Năm 1979 là một năm quan trọng đối với nền chính trị Hồi giáo, - theo nhà khoa học chính trị người Pháp và là một chuyên gia về Trung Đông, ông Gilles Kepel. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Der Spiegel, ông cho biết rằng chính vào năm đó, khi nhà lãnh tụ Khomeini trở lại Tehran và một cuộc cách mạng diễn ra, nền chính trị Hồi giáo đã trở thành “chiến trường” đối đầu giữa một bên là dòng Sunni Ả-rập Xê-út thân Mỹ và một bên là dòng Shia Iran chống Mỹ.
Theo ông Kepel, cuộc cạnh tranh giữa Ả-rập Xê-út và Iran đã tạo ra sự cực đoan hóa của cả hai bên, từ đó dẫn đến xung đột và gia tăng nguy cơ khủng bố. Chuyên gia lưu ý rằng ông không hề ngạc nhiên trước các vụ tấn công gần đây nhằm vào các nhà máy lọc dầu của Ả-rập Xê-út.
Ông Kepel tin rằng chúng là một phần trong chiến lược của Iran, nhằm mục đích gây ra thiệt hại tối đa cho Mỹ vì rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Nhà khoa học chính trị thừa nhận rằng không có bằng chứng rõ ràng nào về việc Iran có liên quan đến các vụ tấn công, tuy nhiên lại rất tin tưởng vào kịch bản này.
Chuyên gia cho rằng Iran đang nỗ lực làm gia tăng mức độ căng thẳng trong khu vực để đưa ông Trump vào tình thế lựa chọn khó khăn , trong đó nhà lãnh đạo Mỹ sẽ buộc phải xem xét đến khả năng can thiệp quân sự.
“Tuy nhiên, một bước đi như vậy sẽ không có lợi cho ông Trump, bởi ông đã hứa với cử tri về chủ nghĩa biệt lập trong chính sách đối ngoại và không muốn bị lôi kéo vào những cuộc chiến tranh tốn kém. Mặt khác, nếu không có bất cứ động thái nào, ông ấy sẽ bị coi là một Tổng thống yếu kém” - ông Kepel cho biết.
Nhà nghiên cứu tin rằng tình hình hiện tại sẽ phụ thuộc rất nhiều vào Liên hợp quốc: các nước phương Tây cần phải tìm kiếm khả năng đối thoại với các quốc gia khu vực Vịnh Ba Tư. Ông Kepel nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán như vậy nhất thiết phải diễn ra với sự tham gia của Nga – quốc gia có ảnh hưởng lớn đến Iran và cũng thường xuyên liên lạc với Ả-rập Xê-út.
Ông Kepel cũng lưu ý rằng phương Tây từng phạm phải một số sai lầm do sự thiếu hiểu biết về thế giới Ả-rập. Cụ thể, các nước phương Tây coi “Mùa xuân Ả-rập” là một “bước đột phá dân chủ”, nhưng họ lại không hề biết rằng đây cũng chính là một yếu tố gây bất ổn. Kết quả là, “Mùa xuân Ả-rập” đã trở thành lý do cho sự trỗi dậy của “Nhà nước Hồi giáo” (IS).
Theo lời chuyên gia, tình hình hiện tại ở Trung Đông làm người ta nhớ đến châu Âu vào năm 1914. Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo châu Âu giờ đây không nên cứ mãi “rong ruổi trong giấc mơ”. Châu Âu cần theo đuổi một chính sách đối ngoại tổng thể, có sự phối hợp, nhằm ổn định tình hình cho các quốc gia Trung Đông.
Ông Kepel cũng nhấn mạnh rằng chính sách này phải độc lập với Mỹ. Bên cạnh đó, châu Âu còn phải phối hợp hành động cùng với Nga – một trong những “người chơi” mới tại khu vực Trung Đông - để thúc đẩy Iran tham gia vào tiến trình đàm phán. Và chỉ khi đó, quá trình ổn định hóa tình hình mới có thể diễn ra thành công.