Chuyên gia: Tên lửa Avangard thực chất là mồi ngon, đây mới là vũ khí đáng sợ nhất của Nga

Vy Lam |

Ông Lewis cho rằng, Nga có một loại vũ khí mới còn đáng lo ngại với Mỹ hơn cả tên lửa siêu vượt âm Avangard.

Tháng trước, cả Mỹ và Nga đều tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) – một hiệp ước từ thời Liên Xô nghiêm cấm các loại tên lửa hành trình/đạn đạo trên bộ có tầm bắn từ 500 – 5.500km.

INF chỉ hạn chế một chủng loại vũ khí nhưng nó không phải là hiệp ước duy nhất bị chấm dứt. Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START), với phạm vi hạn chế lớn hơn, sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2020, trừ phi cả hai phía Nga-Mỹ đồng ý kéo dài thời hạn nhưng điều này có thể sẽ không xảy ra.

Hiệp ước New START giới hạn số lượng tên lửa mà Mỹ và Nga được triển khai, hướng tới mục tiêu giảm bớt tổng số vũ khí hạt nhân trên thế giới. Nếu New START chấm dứt thì đây sẽ lần đầu tiên kể từ năm 1972, thế giới không còn bất cứ hạn chế nào về số lượng đầu đạn mà mỗi bên quốc gia có thể chế tạo và triển khai.

Khi căng thẳng gia tăng, cả hai phía sẽ tìm cách hiện đại hóa vũ khí hạt nhân. Đặc biệt, Nga sẽ gieo kinh hãi về các loại tên lửa mới rằng: Một khi được triển khai, chúng sẽ xuyên thủng các hệ thống phòng thủ dựa trên vệ tinh và hệ thống phòng thủ trên bộ tinh vi của Mỹ.

"Người Nga quả thật rất ghét các hệ thống phòng thủ tên lửa", Jeffrey Lewis – một chuyên gia chính trị hạt nhân, đồng thời là giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California nhận định.

"Họ thực sự không thích mình bị vượt mặt về công nghệ. Vì thế, có một loạt vũ khí tương tự nhau trong các chương trình của Nga – từ ngư lôi ‘ngày tận thế’, tên lửa hành trình động cơ hạt nhân, tên lửa siêu vượt âm, cho tới vũ khí chống vệ tinh" – ông Lewis nói.

Chuyên gia: Tên lửa Avangard thực chất là mồi ngon, đây mới là vũ khí đáng sợ nhất của Nga - Ảnh 1.

Các loại vũ khí mới được Nga công bố.

Năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin đã công bố 6 vũ khí mới trong Thông điệp liên bang.

Theo các chuyên gia hạt nhân, ấn tượng nhất trong số đó là tên lửa siêu vượt âm Avangard, tên lửa hành trình động cơ hạt nhân Skyfall (9M730 Burevestnik) và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat. Đây là 3 "báu vật" trong chính sách hạt nhân của Nga mà theo Tổng thống Putin tuyên bố, chúng có khả năng phá vỡ các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Hiện tại, phòng không Mỹ được thiết kế để ngăn chặn cuộc tấn công hạt nhân của đối phương ngay từ trên không, trước khi chúng có thể đánh trúng mục tiêu. Tuy nhiên, đây đã là một nhiệm vụ phức tạp và khó khăn, ngay cả trước khi vũ khí siêu vượt âm được phát triển.

Mặc dù các loại vũ khí mới của Nga nghe rất đáng sợ nhưng chưa có loại nào trong số này hoàn thiện. Chúng có thể sẽ sẵn sàng triển khai trong 1-2 năm tới, nhưng chưa có loại nào "đạt được khả năng hoạt động đầy đủ" – ông Philip Coyle, thành viên tại Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí cho hay.

Theo vị chuyên gia, một số vũ khí mới của Nga đã được thử nghiệm nhưng chưa có loại nào "đạt được thành công tới mức Nga có thể tuyên bố là chúng đã có khả năng hoạt động".

Song, điều đó không có nghĩa ông Coyle không lo ngại, chúng vẫn tạo ra mối đe dọa với Mỹ, nhất là vũ khí siêu vượt âm.

"Trong đó có một số vũ khí mà các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện nay không thể ngăn chặn", ông Coyle nói, "nhất là đầu đạn siêu vượt âm và hệ thống tên lửa không-đối-đất siêu vượt âm, đây là hai loại mà Tổng thống Putin tuyên bố đã được thử nghiệm thành công".

Hiện các chuyên gia quốc phòng xếp vũ khí siêu vượt âm là những loại có thể đạt tốc độ lớn hơn 4.800km/h.

Chuyên gia: Tên lửa Avangard thực chất là mồi ngon, đây mới là vũ khí đáng sợ nhất của Nga - Ảnh 2.

Trong khi chuyên gia Coyle lo ngại về tên lửa siêu vượt âm Avangard...

Bên trong kho vũ khí hạt nhân

Các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, cũng đã thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm, nhưng đầu đạn siêu vượt âm Avangard của Nga mới là thứ thu hút mạnh mẽ nhất sự chú ý của cộng đồng quốc phòng.

Trên lý thuyết, phương tiện bay này có thể kết hợp khả năng cơ động của tên lửa hành trình với tốc độ bay của ICBM.

Trong phương thức phóng hạt nhân truyền thống sử dụng ICBM, thì một rocket đủ mạnh sẽ đưa đầu đạn lên quỹ đạo tương tự như một vụ phóng tên lửa không gian trước khi đầu đạn này quay ngược trở lại và lao xuống Trái Đất với tốc độ siêu vượt âm.

Còn các phương tiện như Avangard sẽ được ICBM đưa lên không trung nhưng sau khi được giải phóng, chúng sẽ bay vọt lên tầng cao của khí quyển – trên tầm quét của cảm biến – trước khi lao xuống mục tiêu.

Tuy nhiên, không phải ai cũng lo ngại về phương tiện bay siêu tốc này như ông Coyle.

Chuyên gia: Tên lửa Avangard thực chất là mồi ngon, đây mới là vũ khí đáng sợ nhất của Nga - Ảnh 3.

... thì chuyên gia Lewis cho rằng tên lửa Skyfall mới là thứ đáng sợ hơn cả.

"Tôi không quá ấn tượng với chúng", ông Lewis nói. Theo vị chuyên gia, phương tiện bay này, sau khi được giải phóng, sẽ không còn bay ở tốc độ siêu vượt âm nữa (một số chuyên gia khác không đồng tình với đánh giá của ông Lewis).

"Tên lửa lúc này đang trượt đi, và vì thế tốc độ của nó sẽ giảm đi một chút, khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa dễ đánh chặn hơn so với các loại ICBM truyền thống" – ông Lewis nói.

Phương tiện bay siêu vượt âm, trên lý thuyết, có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ nhưng ông Lewis thấy điều này chưa thuyết phục.

"Rất tốt khi nó có thể cơ động để không rơi vào tầm ngắm của các hệ thống phòng thủ tên lửa. Nhưng một khi đã rơi vào thì nó sẽ là một mục tiêu dễ nhận thấy hơn nhiều bởi nó di chuyển chậm chạp hơn", ông Lewis nói, "Các phương tiện bay siêu vượt âm mà người ta đang nói tới thực chất còn chậm chạp hơn các hệ thống hiện hành".

Thay vào đó, ông Lewis lo ngại hơn về Skyfall – tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân và mang đầu đạn hạt nhân của Nga.

"Tôi khá lo ngại về những ý tưởng viễn tưởng mà người Nga đang thực hiện", ông Lewis nói, "chúng tôi không có nhiều thông tin về công nghệ được sử dụng trong Skyfall nhưng chắc chắn khi Mỹ điều tra, thì đó sẽ là một ý tưởng không mấy ‘sạch sẽ’, nhất là xét tới lượng phóng xạ được giải phóng ra chỉ để vận hành tên lửa".

Theo Tổng thống Putin, Skyfall sẽ vượt trội hơn tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ trên không/dưới mặt đất của Mỹ.

Phiên bản Tomahawk tiên tiến nhất hiện có thể bay gần 2.500km, tuy nhiên, nhờ trang bị lò phản ứng hạt nhân, tên lửa Skyfall có phạm vi hoạt động không giới hạn.

Một số nguồn tin quân sự Nga cho biết Moscow đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình Skyfall vào tháng 1/2019, song theo tình báo Mỹ, chưa có cuộc thử nghiệm nào cho thấy tầm hoạt động của tên lửa lớn hơn 35km và có thể phải 10 năm nữa, Skyfall mới đạt được đủ tiềm năng kỳ vọng.

Thế nhưng, tên lửa hành trình hạt nhân với pham vi hoạt động không giới hạn không phải là loại vũ khí mới duy nhất của Nga đang gieo rắc lo ngại.

Moscow cũng đang thử nghiệm ICBM nhiên liệu lỏng RS-28 Sarmat, với khối lượng hơn 220 tấn và cao hơn 36m. Nó có phần chiến đấu nặng 10 tấn, đủ lớn để mang 24 đầu đạn siêu vượt âm gắn hạt nhân Avangard.

Ngoài kích cỡ, Sarmat còn trở nên nguy hiểm vì nhiều lý do khác. Theo ông Coyle, giai đoạn đẩy của tên lửa ngắn hơn bình thường nên các hệ thống phòng thủ của Mỹ có ít thời gian để bắn hạ nó hơn.

"Nếu như giai đoạn phóng nhanh không đủ để bảo vệ tên lửa", ông Coyle nói, "thì theo Tổng thống Putin, tên lửa Sarmat còn được trang bị một số phương thức đối phó, được thiết kế để khiến các hệ thống phòng thủ của Mỹ rối loạn".

Thời gian phản ứng

Giai đoạn phóng được rút ngắn của Sarmat đã cho thấy rõ thứ thực sự khiến những tên lửa như thế này trở nên đáng sợ, đó chính là: Thời gian.

Khả năng của những loại vũ khí mới này – thời gian phóng ngắn, tốc độ siêu vượt âm, phạm vi hoạt động không giới hạn – đều rút ngắn những phút giây quý giá.

"Những hệ thống này đã làm tăng độ phức tạp của tình huống và rút ngắn thời gian đưa ra quyết định. Thay đổi ấy quả thực có thể đe dọa sự ổn định trước đây" – ông Lewis cho hay.

Chuyên gia: Tên lửa Avangard thực chất là mồi ngon, đây mới là vũ khí đáng sợ nhất của Nga - Ảnh 4.

Giai đoạn phóng được rút ngắn của ICBM RS-28 Sarmat cũng đang tạo ra mối đe dọa lớn với Mỹ.

Trước bối cảnh hiện nay, tài liệu Đánh giá Phòng thủ tên lửa và Vị thế hạt nhân của Mỹ gần đây đã đề cập tới kế hoạch phát triển vũ khí siêu vượt âm và cảm biến mới.

Bên cạnh đó là ý tưởng biến F-35 – mẫu tiêm kích mới nhất của Mỹ - trở thành sát thủ diệt ICBM, và xây dựng các cảm biến trong không gian nhằm tăng cường cho các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Song, cả hai ý tưởng này đều mới nằm trên lý thuyết và không được hé lộ nhiều chi tiết.

Đặc biệt, theo ông Coyle, bản tài liệu vẫn chưa đề cập rõ ràng về những gì mà Mỹ sẽ triển khai trong không gian.

Để củng cố phòng thủ, Lầu Năm Góc đang tìm cách phát triển các phương tiện đối phó vũ khí siêu vượt âm.

Hiện tại, mạng lưới phòng thủ tên lửa của Mỹ bao gồm 44 tên lửa đánh chặn từ mặt đất, hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) bố trí ở Guam, UAE, Israel, Hàn Quốc, và hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên các tàu chiến mà Mỹ đang triển khai trên khắp thế giới.

Các kế hoạch mới bao gồm hàng nghìn tên lửa đánh chặn di chuyển theo quỹ đạo Trái Đất, cho tới laser phóng từ các vệ tinh. Bên cạnh đó, Cơ quan Các dự án Nghiên cứu Quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Mỹ cũng đang tích cực nghiên cứu phương thức chống lại các phương tiện siêu vượt âm như Avangard.

Tuy nhiên, những phương thức bảo vệ này vẫn nằm trên lý thuyết. Hiện tại, không ai có một giải pháp chắc chắn nào để đối phó với mối đe dọa mới – và Nga vẫn đang tiếp tục chế tạo, cũng như thử nghiệm các loại vũ khí hạt nhân mới, có khả năng hủy diệt.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại