vị hành chính (phường hoặc quận) có từ 100 ca nhiễm trong 2 tuần qua/100.000 dân trở lên; Phong tỏa các đơn vị hành chính (phường hoặc quận) có từ 50 ca nhiễm trong 2 tuần qua/100.000 dân trở lên.
Ngoài ra, thành phố cũng cần thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn thành phố cho tới sau 2 tuần tiêm mũi thứ 2 cho toàn bộ nhóm trên rồi tùy vào tình hình dịch bệnh để lên kế hoạch mở dần một cách thận trọng và phong tỏa ngay khi dịch có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát, tiếp tục 5K và tiếp tục tiêm cuốn chiếu vắc xin dựa trên số vaccine có sẵn.
Một điều quan trọng nữa là truyền thông và hỗ trợ an sinh cho người dân sống tại các khu trọ, khu ở chật chội, khu xóm nghèo để người dân an tâm "ở yên tại nhà".
Thành phố Hà Nội cũng cần phải truyền thông cho người dân, đặc biệt phải tiếp cận được với người lao động thời vụ, người có thu nhập thấp tại những nơi sinh sống đông dân cư. Cụ thể, có thể truyền thông qua hệ thống loa phường về thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày:
- Người dân phải tự bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách thay đổi thói quen sống. Ví dụ, giảm tối đa số lần và thời gian đi chợ bằng cách lên danh sách đồ cần mua và mua với số lượng lớn để dùng dần nếu gia đình có điều kiện bảo quản. Tập sống đơn giản và chấp nhận thiếu thốn một thời gian.
- Tăng thông thoáng khí trong nhà bằng cách mở cửa, bật quạt, để ánh nắng chiếu trực tiếp vào nhà, lau dọn nhà cửa sạch sẽ.
- Không tiếp khách, không đi thăm, không tổ chức đám giỗ, sinh nhật, liên hoan kể cả khi thấy cô đơn trong mùa giãn cách.
- Trước khi ra khỏi nhà, hãy suy nghĩ kỹ xem bạn có thật sự cần ra ngoài không và cần làm gì để phòng lây nhiễm SARS-CoV 2? Bạn có thể thay việc đi lại bằng cách gọi ship hàng, hoặc trao đổi/liên hoan online không? Nếu buộc phải ra ngoài, bạn đã có khẩu trang và nước rửa tay chưa? Bạn sẽ giữ khoảng cách với người khác thế nào? Có thể tránh những nơi trong phòng kín không?
- Nếu thực sự phải ra ngoài, bạn đã chuẩn bị gì nếu chẳng may bị nhiễm virus và thậm chí lây cho gia đình và người xung quanh?