RIA đưa tin, người đứng đầu văn phòng thiết kế Luch, ông Oleg Korostelev, mới đây đã tiết lộ chiến thuật sử dụng hệ thống tên lửa bảo vệ bờ biển RK-360MTs Neptun với tên lửa hành trình R-360.
Một cuộc thăm dò dư luận do Viện Xã hội học quốc tế Kiev thực hiện cho thấy người dân Ukraine đang nhanh chóng mất niềm tin đối với các nhà chức trách.
Trước đó, hôm 17/6, Bộ Quốc phòng Ukraine công bố một video phóng thử nghiệm tên lửa chống hạm mới R-360 Neptune. Các cuộc thử nghiệm đã được tổ chức tại sân tập Alibey gần Odessa.
Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, tên lửa được phóng ra bởi các hệ thống tên lửa di động ven biển và bắn trúng các mục tiêu giả định trên biển ở khoảng cách 80 km từ bờ biển. Bước tiếp theo sẽ là phát triển các phiên bản phục vụ cho hàng hải và hàng không.
Giám đốc văn phòng thiết kế Luch, ông Oleg Korostelev cho biết, nhà phát triển đã phác thảo một kịch bản có thể xảy ra đối với việc sử dụng vũ khí được gọi là “kẻ hủy diệt” của cầu Crimea. Theo nhà phát triển, hệ thống tên lửa này được tạo ra trong 2,5 năm với nguồn lực tài chính hạn chế.
Ngoài ra, ông Korostelev lưu ý rằng, RK-360MTs Neptune sử dụng các thành phần chủ yếu là của Ukraine, đặc biệt là một động cơ, một hệ thống dẫn đường quán tính, một radar điều hướng và một hệ thống thông tin liên lạc.
Ông Korostelev cũng bày tỏ hy vọng trong vòng 1 đến 2 tháng sau khi hoàn thành các thủ tục liên quan, tổ hợp tên lửa ven biển sẽ được Bộ Quốc phòng Ukraine thông qua. Ông Korostelev cho biết thêm, việc sản xuất một bộ phận của RK-360MTs Neptune cần từ 10-11 tháng.
Cũng theo ông Korostelev, hệ thống tên lửa này có khả năng phá hủy một tên lửa nhất định trong vòng 10 đến 15 giây.
Đồng thời, chuyên gia Korostelev nhấn mạnh, hiệu quả bắn trúng mục tiêu của một tên lửa R-360 Neptune (Hải Vương tinh) rất lớn, nó như là một quả bom nặng 150 kg.
Trước đó, Cựu Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, ông Alexandr Turchinov hôm 15/7/2019 khẳng định, tên lửa hành trình “Neptune” chế tạo tại Ukraine đủ sức tiêu diệt các chiến hạm Nga thuộc bất kỳ lớp nào tại các hải cảng và căn cứ trên Biển Đen, biển Azov, cũng như “trong vòng vài phút” có thể thổi bay cây cầu Crimea.
Tạp chí National Interest trong một bài viết cũng cho rằng, nếu thành công tên lửa Hải Vương tinh sẽ là một cột mốc quan trọng trong chương trình phát triển tên lửa của Ukraine.
Hệ thống Neptune được sử dụng để bảo vệ eo biển và lãnh hải, bảo vệ các tuyến biển ngoài khơi, căn cứ hải quân, cơ sở hạ tầng ven biển.... Toàn bộ tổ hợp R-360 Neptune bao gồm cơ cấu phóng USPU-360, thùng chứa tên lửa TPK-360, xe phát điện TZM-360 cùng với phương tiện vận tải TM-360.
Tên lửa hành trình R-360 Neptune có đầu đạn nặng 150 kg, tầm bắn lên tới 280 km và tốc độ khoảng 900 km/giờ, độ cao bay trên đỉnh sóng từ 3 đến 10 m. Tổ hợp này cung cấp khả năng phóng đồng thời lên tới 24 tên lửa.