Chuyên gia tâm lý: 6 cách vượt qua trầm cảm mùa dịch COVID-19 bằng "nghệ thuật sống"

Lê Liên |

Chuyên gia tâm lý khuyên rằng, đại dịch COVID-19 sẽ còn tiếp diễn một thời gian dài, nhiều người nên chuẩn bị nghệ thuật sống tích cực để vượt qua nó.

Số lượng người trẻ stress, trầm cảm gia tăng

Ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mọi người phải ở yên trong nhà, chỉ ra đường khi có việc thật sự cần thiết. Điều này khiến nhiều người phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khủng hoảng, như mất việc làm, đối mặt với những lo lắng quá mức về tình hình dịch bệnh, về kinh tế, những mâu thuẫn trong các mối quan hệ, hay mất các kết nối xã hội.

Anh T.V.T (28 tuổi, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) do ở nhà gần nửa tháng nay vì chỉ thị 17 của Hà Nội, khiến anh vô cùng bức bối. Có những lúc anh cáu gắt với vợ vô cớ, liên tục ôm đầu căng thẳng. Không chịu được tình trạng như hiện tại, anh T đã phải xin tham gia Tổ COVID-19 cộng đồng tại địa phương để giải quyết vấn đề trên.

"Một tuần qua tham gia vào Tổ COVID-19 cộng đồng, tôi mới lấy lại chính mình của trước kia. Thật sự kinh hoàng", anh T chia sẻ.

Tương tự, chị T.T.T (24 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), là giáo viện dạy tiếng Anh tại một trường tư thục, đã gần 3 tháng nay chị phải làm việc tại nhà và gần nửa tháng chị chưa bước chân ra khỏi nhà. Hàng ngày "làm bạn" với 4 bức tường, thu nhập giảm sút khiến chị rơi vào tình trạng trầm cảm nhẹ lúc nào không hay.

"Hàng ngày tôi thường vơ vơ vẩn vẩn, quên trước quên sau. Càng ngày tóc tôi càng rụng nhiều nhưng không rõ nguyên nhân. Trong người bức bối nhưng không biết làm cách nào khác", chị T chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý: 6 cách vượt qua trầm cảm mùa dịch COVID-19 bằng nghệ thuật sống - Ảnh 1.

Trao đổi về vấn đề trên, Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho biết, tình trạng nhiều người ở nhà trong đại dịch COVID-19 dẫn đến stress, trầm cảm đang ngày tăng cao. Những bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra hậu quả nặng nề.

Bà Túy phân tích, một số trường hợp mắc các rối loạn trên có thể tự khỏi nhưng hầu hết sẽ tiến triển thành mạn tính, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe từng cá nhân của người đó và các mối quan hệ xung quanh.

Người bệnh sẽ cảm thấy buồn chán, mệt mỏi, lo sợ, hoang tưởng ảo giác, kích động hoặc có hành vi nguy hiểm như tự sát hoặc tấn công người xung quanh.

Nhiều trường hợp, bệnh lý tâm thần lại bắt đầu bằng các triệu chứng cơ thể như: Đau đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim, huyết áp, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đau vai gáy, cơ, xương khớp… Người già, phụ nữ, trẻ em, người có trình độ học vấn thấp là những đối tượng dễ bị tác động tâm lý, do đó dễ mắc các rối loạn về tâm thần.

Chuyên gia tâm lý: 6 cách vượt qua trầm cảm mùa dịch COVID-19 bằng nghệ thuật sống - Ảnh 2.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy.

Hạn chế bằng nghệ thuật sống

Theo bà Túy, bản thân khi bị bệnh, người bệnh rất khó nhận thức được các vấn đề về tâm thần của mình, do đó người nhà, người thân cần phải để ý phát hiện, đưa bệnh nhân đi khám kịp thời để tránh những hậu quả nặng nề có thể xảy ra.

"Chúng ta nên xác định sẽ "sống chung với lũ" trong một thời gian dài nữa. Chính vì thế, mỗi người nên tìm ra một nghệ thuật sống để đối mặt với những tình trạng bản thân đang diễn ra", bà Túy chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy bày cách, để ổn định tinh thần, chúng ta cần làm những việc cơ bản sau để vượt qua khủng hoảng:

Hạn chế vào các trang mạng và để lại các bình luận tiêu cực. Hãy mang đến các bình luận tích cực và chia sẻ thông tin hữu ích để tinh thần chúng ta tốt hơn.

Xây dựng thói quen tốt và thực hành một cách thường xuyên: ăn đủ và đúng, ngủ đúng giờ và đủ, vận động thể chất, đọc một cuốn sách hay, nói chuyện với bạn bè...

Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…

Kết nối xã hội thông qua các kênh trực tuyến với bạn bè hoặc người thân.

Tham gia vào một chương trình đào tạo hữu ích nào mà trước đây chưa có thời gian làm nó.

Nếu không thể chống đỡ khủng hoảng, cần nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia.

Chuyên gia tâm lý: 6 cách vượt qua trầm cảm mùa dịch COVID-19 bằng nghệ thuật sống - Ảnh 3.

"Dịch bệnh là hoàn cảnh khách quan. Khi nhận thức không né tránh điều này, bạn sẽ tránh được bi quan, chấp nhận được hoàn cảnh. Thay vì buồn rầu, chán nản, than thở, bạn trẻ nên tận dụng cơ hội để làm những việc có ích. Đây chính là cơ hội vàng để học hỏi những kiến thức, rèn luyện kỹ năng mới, vì đang có rất nhiều khóa học online.

Bạn có thể học ngoại ngữ, viết văn, đọc sách, trồng cây,… Những việc trên sẽ giúp bạn không chỉ có kiến thức, mà còn có nhiều niềm vui, sự tự tin, gia tăng giá trị bản thân. Công việc sẽ xua đi nỗi buồn chán.

Bạn cũng nên tranh thủ thời gian để tập thể dục tại nhà, vừa ra mồ hôi, thải độc…, vừa giúp ta khỏe hơn, vui hơn, gia tăng sức mạnh cho hệ miễn dịch.

Các bạn trẻ sắp xếp thời gian ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi một cách khoa học, không nên nuông chiều bản thân, như xem phim quá khuya, lười vận động, ngủ nướng...", bà Túy đưa ra lời khuyên.

Ngoài ra, bà Túy cho biết thêm, việc của mỗi người là tuân thủ nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế). Trong mùa dịch biết tự bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình, giúp đỡ mọi người trong khả năng có thể đã là yêu nước.

Trong lúc chờ được tiêm vắc xin, mỗi người nên tự giác vẽ cho bản thân một "nghệ thuật sống" thật chi tiết để không chỉ giúp mình và giúp cho xã hội bớt đi gánh nặng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại