Chuyên gia tiêu hóa chỉ ra dấu hiệu của bệnh đại tràng không nên bỏ qua

Hải Yến |

TS. BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, không phải bệnh đại tràng nào cũng giống nhau, có loại bệnh đại tràng không có tổn thương niêm mạc ít có nguy cơ trở thành ung thư, còn loại bệnh đại tràng có tổn thương niêm mạc hoặc polyp, nếu không phát hiện và xử lý sớm dễ dẫn tới viêm đại tràng mạn tính, lâu dần có thể tiến triển thành ung thư.

TS. BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, không phải bệnh đại tràng nào cũng giống nhau, có loại bệnh đại tràng không có tổn thương niêm mạc thì ít có nguy cơ trở thành ung thư, còn loại bệnh đại tràng có tổn thương niêm mạc hoặc polyp, nếu không phát hiện và xử lý sớm dễ dẫn tới viêm đại tràng mạn tính, lâu dần có thể tiến triển thành ung thư.

Bệnh đại tràng là một bệnh thường gặp, phổ biến ở đường tiêu hóa. Nhưng hiện nay, nhiều người vẫn có quan niệm sai lầm như cứ nghĩ đi ngoài, đau bụng là mắc bệnh đại tràng, hay khi có dấu hiệu mắc bệnh lại có tâm lý ngại đi khám, chỉ đến khi bệnh nặng vào viện, việc điều trị rất khó khăn.

Cũng có những người gặp trường hợp xung quanh có nhiều người mắc bệnh lại lo lắng thái quá, họ rủ nhau đi xét nghiệm, soi đại trực tràng dù không có biểu hiện trên lâm sàng hay thuộc nhóm người có nguy cơ….

Phân biệt bệnh đại tràng chức năng và đại tràng thực thể

TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh đại tràng là một bệnh thường gặp, việc điều trị thường kéo dài và dễ tái phát. Bệnh đại tràng có nhiều dạng, có loại không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như bệnh đại tràng chức năng, có loại bệnh đại tràng có tổn thương thực thể trên niêm mạc, loại này có nguy cơ tiến triển thành ung thư đại tràng.

Chuyên gia tiêu hóa chỉ ra dấu hiệu của bệnh đại tràng không nên bỏ qua - Ảnh 1.

TS BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai

Để phân biệt, TS Khanh cho biết, bệnh đại tràng chức năng hoàn toàn không có tổn thương niêm mạc đại tràng. Bệnh nhân chỉ có triệu chứng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, khi táo bón, lúc đi lỏng… nhưng khi soi đại tràng bình thường. Đây gọi là bệnh đại tràng chức năng hay đại tràng mạn tính.

Bệnh này thường gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cũng như trong sinh hoạt nhưng không gây nguy hiểm đến tính mạng. Đại tràng chức năng hay còn gọi là hội chứng ruột kích thích, thường gặp ở người trẻ.

Có khoảng 10-20% dân số gặp vấn đề đại tràng kích thích. Lý giải nguyên nhân, TS Khanh cho biết, đó là do môi trường sống, thực phẩm, do cơ địa của người bệnh và nguyên nhân rất thường gặp là do stress- căng thẳng trong công việc – dẫn tới hội chứng ruột kích thích mà gây ra những triệu chứng giống với bệnh đại tràng.

Loại thứ 2 là bệnh đại tràng có tổn thương thực thể trên niêm mạc, khi nội soi có thể có hình ảnh viêm như viêm loét đại tràng chảy máu, hoặc bệnh crohn…. đều có tổn thương. Theo thống kê, những người mắc bệnh này sau khoảng 8-10 năm mắc bệnh có trường hợp sẽ tiến triển, từ những tế bào lành tính sẽ chuyển thành tế bào ác tính, sinh ra tổn thương gọi là ung thư, TS. Khanh cho hay.

Chuyên gia tiêu hóa chỉ ra dấu hiệu của bệnh đại tràng không nên bỏ qua - Ảnh 2.

Hình ảnh polyp đại tràng

Ngoài ra, còn 1 loại bệnh đại tràng nữa dù ban đầu không có viêm, tổn thương lúc đầu là những polyp, đa phần là lành tính, nhưng một số loại như polyp tuyến kích thước trên 1cm có nguy cơ gây ung thư rất cao, nếu polyp tuyến dưới 0,5cm rất ít khi tiến triển thành ung thư. TS Khanh chia sẻ, ở dạng này, có một số sau này có khả năng tiến triển thành ung thư.

Việc phát hiện và xử trí sớm các polyp ở đại tràng rất quan trọng, góp phần ngăn chặn nguy cơ ung thư cũng như giảm thiểu gánh nặng tài chính cho gia đình bệnh nhân và xã hội.

Dấu hiệu sớm bệnh đại tràng

Theo TS Khanh, hiện nay với sự phát triển của khoa học, người dân có ý thức bảo vệ sức khỏe hơn nên nhiều người phát hiện sớm bệnh đại tràng, kể cả những người còn trẻ. Nhưng đa phần ở lứa tuổi từ 20-40 tuổi, thường mắc bệnh đại tràng chức năng, tỷ lệ bệnh đại tràng hay ung thư đại tràng ở người trẻ rất thấp. Họ thường có triệu chứng đi ngoài, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, nhưng đi ngoài không ra máu, không có dấu hiệu của viêm nhiễm. TS Khanh cho hay, có người mang trong mình bệnh này trong thời gian dài hàng năm nhưng không có triệu chứng sụt cân, sốt, suy kiệt, đau bụng dữ dội, buồn nôn. Tuy nhiên, ít nhiều nó cũng ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.

Chuyên gia tiêu hóa chỉ ra dấu hiệu của bệnh đại tràng không nên bỏ qua - Ảnh 3.

Đau bụng là dấu hiệu thường gặp ở bệnh đại tràng

Với bệnh đại tràng tổn thương gây viêm như viêm loét đại tràng chảy máu, người bệnh thường đi ngoài phân nhày máu, thường gặp ở người trên 50 tuổi. TS Khanh lưu ý, những người từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ bị đại tràng cao hơn nhiều so với những người trẻ, nên những người này cần đi tầm soát bệnh đại tràng định kỳ.

Ngoài ra những người có yếu tố nguy cơ cao như có bố mẹ hoặc anh em ruột bị ung thư đại tràng, cần đi tầm soát bệnh đại tràng sớm hơn, hay những người có tiền sử polyp đại tràng, hoặc mắc bệnh đại tràng mạn tính…. cần đi khám bệnh đại tràng định kỳ. Nếu phát hiện ung thư đại tràng giai đoạn sớm, khả năng chữa trị được rất cao, bác sĩ có thể giữ nguyên đại tràng cho người bệnh.

Làm sao để phòng mắc bệnh đại tràng?

Theo các nghiên cứu, ung thư đại tràng xuất hiện nhiều ở người ăn nhiều thịt đỏ, thịt có chất bảo quản, người béo phì, hút thuốc lá, uống rượu thì tăng nguy cơ bị đại tràng và ung thư đại tràng hơn. Lối sống ảnh hưởng tới căn bệnh này, những người ít vận động thể lực tỷ lệ mắc bệnh cao hơn những người hay tập thể dục thể thao.

Nhóm người ăn nhiều rau và chất xơ, ăn uống hợp vệ sinh cũng ít mắc bệnh hơn, không nên để táo bón kéo dài, có thể bổ sung thực phẩm có vi khuẩn có lợi cho sức khỏe như sữa chua. TS Khanh giải thích, hệ vi sinh vật gồm các vi khuẩn và nấm men tồn tại trong hệ tiêu hóa, trong đó có đại tràng. Việc mất cân bằng hệ vi sinh vật có lợi sẽ khiến người bệnh gặp vấn đề tiêu chảy, nhất là ở những người dùng thuốc kháng sinh.

TS Khanh khuyên, những người có yếu tố nguy cơ cần đi tầm soát bệnh sớm để phát hiện bệnh. Nếu một người 50 tuổi không có yếu tố nguy cơ, khi soi đại tràng thấy bình thường thì sau 10 năm mới cần tầm soát lại bệnh đại tràng.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, để bảo vệ sức khỏe phòng ung thư đại tràng cần phải tuân thủ bữa ăn lành mạnh, cân đối giữa các nhóm thực phẩm như đường bột, đạm , rau xanh – Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo 1 người trưởng thành cần ăn tối thiểu 400g rau xanh một ngày bởi thiếu chất xơ là một trong những nguyên nhân gây ung thư đại tràng .

Cần tăng cường từ 100-300g quả chín, gạo không sát kỹ. Ngoài ra cần tăng cường cá, đậu đỗ, giảm ăn thịt, chọn các chế phẩm sữa cung cấp vi khuẩn có ích cho đường ruột giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn, có lối sống lành mạnh, tăng cường thể dục, hạn chế rượu bia….

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại